Đừng để người dân bị lúng túng khi đi lại giữa các nhóm nguy cơ
Tâm thế chủ động trong phòng chống dịch, trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Thời gian qua, việc vận chuyển hành khách đã được chia thành 3 nhóm địa phương. Cụ thể, 28 tỉnh, thành thuộc nhóm 1, nhóm 2 không vận chuyển hành khách liên tỉnh, trừ lý do công vụ và cung cấp nhu yếu phẩm, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Các tỉnh, thành phố thuộc nhóm 3 chỉ thực hiện vận tải khách liên tỉnh giữa các tỉnh trong cùng nhóm theo đúng chỉ đạo.
Đồng thời, vận tải nội tỉnh thì các địa phương quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng theo các cấp độ. Ngoài ra, dựa vào đặc thù khác nhau, các tỉnh sẽ có trách nhiệm tham mưu, đề xuất riêng.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải thông tin:
"Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các Sở GTVT tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề xuất phương án để vận chuyển những người thuộc nhóm đặc biệt, có nhu cầu vận chuyển, nhu cầu khẩn cấp … đề này hoàn toàn thuộc thẩm quyền địa phương". .
Được quan tâm, hỗ trợ kịp thời những nhu cầu bức thiết, nên dù có bất tiện song đa phần người dân đều đồng tình, ủng hộ; tuân thủ theo quy định chung về giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết.
"Chủ trương chung thì mình chấp hành. Tôi vẫn thấy có tình trạng xe “chui” đi liên tỉnh, cái này cần xem lại. Tôi cũng đề xuất sớm có cách nào đó để bà con giao thương, đi lại mà vẫn đảm bảo an toàn".
"Việt Nam kiểm soát tốt, tôi thấy người dân cũng có ý thức hạn chế đi lại. Giờ chủ yếu gửi đồ chứ lên xe đi đâu cũng không an tâm".
"Liên tục nhiều ngày không có ca mắc mới như vậy tôi rất là mừng. Thà chịu khó ai ở đâu ở yên đó để mà mau để lùi dịch bệnh".
Ghi nhận thực tế, các địa phương nhóm 3, có nguy cơ thấp dù mức cảnh báo giảm xuống song vẫn thực hiện tốt các yêu cầu phòng chống dịch, không lơ là. Hiện các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ và đường thủy nội các tỉnh này dần hoạt động trở lại. Tùy thuộc vào lượng khách đi lại thực tế mà mỗi Hợp tác xã vận tải thủy, bộ sẽ sắp xếp giảm số chuyến phù hợp.
Còn tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao như TP HCM, Hà Nội, nhiều giải pháp vẫn đang được triển khai nghiêm túc. Theo đó, thực hiện tuần thứ 3 cách ly xã hội, TP HCM tiếp tục tạm ngưng các hoạt động vận tải hành khách công cộng, xe khách, taxi, xe hợp đồng. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết trong việc khám chữa bệnh cho người dân, TP HCM tiếp tục duy trì 200 taxi của Tập đoàn Mai Linh hỗ trợ do Sở Y tế và các BV điều phối.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết thêm:
"Xe hỗ trợ từ Mai Linh nằm trực tiếp tại Bệnh viện khi nhận cuộc gọi thì bệnh viện sẽ điều phối. Xe tiếp nhận, chuyển người bệnh đến bệnh viện rồi sẽ thực hiện khai báo y tế tại bệnh viện".
Cùng với việc siết chặt quản lý các loại hình vận tải công công, vận tải nội đô, TP HCM cũng tiếp tục thực hiện hơn 60 chốt trạm giám sát tại các cửa ngõ. Qua đó đã xét nghiệm tầm soát hơn 2.000 trường hợp đến thành phố qua sân bay và nhà ga mỗi ngày.
Tại Ga Sài Gòn, việc khai báo y tế được triển khai qua phần mềm, đồng thời sẽ được bộ phận tại Ga rà soát lại sau khi hành khách xuống tàu để tránh việc nhiều hành khách khai báo sai sót.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn lưu ý tất cả hành khách:
"Đối với hành khách đi tàu thì lưu ý ngoài các biện pháp giãn cách, đảm bảo an toàn thì cần phải khai y tế. Việc này rất quan trọng để cơ quan chức năng nắm bắt tình hình hành khách đi lại. Sẽ thực hiện xét nghiệm đối với tất cả hành khách đến ga Sài Gòn".
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải TP.HCM cũng đã đồng loạt đề xuất tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp về lãi vay ngân hàng, thuế, phí bảo trì đường bộ... Trên cơ sở đó, Sở GTVT đã báo cáo UBND TP về những đề xuất hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Lực lượng chức năng thực hiện kiểm soát phương tiện giao thông ra vào TP.HCM trên Quốc lộ 1A
Còn tại Hà Nội, mới đây, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, UBND TP Hà Nội đã đồng ý dỡ bỏ biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên 10 tuyến phố gồm: tuyến Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tuyến đường Khâm Thiên, Tuyến Trường Chinh, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Cầu Chương Dương, Phủ Doãn và phố Cát Linh. Về sau, căn cứ diễn biến dịch bệnh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ xem xét, điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.
Rõ ràng không chỉ đường bộ, ngành đường sắt, hàng không cũng đang đứng trước những tổn thất nặng nề, tỉ lệ thuận với thời gian kéo dài đại dịch. Do vậy sự hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phục hồi sau dịch là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu:
"Cần có kê khai kiểm tra, rõ ràng cụ thể, hỗ trợ là hỗ trợ bao nhiêu phần trăm thiệt hại? Còn bây giờ đề nghị con số nó chung quá. Đề nghị các Cục, các đơn vị…cố gắng nắm chắc thời điểm thiệt hại bao nhiêu để có công tác tham mưu tốt".
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT kế hoạch khai thác các đường bay nội địa sau ngày 22/4. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT tăng khai thác các đường bay nội địa lên tổng số 20 chuyến/ngày trong thời gian từ ngày 23 - 30/4/2020.
Tới đây, từ 0 giờ 23/4 đến hết ngày 30/4, xét kết quả, tình hình cụ thể tại các địa phương, công tác phân loại mỗi tỉnh vào từng nhóm nhiều khả năng sẽ thay đổi. Việc vận chuyển hành khách thuộc 3 nhóm địa phương kể trên cũng sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đừng để người dân bị lúng túng khi đi lại giữa các nhóm nguy cơ
TP hà Nội lập 30 chốt giám sát, đo thân nhiệt từng người ra vào cửa ngõ Thủ đô để phòng dịch COvid-19.
Từ sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các sở, ban ngành có liên quan, nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại cấp thiết của người dân được đã được đảm bảo. Cùng với đó, tính đến 6h sáng ngày 21/4, 5 ngày liên tiếp, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19…
Kết quả này đã tạo niềm tin, và sự phấn khởi trong nhân dân; giúp chúng ta yên tâm khôi phục sản xuất và mở cửa cho giao thông đi lại.
Riêng TP HCM, Hà Nội và các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao bên cạnh việc tổ chức các phương án, biện pháp tái khởi động các hoạt động kinh tế, vẫn sẽ đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm chống dịch; tuân thủ giãn cách xã hội, bảo đảm đeo khẩu trang khi giao tiếp. Việc vận tải hành khách trong các trường hợp bức thiết chắc chắn vẫn sẽ được đảm bảo kịp thời.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc đi lại của người dân ở nhiều nơi vẫn có những bất cập nhất định. Một số địa phương thuộc nhóm 3 muốn đến các địa phương cùng nhóm thì không thể tránh được việc đi qua các địa phương thuộc nhóm khác bởi việc nằm đan xen nhau. Chính điều này dẫn đến sự lúng túng nhất định cho các địa phương
Đáng nói, là tình trạng lợi dụng kẽ hở trong quy định chung, một số đối tượng, đơn vị kinh doanh vận tải đã tinh vi “lách luật”: cố tình nhận, chuyên chở hành khách đến các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao. Đó là chưa kể, các tuyến vận tải đường thủy nội địa; các bến sông, bến đò nhiều địa phương cơ sở vẫn có những quy định cứng nhắc, không cho hoạt động khiến người dân phải đi đường vòng, rất mất thời gian và thực sự chưa thỏa đáng.
Từ thực tế trên đòi hỏi các tỉnh, thành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt nắm sát sao tình hình địa phương, sớm có đề xuất, tham mưu khi thẩm quyền đã được giao. Theo đó, cần có quy định cụ thể, chi tiết đối với việc đi và đến của từng loại hình vận tải; đồng thời yêu cầu việc tuân thủ công tác phòng chống dịch khi vận chuyển hành khách là bắt buộc.
Các hành vi vi phạm lách quy định, trái nguyên tắc như chở khách không đúng quy định hay cố tình vào vùng cấm, vùng hạn chế phương tiện giao thông đều phải được xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc. Bản thân các chủ phương tiện, các doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu khó tìm hiểu cặn kẽ các yêu cầu, quy định để thực hiện tốt yêu cầu phòng chống dịch; đồng thời kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc khó khăn nảy sinh khi thực hiện các yêu này; giúp việc đi lại bức thiết của người dân trong điều kiện dịch dã được giải quyết hợp lý.
Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sau khi xem xét, cân nhắc các đề xuất kiến nghị của các cấp, các ngành xung quanh công tác phòng chống dịch Covid-19, sẽ có những quyết định cụ thể nhằm từng bước thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội để các địa phương, các ngành có điều kiện khôi phục dần trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó cũng có những chỉ đạo về hướng giải quyết đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khi khôi phục lại sản xuất; trong đó có cả việc kết nối giao thông với các nước trên thế giới.
Do vậy, ngay lúc này, các cấp, các ngành, trong đó nhất là ngành giao thông vận tải các địa phương cần chuẩn bị các kịch bản khác nhau để khi có chỉ đạo là triển khai thực hiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động trở lại; phục vụ được yêu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn mới.
Tâm thế chủ động trong phòng chống dịch, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sẵn sáng đáp ứng tốt nhất yêu cầu đi lại của người dân chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và mỗi đơn vị, doanh nghiệp trong những ngày sắp tới.