Hà Nội: Lắp thêm đèn tín hiệu tại hàng chục nút giao thông

10/06/2019 09:54 97

Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại những nút giao trọng điểm này sẽ góp phần điều tiết lưu lượng các phương tiện, đảm bảo ATGT.

8h sáng ngày 4/6, có mặt tại ngõ 10, Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội, giao thông giờ cao điểm sáng tại khu vực này rất lộn xộn. Người và phương tiện từ đường Trường Chinh, Lê Trọng Tấn đi sang Tôn Thất Tùng xung đột với dòng xe từ trong ngõ 10 đi ra theo cả 2 hướng. Một đoạn đường ngắn nhưng luôn xảy ra ùn tắc do xung đột giao thông. Mặc dù lưu lượng phương tiện lớn, xe cộ qua lại đông đúc, nhưng nút giao này chưa được bố trí đèn tín hiệu nên tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm thường xuyên diễn ra.

Anh Nguyễn Quang Bách, một người dân sinh sống gần ngõ 10, Tôn Thất Tùng chia sẻ:

"Mỗi lần đi qua nút giao thông này tôi thấy không có đèn tín hiệu, giao thông rất hỗn loạn, nhiều lúc cũng muốn tìm cung đường khác, đi vòng để tránh nhưng cũng không được, không có đường nào khác thay thế cả. Tôi rất mong muốn lắp một đèn tín hiệu để giao thông được thuận lợi hơn, chứ ở đây bây giờ hỗn loạn, thường xuyên xảy ra ùn tắc".

Tại ngã tư Hồ Tùng Mậu – Lê Đức Thọ, quận Bắc từ Liêm, dù đèn tín hiệu đã có, song do bị khuất tầm nhìn nên không ít người tham gia giao thông khó quan sát, dẫn đến không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, thâm chí vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho mình và các phương tiện khác.

Chí Nguyễn Thị Phượng, một người dân sinh sống trên địa bàn chia sẻ:

"Có một bên thì mất đèn, một bên thì còn, tham gia rất nguy hiểm. Có những chỗ thì lại bị khuất tầm nhìn, tham gia giao thông nó cũng không an toàn. Tôi nghĩ thành phố nên có những biện pháp để chỉnh sửa để người tham gia giao thông an toàn hơn".

Đó là 2 trong số những nút giao thông dự kiến được Sở GTVT Hà Nội thực hiện cải tạo, sửa chữa công trình hạ tầng giao thông sử dụng vốn ngân sách nhà nước năm 2019. Theo đó, Hà Nội sẽ tiến hành cải tạo, lắp thêm đèn tín hiệu giao thông tại hàng chục nút giao trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó, riêng địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ lắp đặt cụm đèn đi bộ trên các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, gần Hàm cá mập, Trần Quang Khải giao cắt với Lò Sũ; khu vực Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), ngõ 10 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa.

Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại những nút giao trọng điểm này sẽ góp phần điều tiết lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ qua đường và tốc độ di chuyển trung bình của các phương tiện trên toàn tuyến. Đồng thời đảm bảo trật tự của các phương tiện tham gia giao thông tại các ngã ba, ngã tư đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực các nút giao.

Về điều này, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết:

"Thời gian tới, thành phố đang chỉ đạo lắp đặt các camera trên địa bàn Thành phố. Tôi cho rằng việc vừa lắp đặt đèn tín hiệu, vừa lắp đặt camera sẽ giúp việc xử lý vi phạm, xử lý giao thông sẽ đảm bảo hơn và người tham gia giao thông sẽ phải chấp hành đúng luật lệ giao thông hơn. Như thế việc lắp đèn đỏ, đèn xanh tại các ngã 3, ngã tư nó cũng phù hợp, nó sẽ giảm được việc ùn tắc giao thông tại các ngã 3 ngã tư".

Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, sau đợt cải tạo, nâng cấp và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu này, hàng năm Sở GTVT Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cho UBND Thành phố danh mục đầu tư hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên cơ sở ưu tiên các vị trí nút giao thường xuyên ùn tắc, có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, các vị trí kết nối giữa các đường trục chính với đường liên khu vực để đảm an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc và tai nạn giao thông. 

Hà Nội đang lên phương án tổ chức lại giao thông 33 điểm ùn tắc

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đang lên phương án tổ chức lại giao thông 33 điểm ùn tắc. Trong đó, trước mắt sẽ tiến hành thí điểm các phương án tổ chức lại giao thông tại 5 điểm ùn tắc gồm: nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), nút Nguyễn Khang - cầu 361 (quận Cầu Giấy), cầu Mọc (quận Thanh Xuân), điểm phía Bắc cầu Chương Dương (quận Long Biên) và điểm ùn tắc ở đầu các ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng (quận Đống Đa).  

Ông Lê Văn Bính, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội cho biết, trong số 12 dự án giao thông trọng điểm chuyển tiếp từ các năm trước, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019 có dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác một đoạn hơn 1,3km.

Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội, dự kiến, trong quý III/2019, TP Hà Nội sẽ đưa vào khai thác thêm 4 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch là khí CNG. Đó là tuyến Kim Lũ (huyện Sóc Sơn) đi Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm); Cầu Giấy - Tam Hiệp (huyện Thanh Trì); Nhổn (quận Bắc Từ Liêm) đi Thọ An (huyện Đan Phượng); Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) - Hoài Đức.