Nguy cơ mất an toàn trên các tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long

16/09/2019 02:54 778

Một số người nhầm tưởng rằng các tuyến đường gom là đường một chiều cho cả ô tô và xe máy, khiến một số trường hợp tài xế lấn sang làn bên trái, chiếm hết lối đi của chiều ngược lại.

Nhiều ngày nay, nhiều người tham gia giao thông bằng ô tô trên các tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long thường bị giật mình bởi sự xuất hiện của các xe máy đi ngược chiều. Một số người nhầm tưởng rằng các tuyến đường gom là đường một chiều cho cả ô tô và xe máy, khiến một số trường hợp tài xế lấn sang làn bên trái, chiếm hết lối đi của chiều ngược lại. Không ít vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Chị Phạm Hồng Thương, ở Hà Đông, Hà Nội phản ánh, trên các tuyến đường gom, dù cũng có biển báo, song không lưu thông thường xuyên nên ít nhiều bị xao nhãng. Tuy vậy, vạch kẻ đường trên các tuyến đường gom bị mờ khiến chị rất khó phân biệt:

"Tham gia giao thông trên đường gom của Đại lộ Thăng Long, trong đầu tôi gần như suy nghĩ đường đấy là đường một chiều. Chính vì vậy, khi gặp những chiếc xe máy đi ngược lại thì tôi hay giật mình và thực sự là tôi nghĩ những người đi xe máy trên chiều ngược lại của đường gom sẽ cảm thấy không an toàn".

Nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến đường gom đại lộ Thăng Long. Ảnh minh họa: Báo Giao thông

Anh Phạm Văn Đức, ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết, đã có lần anh chứng kiến va chạm xảy ra trên đường gom Đại lộ Thăng Long khi người điều khiển ô tô cho rằng xe máy đang phạm lỗi và lấn làn. Vì vậy, tài xế ô tô quyết không nhường đường, khiến va chạm xảy ra.

"Thường là những đường gom là đường một chiều, nhưng bên đây có những đường sử dụng 2 chiều, sinh ra đường gom vốn nó đã chật và sử dụng 2 chiều như thế nó sẽ xảy ra mất an toàn giao thông, luôn luôn rình rập nguy cơ xảy ra tai nạn. Thực tế cũng đã có nhiều tai nạn xảy ra".

Trao đổi với VOVGT, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết đã nhận được phản ánh của người tham gia giao thông về việc tổ chức giao thông trên các tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long. Theo đó, trên hai dải đường gom, việc tổ chức giao thông như đường đô thị, trong đó xe máy, xe thô sơ chạy hai chiều; xe ô tô đi một chiều theo hướng phía phải của tuyến đường.

Về phản ánh biển báo, vạch kẻ đường bị mờ, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ năm 2010- khi tuyến đường đưa vào khai thác, Sở GTVT Hà Nội thường xuyên kiểm tra, bổ sung biển báo, biển hướng dẫn giao thông, sơn kẻ, lắp đặt biển báo hiệu từ xa cho các phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm, do lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, vạch sơn kẻ đường bi mờ, khó quan sát.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, hiện trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long vẫn còn một số biển báo chưa phù hợp với Quy chuẩn 41 của Bộ GTVT về hệ thống biển báo. Do vậy, Sở GTVT Hà Nội đã lập dự án thay thế trên toàn địa bàn Thành phố, trong đó riêng tuyến Đại Lộ Thăng Long cần thay thế khoảng 1.300 biển báo. Dự kiến, việc thay thế biển báo trên Đại lộ Thăng Long sẽ hoàn thành trong quý 2/2019.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS. TS Phạm Hoàng Kiên, Trưởng khoa công trình, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, việc tổ chức giao thông 2 chiều cho mô tô, xe máy trên đường gom Đại lộ Thăng Long là hợp lý. Tuy vậy, với lưu lượng gia tăng lớn hơn nhiều công suất thiết kế. Điều đó khiến các tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long ngày càng trở nên chật chội.

"Có thể ban đầu chúng ta xây đường gom thì lưu lượng nó không nhiều như bây giờ. Nhưng đúng là chúng ta phải có tầm nhìn dài hơn, chúng ta phải tính toán được sau bao nhiêu năm thì lưu lượng phương tiện tăng lên như thế nào để chúng ta tính toán cái đường nó đáp ứng được lưu lượng ấy".

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, tại một số vị trí đường gom, cầu chui dân sinh đã xảy ra tình trạng xung đột giao thông, ùn tắc.  Để đảm bảo ATGT, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường này, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu nhiều phương án và tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc, quá tải, song vẫn chưa thực sự hiệu quả.