Ngăn chặn lái xe sử dụng chất kích thích: Chính sách quản lý phải tác động từ 3 phía

09/12/2019 11:43 379

Để ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy khi tham gia giao thông, nhất là sau những đợt cao điểm của lực lượng chức năng, chính sách quản lý phải tác động được từ 3 phía.

Từ đầu năm đến nay, liên ngành TTGT, CSGT và y tế TP. Hà Nội liên tục ra quân kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vi phạm về nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển phương tiện và liên tục phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, qua kiểm tra 748 lái xe tại các khu vực bến xe khách liên tỉnh như: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Gia Lâm, lực lượng liên ngành TP. Hà Nội đã phát hiện 5 trường hợp dương tính với ma túy, chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định, xử phạt 111 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa, qua kiểm tra đối với 311 lái xe, dù không có tài xế vi phạm nồng độ cồn, nhưng phát hiện được 2 lái xe dương tính với ma túy. Cùng với đó, kết quả kiểm tra tại các tuyến đường trọng điểm, tập trung nhiều phương tiện lưu thông, lực lượng chức năng cũng phát hiện 7 trường hợp dương tính với ma túy để chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định. Đánh giá về kết quả kiểm tra, xử lý của đoàn liên ngành từ đầu năm đến nay, ông Lê Xuân Tiến, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết:

“Khi liên ngành phát hiện những trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy thì chúng tôi lập biên bản vi phạm hành chính và tạm thời đình chỉ lái xe cho đến khi có kết quả chính xác cuối cùng. Nếu có kết quả cuối cùng thì chúng tôi cũng sẽ kịp thời báo cáo Sở GTVT để có văn bản gửi các đơn vị vận tải hoặc các Sở GTVT nếu lái xe hoặc doanh nghiệp vận tải ở tỉnh khác để kịp thời phối hợp quản lý”.

Một số ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lái xe vi sử dụng rượu, bia, ma túy khi tham gia giao thông, nhất là sau những đợt cao điểm của lực lượng chức năng, chính sách quản lý phải tác động được từ 3 phía: từ  cơ quan quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và lái xe. 

Trong đó, đề cao vai trò quản lý cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp khi các tài xế vi phạm. Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường đại học Việt Đức cho rằng, việc tuần tra xử lý trực tiếp tại hiện trường chỉ mang tính cưỡng chế vi phạm tức thời, chứ không tác động để thay đổi về hành vi của lái xe nhiều như những hình thức xử lý thường xuyên của doanh nghiệp: 

“Về phía doanh nghiệp, nếu như họ nhận phản hồi tiêu cực từ phía hành khách họ sẽ xử phạt lái xe đó bằng những hình thức như cắt thưởng, trừ lương, xử phạt… thì nó còn mạnh mẽ hơn việc chúng ta xử phạt họ vì những vi phạm sự vụ ở ngoài đường”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề xuất Bộ GTVT sớm hình thành cơ sở dữ liệu về lái xe để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có căn cứ kiểm tra đối với lịch sử hành nghề của từng tài xế. 

Qua đó, các doanh nghiệp, và cơ quan quản lý dễ dàng nắm bắt và quản lý, từ chối tiếp nhận với các trường hợp tài xế nhiều lần vi phạm luật Giao thông đường bộ, sử dụng rượu bia khi lái xe, đặc biệt là sử dụng ma túy khi tham gia giao thông, góp phần hạn chế các trường hợp vi phạm.