Xe đưa đón học sinh: Cần chính sách đặc biệt
Dự thảo Nghị định 86 do Bộ GTVT soạn thảo cũng quy định xe đưa đón học sinh phải có phương án kiểm soát để không bỏ quên hành khách trên xe.
Theo văn bản của Bộ GTVT, tại khoản 1 Điều 64 Luật Giao thông đường bộ quy định, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và xe chở học sinh là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Cũng theo Bộ GTVT, Nghị định số 86 và Thông tư số 63 của Bộ trưởng Bộ GTVT cũng quy định, các xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải thuộc các đơn vị vận tải đã được sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải và xe được cấp phù hiệu, gắn thiết bị GSHT theo quy định.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT đã bổ sung quy định: Phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không bỏ quên hành khách ở trên xe khi kết thúc hành trình. Về điều này, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết:
“Chỉ có giám sát chặt chẽ, đã là xe đưa đón học sinh là phải là xe đăng ký điều kiện kinh doanh và phải ký hợp đồng, tức là phải có phù hiệu. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo các Sở GTVT rà soát lại cái đấy. Trước mắt phải làm chặt cái đấy đã”.
Sau sự việc cháu bé bị bỏ quên trên xe tại trường Gateway (Hà Nội) và trường mầm non Đồ Rê Mí (Bắc Ninh), trả lời trên Diễn đàn 91 do Kênh VOVGT thực hiện, ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh- sinh viên -Bộ Giáo dục và Đào Tạo đã kiến nghị Bộ GTVT rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với loại hình xe đưa đón học sinh.
Tuy vậy, đến nay, ngoài việc bổ sung quy định về “phương án kiểm soát để bảo đảm không bỏ quên hành khách ở trên xe khi kết thúc hành trình” thì cũng chưa có thêm quy định gì mới đối với xe đưa đón học sinh. Thực tế này khiến nhiều phụ huynh lo lắng:
“Cũng chỉ biết đóng tiền cho nhà trường thì đóng cho con thôi. Cái kiểm tra an toàn thì cũng chỉ tin tưởng vào hợp đồng của nhà trường với bên cung cấp xe đưa đón các cháu thôi, nhưng thực sự chất lượng xe như thế nào thì mình chả biết nó có an toàn không”.
“Người ta phải có một quy trình nào để phụ huynh có thể nắm bắt thông tin của con, chứ bây giờ là hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin giữa phụ huynh với nhà trường thôi chứ không có một cái gì đảm bảo cả”.
Ông Phạm Quang Vinh, một phụ huynh nhiều năm quan tâm đến xe buýt trường học cho rằng, cần sớm tổ chức mô hình xe buýt học đường và coi đó như một trong những giải pháp quan trọng về giao thông đô thị. Theo ông Vinh, giải quyết được nhu cầu đi lại của hàng chục triệu học sinh các cấp sẽ góp phần rất lớn vào việc giải số lượng chuyến đi hàng ngày của hàng triệu gia đình:
“Có nhiều nước xe buýt trường học là một loại xe riêng. Và xe buýt trường học thực ra nên được hưởng mức ưu đãi cao hơn xe buýt công cộng. Nó phải có quy định trong Luật hay ở đâu đấy về chuyện phải đảm bảo quyền ưu tiên cho xe buýt trường học, đưa ra các quy định về lái xe, về người phục vụ, giám sát trên xe…”
Đối chiếu quy định hiện hành, một số ý kiến cũng cho rằng, việc quy định chung chung xe đưa đón học sinh là xe hợp đồng là chưa thuyết phục, bởi học sinh là đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông nên cần được ưu tiên đặc biệt. Về điều này, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết:
“Chúng ta phải đặt vấn đề xe vận chuyển người và vận chuyển trẻ em phải được ưu tiên lên hàng đầu. Chúng tôi mong rằng các quy định của pháp luật phải cụ thể rõ ràng và nâng cao điều kiện theo xu thế các nước đã thực hiện”.
TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, các cơ quan liên quan cần sớm nghiên cứu, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để cơ quan quản lý có thể giám sát một cách hiệu quả dịch vụ xe đưa đón học sinh. Đó không chỉ là phương tiện, là người lái, mà quan trọng là quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình vận tải đặc thù này:
“Tôi nghĩ là phần xác lập các điều kiện, đặc biệt là các quy định về điều kiện kinh doanh và vận hành đối với loại hình dịch vụ đưa đón này. Bởi vì nó là lĩnh vực đặc thù nên chúng ta hoàn toàn có thể có những quy định rất đặc thù để đảm bảo an toàn, đảm bảo tính tiện lợi cho người sử dụng. Cái đấy tôi nghĩ rất quan trọng”.
Việc cấp phép cho xe hợp đồng vận chuyển thông thường với lộ trình cố định, và số lượng điểm đón… cũng sẽ khiến cho chi phí đưa đón học sinh khó có khả năng tiết kiệm khi không thể mở rộng phạm vi hoạt động.
Việc cấp phép cho xe hợp đồng vận chuyển thông thường với lộ trình cố định, và số lượng điểm đón… cũng sẽ khiến cho chi phí đưa đón học sinh khó có khả năng tiết kiệm khi không thể mở rộng phạm vi hoạt động
Rõ ràng, nhu cầu xe đưa đón học sinh là rất lớn và đây là dịch vụ mang lại lợi ích nhiều mặt nếu được tổ chức tốt. Tuy vậy, với đối tượng tham gia giao thông đặc thù, rất cần những quy định đặc biệt cho loại hình vận tải này, từ quy chuẩn về phương tiện, người lái cũng như người phục vụ trên xe để đảm bảo học sinh tham gia giao thông tuyệt đối an toàn.
“Cần chính sách đặc biệt cho xe đưa đón học sinh” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến –Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)
So với loại hình xe hợp đồng vận tải nói chung, xe đưa đón học sinh hầu như không có thêm bất kỳ điều kiện cụ thể nào.
Theo văn bản trả lời Bộ GDĐT về vấn đề này thì Bộ GTVT mới chỉ trình bổ sung quy định phải có phương án kiểm soát để đảm bảo không bỏ quên hành khách trên xe. Chi tiết này cho thấy, thời điểm hiện tại Bộ GTVT vẫn chưa thực sự nhìn nhận vấn đề xe đưa đón học sinh là một nhu cầu đặc biệt của xã hội, nên chỉ đề xuất chính sách nhằm đối phó sự vụ thời sự chứ không đi vào bản chất của vấn đề.
Không phải ngẫu nhiên mà loại hình xe đưa đón học sinh trên thế giới đều mang tên gọi School Bus, tức xe buýt tới trường. Điều đó có nghĩa nó là loại phương tiện công cộng dành riêng cho học sinh, với các yêu cầu về nhận diện, về thiết kế phù hợp để dành riêng cho học sinh, với các tiêu chí an toàn đặc biệt.
Việc nhìn nhận xe đưa đón học sinh như xe hợp đồng vận tải chắc chắn sẽ không đủ tác động tích cực đến hoạt động đưa đón học sinh vốn đang gặp rất nhiều vấn đề xung quanh sự an toàn hiện nay. Bởi, các nhà trường thường không đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải, nên buộc phải hợp đồng với bên thứ 3 cung cấp phương tiện và nhân sự vận hành. Các doanh nghiệp vận tải không dễ phát triển năng lực quản trị học đường để phục vụ đối tượng đặc biệt là học sinh.
Ngoài các nguy cơ về việc để quên học sinh trên xe, các tài xế, phụ xe thiếu chuẩn mực về tác phong giao tiếp cũng sẽ tác động tiêu cực tới trẻ em thông qua hành xử của mình.
Đặc biệt, khi xe đưa đón học sinh không buộc phải đáp ứng các điều kiện về thiết kế phù hợp với khả năng tiếp cận phương tiện của trẻ em sẽ dẫn đến những nguy cơ mất an toàn.
Việc cấp phép cho xe hợp đồng vận chuyển thông thường với lộ trình cố định, và số lượng điểm đón… cũng sẽ khiến cho chi phí đưa đón học sinh khó có khả năng tiết kiệm khi không thể mở rộng phạm vi hoạt động.
Từ những yếu tố trên, rất khó để đồng tình với quan điểm của Bộ GTVT rằng đã có đầy đủ quy chuẩn cho xe đưa đón học sinh.
Tuy nhiên, VOVGT cũng rất cảm thông với Bộ GTVT về những khó khăn trong việc đề xuất các quy định cụ thể đối với loại hình vận tải đặc biệt này.
Bởi, quy định như thế nào để đảm bảo học sinh có thể đến trường an toàn không chỉ là giao thông thuần túy. Nên, thay vì hỏi, đề nghị Bộ GTVT trả lời về các quy định, Bộ GDĐT cần chủ động đưa ra các đề xuất pháp luật từ thực tiễn quản lý của ngành, để từ đó phối hợp với Bộ GTVT để xây dựng các nguyên tắc, quy định phù hợp đối với loại hình này.