Xử lý điểm đen thường xuyên ùn tắc và TNGT: Cần hành động thực chất
16 "điểm đen" tai nạn và 7 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông đang được các lực lượng chức năng tại Tp.HCM tập trung giải quyết.
# "Khi mà điều các anh cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong thì phải có tâm huyết tích cực điều tiết cho người dân. Trách nhiệm là mình phải làm cho thông thoáng để người dân đi".
# "Cảnh sát giao thông nói chung giờ cao điểm là phải trực thường xuyên ở đó để điều tiết. Ví dụ có cảnh sát giao thông thì người ta chấp hành, còn không có cánh sát giao thông thì người dân chen nhau để đi".
# "Nếu đường nào cũng có cảnh sát giao thông cũng ra quân điều tiết, xử lý thường xuyên thì sẽ đỡ kẹt xe và tai nạn giao thông hơn".
# "Bây giờ với tình hình tai nạn giao thông và kẹt xe hiện nay tại thành phố thì việc cảnh sát giao thông ra quân xử lý là cần thiết. Nhưng phải làm cho tới nơi tới chốn và làm lâu dài, chứ chỉ làm một thời gian ngắn rồi thôi thì cũng không hiệu quả lắm".
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Tp.HCM, tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018 và phát động thực hiện năm an toàn giao thông 2019 trên địa bàn thành phố cuối tháng 3 vừa qua, năm 2018, trong 17 điểm đen tai nạn giao thông, thành phố xóa được 08 điểm nhưng lại phát sinh thêm 07 điểm, hiện vẫn còn 16 điểm.
Đồng thời trong 34 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông của năm 2017, nay còn tồn tại 28 điểm có nguy cơ ùn tắc, trong đó có 07 điểm không chuyển biến.
Theo đó, đầu tháng 4 đến giữa tháng 5 năm nay, lực lượng chức năng thành phố đã ra quân xử lý các “điểm đen” ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn.
Theo kế hoạch của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, tại 07 "điểm nóng" ùn tắc giao thông, đơn vị phối hợp với các lực lượng liên quan như thanh niên xung phong, công an địa phương, thanh niên tình nguyện thuộc Thành đoàn thành phố tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông, trong khung giờ cao điểm sáng và chiều mỗi ngày.
Đồng thời, trên 05 tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông sẽ tập trung lực lượng kiểm tra, xử lý các đối tượng chính là những ôtô hoạt động kinh doanh vận tải và các hành vi vi phạm như nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích; xe quá tải, vượt quá tốc độ, đi không đúng phần đường… Qua đó, chủ động hạn chế nguy cơ kẹt xe và tai nạn giao thông dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Sau đợt cao điểm, đơn vị sẽ sơ kết đánh giá và đưa ra các giải pháp tiếp theo trong thời gian tới.
Thiếu tá Huỳnh Hữu Nhân - Phó Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết:
"Để làm tốt công tác dự báo tình hình tiềm ẩn phức tạp về an toàn giao thông xảy ra, đơn vị đặt trọng tâm tiếp tục thực hiện giải tỏa ùn tắc tại khu vực Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài ra ba khu vực vẫn phối hợp phương án lực lượng hàng ngày, phối hợp công an phường Bến Nghé quận 1, lực lượng thanh niên xung phong Thành đoàn Tp.HCM phối hợp lực lượng điều tiết các tuyến đường xung quan giao lộ. Trong đó ưu tiên đẩy đuổi các phương tiện dừng đỗ trái quy định".
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, để chiến dịch ra quân năm nay mang lại hiệu quả thực chất và lâu dài, các lực lượng chức năng cần tập trung làm tốt phong trào tự quản tại địa phương. Như thế khi kết thúc chiến dịch, phương án kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại địa phương vẫn tiếp tục được duy trì.
"Về việc Tp.HCM ra quân xử lý các điểm ùn tắc và các điểm đen, chúng tôi cho rằng đây là những chiến dịch hết sức cần thiết, đặc biệt là việc xử lý điểm đen. Đôi khi tại từng vị trí là những giải pháp đôi khi chỉ cần những thay đổi rất nhỏ nhưng đem lại hiệu quả rất lớn. Vấn đề ở đây chúng ta tổ chức thế nào cho hiệu quả. Tôi tin rằng các lực lượng dân quân dân phòng, kể cả phong trào tự quản tại địa phương, nếu chúng ta được đào tạo tập huấn, cung cấp trang thiết bị, có cơ chế hỗ trợ, chính sách biểu dương kịp thời và có sự phối hợp chặt chẽ với nhân dân. Khi những chương trình hoạt động đem lại kết quả rõ ràng cho cộng đồng thì chắc chắn thành công".
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, bên cạnh việc rà soát và xử lý các điểm đen nêu trên, Tp.HCM nói riêng và các tỉnh thành trên cả nước cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về hạ tầng đô thị và giao thông, nhằm tạo hiệu quả lâu dài trong việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Cần hành động thực chất
Tai nạn giao thông có giảm nhưng tổng số người chết vẫn còn nhức nhối. Tình hình ùn tắc giao thông vẫn là điểm nóng tại các đô thị. Xóa điểm đen ùn tắc và tai nạn giao thông, quyết tâm đã có nhưng hiệu quả phải đến từ hành động thực chất và phương án đồng bộ.
Khắc phục ùn tắc, xoá bỏ điểm đen tai nạn giao thông là mục tiêu tại các thành phố lớn trong cả nước. Do những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu giao thông, số phương tiện tiếp tục gia tăng tạo nên thách thức lớn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Năm vừa qua, toàn quốc xảy ra gần 19.000 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 8.000 người chết và khoảng 14.000 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông là lỗi của tài xế, với các vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai làn... Trong khi đó, tình hình ùn tắc giao thông tại đô thị lớn vẫn còn tiếp diễn và kéo dài nhiều giờ liền; gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, đi lại của người dân nói riêng và thiệt hại về mặt kinh tế - xã hội nói chung.
Thực tế này cho thấy, việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông luôn là vấn đề hết sức cấp bách.
Đó là lý do, năm nay, thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm kéo giảm 5% đến 10% về tai nạn giao thông trên cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm ngoái; không để xảy ra ùn tắc trên 30 phút. Đây không phải là quyết tâm lần đầu của thành phố. Bởi hoạt động ra quân này được xem là chiến dịch được tổ chức hàng năm tại nhiều địa phương, không chỉ riêng Tp.HCM; góp phần tạo diễn biến tốt trong việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Nhưng sau mỗi đợt cao điểm kết thúc, tại một số địa phương, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có phần buông lỏng trách nhiệm, thậm chí “đánh trống bỏ dùi”, đặc biệt là vấn đề trật tự đô thị, quản lý lòng đường vỉa hè…, khiến mọi thứ cứ đâu lại vào đấy, gây bức xúc trong dư luận.
Chiến dịch ra quân xử lý các điểm đen ùn tắc và tai nạn giao thông là hết sức cần thiết, nhất là ở đô thị lớn như Tp.HCM. Công tác này phải được duy trì thường xuyên và có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa phương với nhau, để mang lại hiệu quả toàn diện. Nhất là đào tạo chuyên môn và chính sách hỗ trợ cho lực lượng tự quản địa phương như dân quân, dân phòng, người dân tình nguyện… Bởi đây là lực lượng đông đảo, chủ chốt và có mặt tại chỗ, kịp thời tuyên truyền và điều phối trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, tăng cường tuần tra xử lý vi phạm, lập lại trật tự lòng đường vỉa hè, chủ động phát hiện sớm và xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông mới phát sinh; cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, nhất các công trình thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Thêm nữa, mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông, góp phần hoàn thành mục tiêu kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.
Có thể bạn thích
-
Thủ tướng Pháp: Không tăng thuế thuốc lá vào năm tới, nhưng cấm thuốc lá điện tử dùng 1 lần
-
Vinh danh giải thưởng Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021
-
Đảm bảo đo lường giúp doanh nghiệp sản xuất công tơ điện nâng cao năng lực cạnh tranh
-
Hôm nay diễn ra Hội nghị trực tuyến triển khai các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông
-
Tháng 6, gần 500 người tử vong vì TNGT