Chiêu trò né camera phạt nguội: Xóa nhòa các giá trị pháp luật

15/11/2019 14:31 483

Cái biển số mờ có thể không trực tiếp gây mất an toàn giao thông. Nhưng cái biển số bị xóa nhòa là một biểu hiện xóa nhòa các giá trị pháp luật.

Sau một thời gian triển khai, hệ thống camera giao thông đã từng bước phát huy hiệu quả tích cực trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Những “mắt thần” đã trực tiếp góp phần nâng cao ý thức của người dân mỗi khi ra đường.

Tuy nhiên, ở một số khu vực và tuyến đường giao thông trong nội đô Hà Nội, những chiêu trò để hòng né tránh camera đã bắt đầu manh nha xuất hiện.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết về một số hành vi chính:

“Tôi thấy có một số hành vi chính như che biển số xe thậm chí là lắp biển số xe giả rồi sử dụng công nghệ nhằm phát hiện sớm vị trí camera thậm chí làm hư hại camera. Để tình trạng này chấm dứt và không có chiều hướng gia tăng thì chúng ta cần có những biện pháp thực sự quyết liệt và ngăn chặn ngay những hành vi còn manh nha”.

Đại diện Đội CSGT số 6, Công an TP Hà Nội cho biết, ở khu vực do Đội CSGT số 6 quản lý đã bước đầu xuất hiện hiện tượng đối phó với camera hết sức tinh vi. Cụ thể là trên trục đường Vành đai 3 trên cao, nhiều đối tượng đã lợi dụng lúc tình hình thời tiết phức tạp như mưa bão, đêm tối… để quay camera sang hướng khác hoặc làm hư hại thiết bị này. Với những hiện tượng vi phạm này, đòi hỏi lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuần tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm.  

Bên cạnh đó, nhiều người tham gia giao thông còn tìm cách tải những ứng dụng để nắm được vị trí mà lực lượng chức năng lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác xử lý vi phạm giao thông, và chỉ chấp hành đối phó ở các nơi có camera, còn lại tùy tiện vi phạm ở các khu vực thiếu sự giám sát thường xuyên.

Một hiện tượng khác được người tham gia giao thông phản ánh là, thời gian gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những phương tiện được che kín, làm mờ biển số nhằm mục đích qua mắt cơ quan chức năng, tránh bị phạt trong khi di chuyển.

Lực lượng CSGT cho biết, việc phương tiện tham gia giao thông không gắn BKS hoặc BKS bị che lấp, che mờ sẽ gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi truy tìm, điều tra, giải quyết các vụ TNGT, khó khăn nữa là các camera sẽ không zoom và không quan sát được BKS để tiến hành xử phạt nguội.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an Thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, việc các phương tiện tham gia giao thông mà che biển số, hay biển số không rõ đều bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, người điều khiển xe ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí, biển số bị bẻ cong hay bị che lấp sẽ bị phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng. Đại úy Đào Việt Long – Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội nhấn mạnh:

“Phòng CSGT Hà Nội đã bố trí các tổ tuần tra và xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Chúng tôi khuyến cáo người tham gia giao thông chấp hành nghiêm Luật lệ ATGT, đặc biệt đối với việc trốn tránh việc xử phạt qua hình ảnh bằng cách che mờ biển số thì đây là hành vi cần phải lên án và phải chấm dứt ngay”.

 Ứng dụng điện thoại có mục báo vị trí CSGT, camera phạt nguội đang được nhiều tài xế tìm kiếm và đánh giá cao.

Những chiêu trò nhằm trốn tránh việc bị xử phạt nguội như: che một phần biển số xe, sử dụng ứng dụng báo vị trí camera, thay đổi hướng hoặc làm hư hại hệ thống camera... Phần nào cho thấy ý thức chấp hành trật tự an toàn giao thông còn rất kém của một bộ phận người tham gia giao thông.

Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, Nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn luật lệ và điều tra, xử lý TNGT Đường bộ - Đường sắt, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết các biện pháp của lực lượng chức năng trước tình hình này:

“Lực lượng chức năng sẽ có biện pháp xử lý như thông báo cho tổ công tác ở phía trước hoặc có biện pháp trực tiếp để dừng các phương tiện để kiểm tra. Lực lượng chức năng phát hiện những hành vi này sẽ xử lý kiên quyết. Những hành vi đó không thể che giấu được lực lượng chức năng trong quá trình lưu thông”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, phạt nguội thể hiện trình độ văn minh giao thông rất cao bởi phát hiện, xác định chính xác đối tượng vi phạm; giảm bớt sự có mặt thường xuyên của lực lượng CSGT trên đường, hạn chế thấp nhất tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Qua đó, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông được nâng cao, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Vì thế những hành vi tìm cách trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của hệ thống camera, qua đó tránh bị xử phạt nguội cần phải xử phạt nghiêm. Thời gian tới, lực lượng chức năng cần lưu ý và tập trung xử lý những vi phạm này. Ông Nguyễn Văn Thanh nêu ý kiến:

“Đấy là những vi phạm pháp luật, khi hành nghề lái xe phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt khi tham gia giao thông, không thể tìm cách đối phó, tránh né xử phạt là không được. Nếu cố tình, cơ quan công an phải tìm cách phát hiện, bắt quả tang và xử lý nghiêm khắc”.

Những hành vi hay ứng dụng cho phép người vi phạm đối phó, né tránh việc bị xử phạt sẽ khiến công tác xử lý vi phạm, tuyên truyền phổ biến luật an toàn giao thông trở nên khó khăn hơn, thậm chí đưa đến những nguy cơ mất ATGT. Vậy cần làm gì để sớm ngăn chặn những vi phạm này?

"Xóa nhòa luật pháp" (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Cần phải khẳng định ngay, những chiếc biển số phương tiện là công cụ nhận diện cao nhất để quản lý phương tiện, buộc chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tham gia giao thông. Nên, khi các chủ phương tiện áp dụng bất cứ biện pháp nào nhằm xóa bỏ khả năng nhận diện của biển số, họ đã có hành vi trốn tránh pháp luật.

Mục 3, Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã quy định rõ các mức phạt liên quan đến biển số phương tiện, tuy nhiên, mức phạt đối với xe gắn máy còn quá thấp, chỉ từ 80-100 ngàn đồng. Bên cạnh đó, xe gắn máy chỉ phải gắn biển số phía sau, nên phần nào gây khó khăn cho cảnh sát giao thông trong việc phát hiện lỗi vi phạm. 

Chính vì lý do đó, tình trạng biển số mờ, thậm chí bị cố tình che chắn khá phổ biến đối với nhiều người đi xe gắn máy, bởi khả năng bị xử phạt rất hiếm khi xảy ra.

Trong khi chế tài xử phạt cho hành vi che dấu nhận diện phương tiện còn chưa đủ sức răn đe, lực lượng cảnh sát giao thông cũng có phần nương nhẹ, thậm chí dễ dàng bỏ qua do tâm lý cho rằng đây chỉ là lỗi nhẹ, không trực tiếp tác động tiêu cực tới an toàn giao thông, dẫn đến việc nhiểu chủ phương tiện thoải mái lựa chọn các cách thức xóa nhòa nhận diện để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Nhẹ thì để tránh bị phạt nguội, nghiêm trọng hơn là để thực hiện các hành vi cố tình vi phạm các quy định khác của luật pháp. Điều này không chỉ làm gia tăng các hành vi vi phạm luật giao thông, mà còn có nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Cái biển số mờ có thể không trực tiếp gây mất an toàn giao thông. Nhưng cái biển số bị xóa nhòa là một biểu hiện xóa nhòa các giá trị pháp luật.

Vì vậy, đã đến lúc lực lượng cảnh sát giao thông cần thay đổi sự nhìn nhận của mình về hành vi này. Đã đến lúc không chỉ coi việc làm mờ biển số là một lỗi vi phạm hành chính đơn thuần, mà cần nhìn nhận đây là một hành vi cố tình hủy hoại sự nghiêm minh của pháp luật, một hành vi coi thường pháp luật thực sự!