Chống dịch, không quên đảm bảo an ninh trật tự xã hội
Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống dịch COVID-9
Trong lúc cả nước đang căng mình để phòng chống dịch Covid 19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thì đâu đó vẫn tồn tại tình trạng nhiều thanh niên tụ tập đua xe trái phép gây mất an toàn giao thông, nhiều vụ trộm cướp xảy ra gây mất an toàn, an ninh trật tự.
Camera an ninh ghi lại chi tiết vụ cướp cửa hàng Bách hoá Xanh
"Em xem lại camera thì bọn chúng đi từ 3h15 từ đường này đi lên là 3h20, thì chiếc taxi đó dừng lại ở ngay góc đường còn chiếc xe máy đâm thẳng vô cổng nhà và dừng lại. Sau đó, 3 người xuống hỗ trợ nhau và cắt chìa.
"Chỉ cần 2 phút là nó phá khóa này, sau đó 1 người cảnh giới bên ngoài 1 người tiếp tục phá khóa bên trong. Chỉ cần 6 phút phá hết khóa, banh khung sắt đột nhập vào nhà lấy nữ trang, vàng bạc, tiền vàng kỷ niệm ngày cưới, các vật dụng cá nhân hàng ngày trị giá khoảng 200 triệu".
Vừa rồi là chia sẻ của 2 người dân trên địa bàn quận Thủ Đức TPHCM và tỉnh Đồng Nai sau khi trở thành nạn nhân của các nhóm đột nhập vào nhà trộm tài sản trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua.
Sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hàng loạt hoạt động xã hội đã phải tạm dừng để đảm bảo mục tiêu “giãn cách xã hội”. Đường phố thưa thớt, không gian đô thị vì thế cũng trở nên vắng vẻ.
Đây cũng là dịp để các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi như trộm cắp tài sản, tụ tập đua xe trái phép; thậm chí chống người thi hành công vụ…
Điển hình vào đêm 27/3 vừa qua, 2 đối tượng đeo mặt nạ dùng súng và dao ập vào cửa hàng Bách hoá Xanh trên đường số 3, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú TPHCM cướp đi gần 80 triệu đồng. Sau khi bị bắt, các đối tượng khai nhận do không có tiền trả nợ ngân hàng và thất nghiệp không có tiền tiêu xài nên đã rủ nhau thực hiện vụ cướp táo tợn nêu trên.
Tối ngày 4/4 vừa qua, đối tượng Đoàn Vũ Mạnh (28 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) do thiếu nợ tiền cá độ bóng đá nên đã dùng dao khống chế nhân viên thu ngân của công ty mình đang làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa I, phường An Bình, TP Biên Hòa. Sau khi cướp đi 600 triệu đồng thì bị bảo vệ công ty và người dân phát hiện bắt giữ.
Trước đó, tối ngày 2/4, 2 chiến sĩ Công an là Đại úy Đặng Thanh Tuấn và Trung sĩ Võ Văn Toàn thuộc Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng khi đang tuần tra thì phát hiện nhóm thanh niên có biểu hiện đua xe, cướp giật. Các anh đã truy bắt nhưng không may gặp tai nạn và hi sinh. Sau đó một ngày, tất cả đối tượng liên quan đến vụ việc này đều đã sa lưới.
Chia sẻ thêm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM nhận định, thời điểm này do dịch Covid 19 hoành hành nên nhiều người mất việc làm; cuộc sống cũng có phần căng thẳng và dễ bị kích động.
Mặc khác, việc đường phố vắng vẻ cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tội phạm hình sự như cướp giật, cưỡng đoạt tài sản dễ ra tay hành động.
"Chúng tôi đã có những điều tra cơ bản, khoanh vùng các tuyến đường, khu vực có thể xảy ra cướp, cướp giật cũng như cưỡng đoạt tài sản. Chúng tôi cũng đã thống kê, lên danh sách các đối tượng chủ mưu cầm đầu của các băng nhóm và có các biện pháp nghiệp vụ để khi các đối tượng này nhen nhóm hoạt động thì chúng tôi sẵn sàng có đối sách nghiệp vụ để xử lý. Vì vậy cần hạn chế đi ra đường khi không có việc cần thiết", Thượng tá Nguyễn Đăng Nam nói.
Nhóm đối tượng đua xe, cướp giật làm hai chiến sĩ Công an TP. Đà Nẵng hy sinh khi truy đuổi
Bên cạnh các hành vi tội phạm có yếu tố hình sự thì tại các địa phương khu vực phía Nam cũng nổi lên tình trạng nhiều nhóm thanh niên tụ tập cổ vũ và tổ chức xe trái phép; gây mất an toàn giao thông, rối loạn an ninh trật tự tại một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Cá biệt có nơi do đường thông, hè thoáng, người tham gia giao thông chủ quan, tự ý phóng nhanh, vượt ẩu; không quan sát dẫn đến tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng.
Thượng tá Thái Viết Vũ, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các lực lượng chuyên ngành, các địa phương cần có sự phối hợp nghiêm túc, đồng bộ hơn.
"Chúng tôi có ký kế hoạch phối hợp với 10 tỉnh ĐBSCL phòng chống đua xe trái phép trên địa bàn giáp ranh, huy động tối đa lực lượng, phương tiện để đấu tranh với đối tượng này trong thời gian tới".
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid 19 cũng như đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự tại các địa phương rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ lực lượng công an cũng như sự hợp tác tích cực của mỗi người dân.
"Lực lượng công an vào cuộc rất tích cực. Sự vào cuộc của một số địa phương cần sát sao hơn, quyết liệt hơn thì người dân mới hiểu được, công tác chống dịch mới hiệu quả được".
Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ chiều ngày 6/4 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tất cả các Bộ ngành, địa phương cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch Covid 19 cũng như đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự.
"Chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn này bằng cách tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15, 16. Cần chuẩn bị những phương án chủ động hơn, toàn diện hơn để khi hết dịch có thể phục hồi sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội".
Không quên đảm bảo an ninh trật tự xã hội
Đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho kinh tế -xã hội nước ta. “Giãn cách xã hội” được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát và tiến đến không chế được dịch bệnh, song đây cũng là cơ hội khiến các loại hình tội phạm có điều kiện lộng hành. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 nhưng cũng cần dành nhiều sự quan tâm đến việc ổn định đời sống người dân; đảm bảo an ninh trật tự.
Công an quận Hoàn Kiếm xử lý người dân không đeo khẩu trang trên địa bàn. Ảnh: Kinh tế đô thị
Thực hiện giãn cách xã hội là một trong những biện pháp then chốt để kiềm chế dịch COVID-19 lây lan và được coi là thành công ở nước ta. Tuy nhiên để thực hiện biện pháp này cũng có nghĩa là phải thu hẹp lại sản xuất, kinh doanh. Do vậy dẫn đến việc giảm thu nhập xã hội, gia tăng tình trạng thất nghiệp; kèm theo đó là các vấn đề về an sinh phải đảm bảo, mất trật tự an ninh xã hội này sinh.
Khi nghe các thông tin trên các phương tiện truyền thông về những vụ cướp giật, những vụ trộm cắp, hẳn rằng sẽ không ít người đều có chung nhận định có thể có nguyên nhân túng quẫn nên làm liều của một số đối tượng.
Có thể đó là những hệ luỵ tất yếu khi xuất hiện khủng hoảng, mà ở đây là một cuộc khủng hoảng y tế có sức ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên sống trong một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, kỷ cương, kể cả trong lúc khó khăn, không thể chấp nhận bất cứ hành động nào gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng của cá nhân.
Mọi người không chỉ đồng lòng, đồng sức chống dịch mà sẽ đấu tranh cương quyết với các hành vi sai trái,nhất là các hành vi phạm pháp luật nảy sinh trong thời điểm nước sôi lửa bỏng hiện nay.
Trong lời kêu gọi toàn dân chống dịch,Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội".
Do vậy, chính lúc này, đất nước lâm cảnh khó khăn và truyền thống tốt đẹp ấy đang được kích hoạt. Hầu hết các công dân đều vận dụng tối đa năng lực của mình trong công việc, phạm vi nhiệm vụ của mình; từ bác sỹ, kỹ sư, quân nhân, doanh nghiệp đến nhà giáo, nhà báo, nghệ sỹ, nông dân, công nhân...
Các tổ chức, doanh nghiệp tương trợ lẫn nhau để vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất. Tinh thần"Lá lành đùm lá rách", "một miếng khi đói bằng một gói khi no" đang được kích hoạt lan tỏa rộng khắp trong cả nước.
Tuy vậy, trong bối cảnh này vẫn xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với các giá trị tốt đẹp kể trên. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật phải tấn công mạnh mẽ hơn nữa để vừa trấn áp các loại tội phạm; vừa đảm bình yên cho cuộc sống cho người dân. Trong đó phong trào toàn dân tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm; đảm bảo an ninh trật tự cũng cần tiếp tục được tuyên truyền, phổ biến.
Riêng đối với mỗi cá nhân và gia đình, cùng với việc chấp hành tốt giãn cách xã hội; cần hiểu rõ vai trò công dân của mình trong lúc này để chung tay cùng nhà nước và cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Đặc biệt ở một số gia đình cần chú ý chăm lo, động viên các thành viên san sẻ các khó khăn, thiếu thốn; nhất là nhắc nhở con em không tụ tập, la cà; hoặc cực đoan gây rối trật tự xã hội. Chủ động, tích cực hợp tác với các lực lượng chức năng vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Cuộc chiến chống lại dịch Covid 19 vẫn còn lắm gian nan. Dù chúng ta đang làm khá tốt công tác không chế và kiểm soát dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được chủ quan,đặc biệt là phải lường trước các yếu tố tiêu cực nảy sinh; trong đó nhất là mất an ninh trật tự, an toàn xã hội như đã xảy ra tuy mang tính đơn lẻ vừa qua.
Do vậy, cần hơn hết lúc này là tinh thần trách nhiệm và đoàn kết của mỗi người mỗi nhà để thực sự không ai bị bỏ lại phía sau trong thời đoạn khó khăn; cũng như sự bình yên về an ninh trật tự.
Có thể bạn thích
-
Khai thác tiềm năng, lợi thế từ khu vực nông thôn để phát triển du lịch
-
Hồng Kông, Trung Quốc chuẩn bị mở cửa Công viên giải trí Frozen
-
Phát triển chăn nuôi theo chuỗi - Cần chiến lược từ sản xuất đến tiêu thụ
-
Tăng cường xử phạt vi phạm trên thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
-
Phải làm sao khi bạn gái không chung thủy?