Xe điện, có mang lại lợi ích về môi trường giao thông?

12/12/2019 13:50 342

Trong bối cảnh ô nhiễm ngày càng đáng lo ngại, nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh phát triển xe điện nhằm giảm phát thải trong giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động, việc lựa chọn phát triển công nghệ xanh trong sản xuất xe ôtô, xe gắn máy là giải pháp rất quan trọng để hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải,  trong đó phát triển xe điện là hướng đi được nhiêù quốc gia quan tâm, ưu tiên bởi cho phép tiết kiệm hơn, không phát thải khí ô nhiễm như xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt tiếng ồn.

TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông phân tích: 

“Các phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể thải ra rất nhiều chất độc hại như bụi hạt mịn và các hóa chất độc hại. Với xe điện thì không gây thêm ô nhiễm ra môi trường, giảm được mật độ ô nhiễm trong khu vực đô thị bởi vì đây là khu vực tập trung dân cư rất lớn”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, mức độ bảo vệ môi trường của xe điện sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện năng của xe; phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ dùng công nghệ gì để tạo ra điện, để sạch các phương tiện chạy bằng điện.

Nếu chúng ta dùng nguồn điện từ thủy điện hay từ gió thì đảm bảo bền vững; nhưng nếu chúng ta sử dụng những nhiên liệu hóa thạch để vận hành các nhà máy tạo ra điện thì hiệu quả bảo vệ môi trường sẽ giảm đi. 

Theo TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, xe đạp điện có thể là một giải pháp để giảm nguy cơ tiếp xúc của con người với tiếng ồn giao thông quá cao trong một thành phố nhiều xe máy. 

Theo ông Hoàng Xuân Cơ, hiện vẫn chưa có nghiên cứu tổng hợp, so sánh hiệu quả giữa xe điện và xe máy xăng trong điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khẳng định lợi ích về mặt môi trường, cải thiện chất lượng không khí do các loại xe chạy điện mang lại:

“Xe điện không hoàn toàn mang lại nhiều lợi ích như chúng ta mong muốn. Nhưng nếu chúng ta vận hành tốt thì nó sẽ mang lại những mặt lợi nhất định. Như việc chúng ta đang ô nhiễm không khí ở các đô thị mà chúng ta chuyển đổi thẳng từ xe gắn máy sang xe chạy điện thì chất lượng không khí sẽ đỡ hẳn đi”. 

Với những lợi ích đó, thị trường xe điện được đánh giá là có nhiều cơ hội phát triển khi nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, để xe điện phát triển bền vững, mang lại hiệu quả tích cực về môi trường, bên cạnh các vấn đề về công nghệ, còn có nhiều chủ đề khác cần được quan tâm như: cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp điện, trạm sạc… Song song với đó là các cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn những phương tiện thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu ý kiến:

“Trước mắt có thể để xe máy chạy bằng điện thay thế xe máy chạy bằng xăng, để giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều quốc gia hiện đã phát triển năng lượng tái tạo rồi phát triển xe điện để tạo thành một vòng khép kín đảm bảo năng lượng sạch”.

Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng, thuế và phí là những công cụ để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần giải quyết các vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia như biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, chính sách thuế, phí cần được sử dụng đồng bộ ở các quốc gia, nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, để phát triển công nghệ xe xanh, cần hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, thúc đẩy sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong các doanh nghiệp. Một số nước trên thế giới cũng quy định rõ, với các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu khi đạt các tiêu chuẩn về mức phát thải và mức tiêu hao nhiên liệu theo quy định sẽ được hưởng ưu đãi như hỗ trợ thuế đầu tư, trợ cấp, tạo thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đánh thuế thấp hơn dòng xe dùng xăng.

TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, Hà Nội hay các thành phố lớn ở nước ta muốn phát triển, nhân rộng xe điện cần những bước đi cụ thể:

“Đầu tiên phải nghiên cứu hạ tầng giao thông của Hà Nội, nếu bây giờ thay thế xe điện thì thay thế nào, thay bao nhiêu phần trăm, phải đưa ra lộ trình, giải quyết phương tiện cũ thế nào? Tôi thấy cái này cần có nghiên cứu, làm thí điểm ở phường, quận từ đó lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến người dân”.

Chuyển đổi xe xăng sang xe điện không phải một việc dễ dàng khi kèm theo đó là hàng loạt thao tác kỹ thuật

Sự phát triển xe điện là sự chọn lựa của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có các thành phố đông đúc nơi mà cư dân không còn chịu nổi khói bụi thải ra từ những phương tiện chạy bằng xăng dầu, nơi mà các đô thị đang vươn mình lên để trở thành những thành phố thông minh. Nhưng trong khi máy tính hay điện thoại thông minh có thể phát triển từ động lực cá nhân thì xe điện chỉ có thể phát triển thông qua một lộ trình với những chính sách khuyến khích cho các nhà sản xuất cũng như cho người sử dụng. 

“Xe điện và tương lai của đô thị” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Cơn khủng hoảng bụi mịn ở Hà Nội những ngày vừa qua, ít nhiều có một ý nghĩa tích cực. Đó là nó buộc người dân và chính quyền phải nghĩ đến tương lai của chính mình, buộc phải nhìn nhận một thực tế là cần phải hướng đến các chính sách thúc đẩy giao thông thân thiện với môi trường cho đô thị.

Ô nhiễm khói bụi đô thị cũng chính là lý do mà một thập niên trước, Trung Quốc, đất nước từng có các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới đã phải đưa ra một loạt giải pháp, trong đó nổi bật nhất là khuyến khích, hỗ trợ phát triển xe điện. Bằng hàng loạt chính sách trợ giá, miễn thuế cho xe điện, mỗi năm doanh số bán ra của ngành công nghiệp sản xuất xe điện Trung Quốc đạt hơn 10 triệu chiếc.

Tại các thành phố của Trung Quốc, xe máy điện đã gần như thay thế hoàn toàn xe xăng. Ngay cả xe ba gác, xe chở hàng trong đô thị, thậm chí là xe bus cỡ lớn cũng đã chuyển sang dùng điện một cách phổ biến. Sau 10 năm, chất lượng không khí tại các đô thị lớn tại Trung Quốc đã thay đổi một cách ngoạn mục.

Tại hầu hết các nước châu Âu, phương tiện giao thông chạy điện cũng được khuyến khích một cách mạnh mẽ thông qua thuế, phí. Thậm chí, xe điện còn được ưu tiên đi vào các tuyến phố cấm xe thông thường, được miễn phí đỗ xe trong các khu vực lõi đô thị.

Tại Hà Nội, hiện lượng xe máy đang chiếm trên 80% đầu phương tiện giao thông, với con số khoảng 6 triệu chiếc. Việc cấm xe máy, chắc chắn sẽ không dễ thực hiện khi nó là phương tiện giao thông chính của người dân. Song, nếu ngừng cấp mới đăng ký đối với xe máy chạy xăng, chỉ cấp mới đăng ký cho xe điện, chắc chắn người dân sẽ dễ dàng chấp nhận và tự nguyện chuyển đổi.

Tương tự như vậy là chính sách cho xe bus nội đô. Đã đến lúc cần chuyển đổi xe chạy dầu sang chạy điện để giảm ô nhiễm không khí.

Chuyển đổi xe xăng sang xe điện không phải một việc dễ dàng khi kèm theo đó là hàng loạt thao tác kỹ thuật. Và quan trọng hơn, điều khó khăn nhất lại không phải là các thao tác kỹ thuật mà là trở lực đến từ các nhóm lợi ích trong lĩnh vực sản xuất xe máy truyền thống.

Về mặt kỹ thuật, như xây dựng các quy định an toàn giao thông cho xe điện, như chính sách, dù sao cũng có rất nhiều tiền lệ trên thế giới để áp dụng một cách thỏa đáng. Nhưng, với các nhóm lợi ích trong lĩnh vực sản xuất xe máy, xe ô tô truyền thống, thị trường quá béo bở hiện nay không dễ gì để có thể bỏ qua. 

Chỉ khi chính quyền và người dân thực sự nhìn thấy mức độ ô nhiễm không khí của các đô thị Việt Nam đã đến ngưỡng không thể chịu đựng, động lực để xanh hóa giao thông mới đủ mạnh để vượt qua những lợi ích trên.

Và lúc này đây, khi bầu trời Hà Nội luôn chìm trong màn sương mờ ảo của khói bụi, khi máy lọc không khí trở thành sản phẩm gia dụng thiết yếu của mỗi gia đình, nhu cầu giao thông sạch đã thực sự trở nên cấp thiết. Đã đến lúc cần phải nhìn về tương lai của các đô thị việt nam, các đô thị mà xe điện buộc phải thế chỗ xe xăng.