Giới nhà giàu thuê xe cứu thương để di chuyển nhằm tránh tắc đường
Ở Iran, xe cứu thương đang trở thành phương tiện giao thông phổ biến trong tầng lớp giàu có
Khi điện thoại reo tại một trung tâm cấp cứu ở thủ đô Tehran (Iran), người ở đầu dây bên kia là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Người điều hành nhận ra anh ta ngay lập tức và bày tỏ sự thông cảm.
Thế nhưng, ngôi sao bóng đá này cười và nói không có ai bị ốm cả. Anh ta yêu cầu đặt xe cứu thương trong một ngày để chạy việc vặt quanh thành phố. Anh muốn tránh cảnh tắc đường có thể biến một chuyến đi 10 phút thành chuyến đi hai giờ. Số tiền anh đề xuất tương đương với lương tháng của một giáo viên.
Ông Mahmoud Rahimi, người đứng đầu dịch vụ xe cứu thương tư nhân Naji cho biết nhận được nhiều cuộc gọi như vậy, từ những người giàu có và những người nổi tiếng như diễn viên và vận động viên. Tuy nhiên, họ từ chối vì công việc của họ là vận chuyển người bệnh chứ không phải là dịch vụ taxi với còi ưu tiên cho người giàu.
Đối với những người Iran giàu có, đi lại bằng cứu thương đang trở thành trào lưu ở đất nước mà người dân đang cạn kiệt thời gian và sức lực vì ùn tắc hàng ngày
Được biết, cách đây vài năm, tại Nga, cảnh sát phải mở chiến dịch kiểm tra ngẫu nhiên xe cứu thương, do có thông tin loại xe này được nâng cấp nội thất để hoạt động như "taxi" phục vụ khách VIP tránh tắc đường, với mức phí 6.000 rúp/giờ (khoảng 200 USD).
Nhà báo Cenk Uygur cho biết:
"Việc làm này đã lấy đi niềm tin của mọi người vào những chiếc xe cấp cứu, loại phương tiện có thể cứu sống nhiều người. Vì thế, tôi sẽ không đánh đổi sự tiện lợi để hủy hoại hình ảnh xe cứu thương”.
Tehran - Thủ đô của Iran với 14 triệu dân là một trong những nơi ùn tắc tồi tệ nhất thế giới. Ảnh: CreditEbrahim Noroozi/Associated Press
Tehran - Thủ đô của Iran với 14 triệu dân là một trong những nơi ùn tắc tồi tệ nhất thế giới. Các đường cao tốc chính trông như bãi đậu xe vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Và việc lạm dụng xe cứu thương để tránh tắc đường không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn vi phạm luật dân sự. Người dân phản đối và chỉ trích chính phủ vì không thể phát hiện và chấm dứt điều này.
Người đứng đầu dịch vụ xe cứu thương tư nhân Tehran, Bác sĩ Mojtaba Loharsebi cho rằng hiện tượng này đã lan rộng và không giới hạn ở những người nổi tiếng. Ở Iran, gia sư riêng được trả lương cao để phụ đạo cho học sinh chuẩn bị thi đại học và kỳ thi quốc gia; và họ là những sử dụng xe cứu thương bất hợp pháp nhiều nhất.
Bác sĩ Mojtaba Lohrasbi cho biết cảnh sát bận rộn đến mức không thể hợp tác để chấm dứt vấn nạn này.
Danh tính những người nổi tiếng và các dịch vụ xe cứu thương tư nhân vi phạm pháp luật vẫn chưa được công khai. Trong khi đó, hơn một chục dịch vụ xe cứu thương tư nhân khi được hỏi đều phủ nhận việc này.
Xe cứu thương được điều hành theo các quy định nghiêm ngặt, phải có nhật ký điểm đến; không được di chuyển khi không có nhiệm vụ y tế hoặc không vận chuyển bệnh nhân.
Tất cả các công ty đều lo ngại việc dùng xe cứu thương để thoát cảnh ùn tắc sẽ phá vỡ niềm tin của người dân. Ông Rahimi, thuộc dịch vụ xe cứu thương Naji, cho biết tình trạng từ chối nhường đường cho xe cứu thương gia tăng. Người dân nhìn thấy xe cứu thương và nghĩ rằng đây không phải là bệnh nhân; có thể là ai đó đang đi đến tiệm cắt tóc, vì thế họ không nhường đường.
Trước tình trạng này, Tổng công tố viên Teheran vừa cho phép cảnh sát được dừng hoạt động và tịch thu xe cứu thương vận chuyển những người không phải là bệnh nhân và đưa doanh nghiệp vi phạm ra tòa.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đã có trường hợp sử dụng sai mục đích xe cứu thương như chở lãnh đạo đi ăn cưới, đi họp hay xe cấp cứu không làm nhiệm vụ, không chở bệnh nhân nhưng vẫn hú còi đòi quyền ưu tiên.
Để ngăn chặn tình trạng này, Luật sư Phạm Thành Tài - Công ty Luật Phạm Danh đề xuất:
“Bên cạnh việc các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm với các trường hợp người điều khiển xe ưu tiên vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Cũng cần tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng hay các đơn vị quản lý các phương tiện này. Bởi vì trong trường hợp xe ưu tiên bị sử dụng sai mục đích thì ngoài lỗi của người điều khiển trực tiếp còn có lỗi của chính đơn vị quản lý và đơn vị quản lý cũng phải chịu trách nhiệm trong việc này”.
Luật sư Phạm Thành Tài cho biết thêm, theo Nghị định 46, xe cứu thương sử dụng tín hiệu ưu tiên không đúng mục đích, có thể bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Ngoài ra, khi không thực hiện nhiệm vụ mà vi phạm luật giao thông, có thể bị xem xét trách nhiệm phù hợp với từng hành vi vi phạm.