Phạt tù người say rượu điều khiển thiết bị bay không người lái

21/10/2019 15:04 354

Nhằm siết chặt hoạt động của flycam, mới đây, quốc hội Nhật Bản thông qua luật kiểm soát.

Những năm gần đây, thú chơi thiết bị bay không người lái (drone) hay dùng flycam để chụp ảnh, quay phim gây mất an toàn giao thông khiến cơ quan chức năng Nhật Bản đau đầu. Sau hàng loạt các vụ tai nạn xảy ra, Hạ viện Nhật vừa thông qua dự luật siết chặt việc sử dụng drone, trong đó nghiêm cấm sử dụng thiết bị này sau khi uống rượu bia. 

Nếu bị phát hiện, người vi phạm có thể đối mặt mức án 1 năm tù giam cùng khoản tiền phạt 300.000 yên (hơn 64 triệu đồng). Luật mới có hiệu lực từ cuối tháng 9/2019. Những pha biểu diễn, nhào lộn nguy hiểm như sử dụng drone bay lên cao rồi lao nhanh xuống khu vực công cộng cũng có thể bị phạt tới 500.000 yên (hơn 107 triệu đồng)

Trả lời phỏng vấn hãng  tin AFP, một quan chức ngành giao thông Nhật Bản cho biết, chính phủ muốn thắt chặt các quy định về hoạt động của thiết bị bay không người lái để ngăn ngừa tai nạn cũng như ứng phó khi tai nạn xảy ra: "Chúng tôi tin rằng việc điều khiển thiết  bị bay không người lái khi say xỉn có thể gây hậu quả nghiêm trọng không kém hành vi uống rượu khi lái xe".

Theo các chuyên gia, luật kiểm soát hoạt động thiết bị bay không người lái được thông qua là yêu cầu cấp thiết bởi sự gia tăng đột biến những vụ tai nạn liên quan. Trong năm 2018 có 70 vụ drone gây mất an toàn cho người dân được ghi nhận.

Cơ quan chức năng cho biết, ngoài xử phạt, luật mới cũng quy định khu vực được phép hoạt động của thiết bị bay không người lái: Chỉ được bay vào ban ngày, giữ thiết bị trong tầm kiểm soát với độ cao tối đa 150m. Ngoài ra, phải tránh khu vực đông người, các sân bay và địa điểm phục vụ Olympic 2020 tại Tokyo cũng nằm trong danh sách giới hạn.   

Drone gắn camera ghi hình đang trở thành trào lưu phổ biến nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập - Ảnh minh họa

Không chỉ Nhật Bản, thời gian gần đây, dư luận tại Anh cũng cực lực phản đối việc sử dụng flycam hay phương tiện bay không người lái. Khảo sát của công ty Parliament Street cho thấy, 75% người được hỏi cho rằng thiết bị này gây nguy hại tới an ninh quốc gia.

Hiệp hội hàng không Anh ghi nhận, trong năm 2018, có 117 nguy cơ va chạm giữa máy bay dân dụng và thiết bị bay không người lái. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ một chiếc drone bay sượt qua cánh một chiếc Airbus A319 khiến 130 hành khách gặp nguy hiểm.

Đầu năm 2019, những chiếc drone cũng gây náo loạn sân bay Gatwick khiến tất cả các đường băng phải dừng hoạt động, 760 chuyến bay bị hủy và 120.000 hành khách bị ảnh hưởng. Tiến sĩ Rob Hunter, trưởng phòng an toàn bay Hiệp hội Hàng không Anh cho biết: “Thiết bị bay chỉ nặng khoảng 2kg bao gồm kim loại, nhựa và pin nhưng khi va chạm với kính chắn gió hoặc động cơ máy bay cũng có thể gây thảm họa khôn lường”.

Liên quan đến việc có nên cấm drone hay không, 1/3 người được hỏi tại Anh cho rằng cần cấm toàn bộ phương tiện này, 83% ủng hộ chính quyền xây dựng hệ thống quản lý trong đó yêu cầu người sở hữu phải có giấy phép. Theo quy định sửa đổi của Luật hàng không Anh 2016, chủ sở hữu thiết bị bay không người lái có trọng lượng từ 250g trở lên phải đăng ký với Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA). Kể từ tháng 11/2019, những người điều khiển thiết bị này sẽ phải trải qua bài kiểm tra trước khi được cấp phép sử dụng.

Vài năm trở lại đây, drone gắn thêm camera để ghi hình từ trên cao xuất hiện nhiều ở Việt Nam và trở thành trào lưu phổ biến. Với số tiền chỉ từ 15 đến 20 triệu đồng người chơi đã có thể sở hữu một chiếc flycam. Anh Đỗ Quang Tuấn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Theo tôi cần quản lý chặt chẽ hơn việc buôn bán flycam, không để tràn lan dẫn đến nhiều người sử dụng tùy tiện mọi lúc mọi nơi. Nếu điều khiển không thành thạo thiết bị này có thể gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ hay gây cháy nổ nếu va vào các dây điện”.

Theo Bộ Quốc phòng, ngày càng nhiều người chơi flycam tổ chức bay không xin phép. Trong khi đó, flycam được thiết kế với tầm bay rất cao, nếu va chạm với máy bay quân sự hay máy bay dân dụng thì sẽ rất nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn thảm khốc. Do đó, cuối năm 2019, Bộ Quốc phòng sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới để siết chặt quản lý thiết bị bay không người lái.