Sớm kết nối các tuyến buýt với đường sắt đô thị
Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đưa ra phương án điều chỉnh hàng chục tuyến buýt theo hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga, mỗi ga sẽ có nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện. Để kết nối thuận tiện với các ga đường sắt này, trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng dọc lộ trình tuyến.
Trong đó, có bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m.
“Nguyên tắc kết nối của chúng ta là giảm thiểu các tuyến song trùng dọc tuyến, điều chỉnh các tuyến hoạt động ở khu vực lân cận để kết nối trực tiếp với các nhà ga dọc tuyến và kết nối hai điểm đầu cuối tại ga Yên Nghĩa và ga Cát Linh. Với nguyên tắc này thì trên 40 tuyến buýt đã được tổ chức lại để cho việc đi lại của các hành khách ở các khu vực khác nhau trong thành phố có thể kết nối với hành lang đường sắt này".
Để hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga, trên dọc hành trình của tuyến đường sắt đô thị số 2A, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng lên phương án kết nối các tuyến buýt với đường sắt đô thị.
Cụ thể, sẽ lắp đặt các điểm dừng xe buýt sát chân cầu thang lên nhà ga đường sắt đô thị, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng…
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, phương án điều chỉnh các tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị đã được thành phố phê duyệt và khi đường sắt đô thị bắt đầu hoạt động sẽ tiến hành chuyển đổi dần các tuyến buýt theo phương án này.
Đánh giá về việc điều chỉnh hàng chục tuyến buýt theo hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị, ông Vũ Anh Tuấn – Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT cho rằng, việc điều chỉnh hệ thống mạng lưới xe buýt để kết nối với các tuyến đường sắt đô thị là yếu tố bắt buộc để nâng cao khả năng vận hành của hệ thống vận tải công cộng nói chung, trong đó kết nối là mấu chốt để tạo nên thành công và hiệu quả của hệ thống.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động thì bắt buộc hệ thống xe buýt, đặc biệt là những tuyến hiện nay đang có lộ trình trùng hoặc gần với tuyến đường sắt đô thị, sẽ phải “nắn chỉnh” để trở thành những tuyến buýt hỗ trợ trên hành lang của đường sắt đô thị. Ngược lại những khu vực xa đường sắt đô thị, khó tiếp cận hơn thì nơi đó buýt vẫn hoạt động với vai trò chủ đạo vừa gom khách đến các tuyến đường sắt đô thị gần nhất vừa hỗ trợ hành khách tiếp cận với hệ thống vận tải công cộng.
Bên cạnh đó, ông Vũ Anh Tuấn cũng đề xuất để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài và tối ưu hóa trong điều chỉnh mạng lưới, cần phải có một mô hình giao thông về các tuyến vận tải công cộng để đánh giá.
“Với cách làm hiện nay, chúng ta vẫn điều chỉnh theo những nguyên tắc và những kinh nghiệm thực tế. Với những nguyên tắc và kinh nghiệm đó thì trong điều kiện vận hành thực tiễn sau này nó sẽ chưa đảm bảo phát huy được hiệu quả tối đa cho hệ thống. Và chúng ta phải có những công cụ hiện đại hơn, mô hình giao thông để đánh giá. Mô hình sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa được hệ thống mạng lưới và điều chỉnh biểu đồ hoạt động của các phương tiện trên các tuyến cho phù hợp”.
Việc điều chỉnh hệ thống mạng lưới xe buýt để kết nối với các tuyến đường sắt đô thị là yếu tố bắt buộc để nâng cao khả năng vận hành của hệ thống vận tải công cộng. Ảnh: Nhân Trần
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc tổ chức kết nối buýt theo phương án sẽ tạo điều kiện kết nối cho hành khách từ các nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến các vị trí khác nhau trong thành phố, cũng như giúp giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, xe buýt vào từ cửa ngõ Tây Nam thành phố từ đó giảm áp lực giao thông.
“Xe buýt phải trở thành phương tiện gom khách đưa đến các tuyến đường sắt trên cao để đảm bảo số lượng hành khách đi và đến. Tôi lấy ví dụ như ở Singapore, cứ 2 phút có một chuyến đường sắt trên cao, lượng khách đi và về rất lớn. Chỉ có xe buýt mới có thể kết nối tuyến đường sắt trên cao với các khu dân cư để giải tỏa khách”.
Bên cạnh đó, ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng đơn vị chức năng cần lưu ý vấn đề cơ sở hạ tầng để người dân có thể tiếp cận nhanh nhất, thuận tiện nhất; xây dựng nhà ga đủ rộng để xe buýt ra vào đón khách; quãng đường và mật độ xe buýt cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp.