Chiếc cầu "oằn mình chờ sập" đã được sửa chữa

16/09/2019 11:25 660

Từ khi cây cầu Chiếc hoàn thành việc sửa chữa và đưa vào sử dụng từ 16/3/2019, việc đi lại của người dân đã thuận tiện hơn, tạo đà phát triển cho các địa phương cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.

Từ khi cầu Chiếc được sửa chữa, việc đi lại của người dân đã thuận tiện hơn. Ảnh: QĐND

Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối các quận huyện Thanh Oai, Hà Đông với Thường Tín- tuyến tập trung các loại xe có tải trọng lớn từ trung tâm, thông ra Quốc lộ 1A và cao tốc pháp Vân- Cầu Giẽ, lâu nay, cầu Chiếc là một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông.

Bởi vậy, từ khi cây cầu này hoàn thành việc sửa chữa và đưa vào sử dụng từ 16/3/2019, việc đi lại của người dân đã thuận tiện hơn, tạo đà phát triển cho các địa phương cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, tăng tính kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giao thương trên địa bàn.

Chị Phạm Hồng Thương, một người dân sinh sống và làm việc tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, trước đây, mỗi lần về quê ở Thường Tín, chị phải qua cầu Chiếc với thời gian chờ đợi từng đoàn xe đi qua rất mất thời gian. Có những thời điểm, riêng thời gian qua cầu Chiếc mất cả tiếng đồng hồ:

"Tôi thường xuyên đi qua đoạn cầu Chiếc, những năm trước đây cầu này xuống cấp rất trầm trọng và người ta kê sắt để đi và mỗi lần đi qua tôi rất sợ nhưng bắt buộc vẫn phải đi qua. Thời gian gần đây, nhà nước làm một cây cầu mới, đi lại rất thuận lợi, xe cộ đi thoải mái và nó không bị tắc".

Sau khi cầu Chiếc hoàn thành việc sửa chữa, việc thông thương, buôn bán cũng được thuận lợi đáng kể. Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn chia sẻ:

"Cầu này được đưa vào sử dụng rất thuận tiện cho người dân bởi vì thứ nhất là an toàn, thứ hai lưu thông đi lại sẽ dễ dàng hơn, cơ giới hơn. Hàng hóa bên này chuyển sang bên kia sẽ thuận lợi hơn rất nhiều bởi vì mình cơ giới hóa được".

Đại diện Ban Duy tu, Sở GTVT Hà Nội - chủ đầu tư dự án sửa chữa cầu Chiếc (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho biết, sau khi sửa chữa, cầu Chiếc được mở rộng diện tích mặt đường từ 5,4m lên thành 6m, không bị giới hạn tải trọng.

Theo đại diện Ban Duy tu, điều này có ý nghĩa rất lớn không chỉ với người dân các xã quanh khu vực mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng lân cận, bởi xung quanh cầu Chiếc có rất nhiều làng nghề truyền thống, nhu cầu vận tải lớn của cả vùng và khu vực.

Được biết, ngoài cầu Chiếc vừa hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp, UBND TP. Hà Nội cũng quyết định đầu tư một cây cầu khác gần cầu Chiếc vừa được nâng cấp, sửa chữa nhằm chia sẻ lưu lượng phương tiện quá lớn lưu thông qua khu vực này. Về điều này, đại diện Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội - chủ đầu tư dự án cầu Chiếc mới cho biết:

"Hiện nay đang rất bức thiết về mặt giao thông đi lại cũng như để triển khai đồng bộ với các chương trình triển khai nông thôn mới hiện nay Thành phố cũng đang tập trung triển khai để phát triển kinh tế của các huyện ngoại thành của Thành phố".

Cũng theo đại diện Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, việc đầu tư cầu mới, cùng với việc sửa chữa, nâng cấp cầu Chiếc sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn khu vực phía Nam TP. Hà Nội.