Tai nạn do rượu bia: Gác "sĩ diện" hay gác "an toàn"?

02/12/2019 09:17 250

Liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do vi phạm nồng độ cồn chỉ trong 2 ngày cuối tuần khiến người dân lo ngại.

Như thường lệ, dịp cuối năm, tần suất sử dụng rượu bia tăng cao, nguy cơ TNGT luôn thường trực. Cơ quan chức năng đang và sẽ làm gì để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ này?

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Phú Yên (Ảnh: Thanh Niên)

Như VOVGT đã đưa tin, vào lúc 19 giờ ngày 30/11, tài xế Võ Duy Đô (trú tại huyện Đông Hòa, Phú Yên) điều khiển xe bán tải trên quốc lộ 29,khi qua xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòađã gây ra vụ tai nạn liên hoàn khiến 4 người tử vong tại chỗ, 1 người tử vong tại bệnh viện và 2 ngườibị thương nặng.Kết quả kiểm tra cho thấy, tài xế Võ Duy Đô không có giấy phép lái ô tô và đã uống rượu bia trước khi gây tai nạn.

Tiếp đó, vào khoảng 15 giờ ngày 01/12, một vụ tai nạn liên hoàn khác cũng xảy ra tại chiếc đường Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) khi chiếc ô tô hiệu Hyundai Santafe va chạm với xe ô tô bán tải, và chạm tiếp với một xe máy do một phụ nữ chở theo con nhỏ rồi đấu đầu với xe chở khách mới dừng lại. Vụ tai nạn khiến 2 mẹ con người phụ nữ đi xe máy bị thương. Được biết, tài xế xe Hyundai Santafe cũng uống rượu bia trước khi gây tai nạn.

2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tài xế vi phạm nồng độ cồn xảy ra chỉ trong 2 ngày nghỉ cuối tuần khiến dư luận rất lo ngại:

“Khi tham gia giao thông tôi rất sợ việc uống bia rượu vào không kiểm soát được phương tiện, nhất là những tháng cuối năm như thế này thì hoàn toàn là điều xảy ra rất dễ”.

“Em rất sợ, sợ sẽ gây tai nạn cho toàn bộ người trên xe vì trên xe khách là thường có rất nhiều người”.

“Ngồi sau phương tiện của họ thì nghe mùi bia rượu có trường hợp họ không làm chủ được tay lái, tốc độ thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mình”.

Đáng chú ý, trong các đợt kiểm tra chuyên đề, xử lý các vi phạm nồng độ cồn luôn được lực lượng CSGT toàn quốc lồng ghép trong các kế hoạch thường xuyên, kế hoạch cao điểm.

Chỉ tính riêng tháng cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma túy vào tháng 8/2019, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý hơn 14.700 trường hợp vi phạm.

Đại diện Cục CSGT – bộ Công an cho biết, từ nay đến cuối năm, thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hôi dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội đầu xuân năm 2020, Cục CSGT cũng tập trung xử lý đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy và các vi phạm có nguy cơ trực tiếp dẫn tới TNGT. 

Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhiều ý kiến cũng đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này. Tại dự thảo sửa đổi nghị định 46 của Chính phủ do Bộ GTVT soạn thảo, mức phạt với hành vi này được đề xuất tăng lên mức cao nhất là 40 triệu đồng. 

Thậm chí có đề xuất tịch thu bằng lái vĩnh viễn với tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra TNGT. Cùng với đề xuất tăng mức phạt hành chính, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an đề xuất xử lý hình sự với hành vi này:

“Theo Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt đã cao nhưng so với các nước mà chúng tôi nghiên cứu thì mức độ của chúng ta còn nhẹ. Riêng nồng độ cồn nhiều nước đã thể chế hóa là xử lý hình sự”.

Luật sư Phạm Thành Tài, giám đốc Văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cũng cho rằng, nhiều nước như Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc đã có chế tài xử lý phạt tù với các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, dù chưa gây ra tai nạn:

“Tất cả các bang của Mỹ đều xử lý hình sự đối với đối với lái xe sử dụng rượu bia. Và những người này có thể chưa gây ra TNGT nhưng mức phạt tù có thể lên đến 12 tháng tù, và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 6 tháng. Ở Trung Quốc, người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông lần đầu ở mức chưa nghiêm trọng sẽ đối diện mức phạt tù từ 1 tháng đến 3 tháng”.

Trong khi dự thảo sửa đổi Nghị định 46 chưa được thông qua, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn ngừa TNGT do vi phạm nồng độ cồn gây ra, cần có các quy định hạn chế sự tiếp cận của người dân với rượu bia. 

Hiện tại, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được ban hành, trong đó đặt ra nhiệm vụ giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, biaa, bởi trên thực tế, việc tiếp cận rượu bia vẫn quá dễ dàng. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ Ban ATGT Quốc gia phân tích:

“Phải xem việc bố sai con đi mua rượu là bắt đầu một hành vi đầu độc, tức là tiếp cận điều không đúng. Thứ 2 là phải phổ biến quy định không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi”.

Các ý kiến cũng cho rằng, cùng với các chế tài xử lý, xử phạt, cần sớm nghiên cứu và đưa vào áp dụng những rào cản, những biện pháp giảm khả năng tiếp cận bia rượu mới góp phần hạn chế các vụ TNGT do tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra. 

Cần sự lựa chọn đúng đắn, mạnh dạn từ bỏ “hủ tục” ép uống rượu bia

Nguy cơ TNGT do tài xế vi phạm nồng độ cồn đã được đề cập nhiều lần. Tuy vậy, số vụ vi phạm bị xử lý vẫn không ngừng tăng lên hàng năm. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng đã được ban hành.

Tuy vậy, dưới góc nhìn của VOVGT, để ngăn ngừa, giảm thiểu TNGT do tài xế sử dụng rượu bia gây ra, cần có giải pháp phòng ngừa từ nhiều phía.

Gác “sĩ diện” hay gác “an toàn”?

Việc hạn chế khả năng tiếp cận rượu bia như một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu để giảm TNGT liên quan đến bia rượu, không phải bây giờ mới được đưa ra. Mức phạt tiền tới 18 triệu đồng hiện tại cho vi phạm nồng độ cồn, người lái xe có sợ không? Chắc chắn sợ, ngay cả với người có thu nhập khá. 

Mức phạt bổ sung tịch thu bằng lái tới nửa năm, có đáng sợ không đối với người lái xe? Chắc chắn là có, bởi không chỉ là tước quyền chủ động đi lại, mà nhiều trước hợp, còn là tạm tịch thu “cần câu cơm”.

Và nguy cơ bị xử lý hình sự nếu gây tai nạn nghiêm trọng do say rượu lái xe - đương nhiên là đáng sợ, đối với bất kỳ ai.

Tuy nhiên, như VOVGT từng đề cập, tất cả những nỗi sợ này chỉ xuất hiện trong điều kiện nhận thức còn tỉnh táo. Thật nực cười nếu đem chế tài ra để dọa người say. 

Và người say luôn có thừa “tự tin”, thừa bảo thủ, trong khi nhân viên nhà hàng, quán nhậu lại không có quyền “áp tải” họ lên những phương tiện thay thế để về nhà, như lời kêu gọi.

Lực lượng chức năng lại càng không thể đủ quân số để tỏa đi khắp cả ngả đường, phát hiện và ngăn chặn kịp thời được các “ma men”. Cho nên, giảm TNGT, cơ bản nhất vẫn là khâu phòng ngừa.

Ngừa tai nạn do bia rượu bằng cách hạn chế sự dễ dàng trong tiếp cận rượu bia: rất quan trọng, nhưng không dễ, khi mà rượu và đồ uống có cồn xuất hiện khắp mọi nơi, từ hàng ăn đến quán nước vỉa hè, không bày ra nhưng cứ cần là có, muốn là được, chứ không chỉ chính thức ở các cửa hàng cửa hiệu.

Ngừa bằng việc không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, cũng chỉ thực hiện được chặt chẽ một khi đã kiểm soát tốt được việc sản xuất, kinh doanh buôn bán rượu bia, mà điều này vẫn là câu chuyện của tương lai. Ngừa bằng việc tăng nặng chế tài, công việc đó vẫn đang được xem xét, xúc tiến.

Song, còn một biện pháp phòng ngừa khác, cần được quan tâm nhiều hơn, đó là bằng sự thay đổi một quan niệm ứng xử đã trở nên quá lạc hậu, nếu không muốn nói là “hủ tục”, đó là: đo tình bằng hữu bằng độ đầy vơi của chén rượu, cốc bia.

Ký kết, giao lưu: chén rượu cốc bia buộc phải có để đặt quan hệ và thắt chặt tình thân. Gặp gỡ tụ họp, phải có chén chú chén anh, không cạn ly coi như đãi bôi, hời hợt. Từ bằng hữu đến anh em, từ đồng nghiệp đến đồng môn, ..đâu đâu cũng lấy rượu bia đo sĩ diện và mức độ đậm sâu của tình cảm. 

Nhiều người chia sẻ, bản thân họ không hề muốn uống, và cơ thể đã sẵn “rệu rã” sau bao cuộc rượu bia, nhưng vì ngại mọi người trên bàn nhậu đánh giá là kém cỏi, là “hèn”, ngại vì bị ép, bị khích bác, nên đành uống.

Khi đã dăm ba chén, không còn kiểm soát được bản thân, chính họ cũng lặp lại chính hành vi đó, rồi lên xe lái thẳng ra đường với tất cả sự “iêng hung”, trước khi gây ra thảm họa.

Chén rượu cốc bia, thay vì được sử dụng như một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, đã từ lâu, bị lạm dụng theo những cách tệ hại như trên, gây mất an ninh trật tự, và trở thành nỗi bất an thường trực cho người tham gia giao thông. 

Nhưng thay vì bắt đầu từ chính mình, ai cũng đợi người khác thay đổi. Thay vì chấp nhận gác sĩ diện sang một bên, người ta lại giữ nó khư khư, và biến an toàn của mình, của mọi người thành chuyện được chăng hay chớ.

Cảm giác của những tài xế gây tai nạn tỉnh dậy sau cơn say, chắc chắn là rất khủng khiếp. Nhưng ép uổng, cả nể và sĩ diện để đợi điều đó xảy ra, hay kiên quyết nói “không”, để an toàn và có mối quan hệ thân tình trong tỉnh táo, trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau, đó là lựa chọn của mỗi người. 

Và để họ có thể mạnh dạn lựa chọn đúng đắn, mạnh dạn từ bỏ “hủ tục” ép uống rượu bia, rất cần đến đồng hành, động viên từ phía người thân trong gia đình, sự thông cảm và quan tâm từ những người bạn chân thành lo cho an toàn của nhau, cần những sự quán triệt và văn hóa nêu gương của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp.

Và tất nhiên, không thể thiếu những sự phòng ngừa bằng các giải pháp kỹ thuật, khi sự tự giác chưa đủ mạnh để quyết định hành vi./.