Sửa đường, sao cứ phải đợi... cuối năm?

19/12/2019 15:32 692

Cứ đến cuối năm là hàng loạt tuyến đường, vỉa hè, dải phân cách ở đô thị lại được cào bóc sửa chữa, gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân.

Vậy, đào đường vào các dịp cuối năm có phải là việc “bất khả kháng”?

Vì sao không triển khai trong năm mà lại phải đợi đến những tháng cuối năm, khi áp lực giao thông tăng rất cao mới chịu...đào đường?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Từ nửa tháng nay, người dân đi qua các tuyến phố Trần Xuân Soạn, Thi Sách, Ngô Thì Nhậm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang gặp phải nhiều khó khăn do vỉa hè được lật lên để lát đá. 

Việc này không chỉ gây phiền toái cho người tham gia giao thông mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên đường. Nhiều người dân ở đây cho rằng, công việc này làm cho vỉa hè đẹp hơn, đường xá khang trang hơn nhưng không hiểu vì sao cả năm không triển khai mà lại đúng dịp cuối năm mới làm. 

PV: Thưa bác, cuối năm mà vỉa hè bị đào bới lên như thế này thì cản trở thế nào với người tham gia giao thông? 

- Cản trở là mọi người phải đi hết xuống lòng đường, sắp Tết đến nơi rồi, ai cũng mong đường thông hè thoáng.

- Người già, trẻ con đi không cẩn thận là rơi xuống. Mới hôm vừa rồi đào rất sâu mà không có cái gì, đèn gì báo hiệu là công trường cả.

PV: Vào dịp cuối năm, việc đào đường, đào hè ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của gia đình anh và công việc ở đây?

- Tôi thấy rất là bụi bặm, làm sao có giải pháp gì để có thể làm nhanh, hạn chế những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

PV: Anh có quan sát được trường hợp nào không may bị ngã ở đây không?

- Những người đi bộ ở lề đường gặp trơn trượt là bị ngã. 

Việc cấp tập thi công dịp cuối năm không chỉ gây xáo trộn cuộc sống người dân, nhếch nhác bộ mặt đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra các công trình kém chất lượng. Vì một số đơn vị thi công ngày lễ, tết có tâm lý lợi dụng tình thế cấp tập, đơn vị quản lý dễ bỏ qua sai sót nhỏ, dễ nghiệm thu... để luồn lách, thi công không đảm bảo chất lượng.

Đây cũng là lo ngại của TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM: 

“Nếu có kế hoạch trước và làm đều đặn thì không sao, đằng này lại dồn cục vào cuối năm để làm, việc kiểm tra không tốt dẫn tới chất lượng không đảm bảo, cho nên đây là việc nên tránh”.      

Không chỉ ở tuyến phố vừa nêu, theo khảo sát và thống kê của VOV Giao thông, thời gian gần đây, nhiều tuyến phố địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Nội đang trở thành các công trường thi công. 

Tình trạng ùn tắc và bụi bặm cũng đang hàng ngày diễn ra ở đường Nguyễn Trãi, phố Thái Hà, Lò Đúc, Quang Trung, Hồ Xuân Hương…do ảnh hưởng trực tiếp bởi việc thi công này.

Trả lời câu hỏi tại sao tới cuối năm lại cấp phép ồ ạt cho các công trình, đại diện Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT TP.HCM cho biết, do công tác phân bổ vốn, công tác lập thẩm định phê duyệt dự án và đấu thầu… thường cuối năm mới xong nên lúc này dự án mới triển khai thi công được. 

Mặt khác, thời gian trình dự án để được phê duyệt phụ thuộc vào chủ đầu tư nên cơ quan quản lý dù biết việc này gây phiền hà cho người dân nhưng cũng không làm khác được. 

Việc đào đường, xới vỉa hè dịp cuối năm còn được lý giải là do cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện, đồng bộ nên cuối năm cần được bổ sung, hoàn thiện để đường xá đẹp hơn vào dịp năm mới. Ông Cao Văn Hiệp – Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội thông tin về vấn đề này:

“Trong thời gian cuối năm, các đơn vị thi công cũng phải nỗ lực để hoàn thành tiến độ phục vụ dịp cuối năm. Lực lượng thanh tra vừa tuyên truyền vừa kiểm tra, xử lý vừa phối hợp với các đơn vị để hạn chế việc ùn tắc giao thông và những vi phạm về môi trường giao thông” 

Còn theo phân tích của một số chuyên gia, cuối năm đường xá “vào mùa” đào bới là do các địa phương “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân. Hoạt động này thường không được ưu tiên kinh phí vào dịp đầu và giữa năm mà khi đến cuối năm, các địa phương còn kinh phí mới thực hiện giải ngân vào các công trình này. Do đó, các hoạt động này phụ thuộc vào tình hình thu chi ngân sách và kế hoạch đầu tư của địa phương. 

Trước vấn đề cuối năm mới giải ngân nguồn kinh phí để các đơn vị tiến hành thi công các công trình hè đường phục vụ dân sinh, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến đóng góp, chính quyền thành phố phải tìm cách nào đó để sắp xếp nguồn vốn cho hợp lý, nên ưu tiên các công trình đào đường quan trọng để không làm ảnh hưởng đến người dân trong dịp cuối năm.  

“Cơ quan chức năng cần điều chỉnh trong cách làm, thậm chí trong cách nghĩ. Các kế hoạch sửa chữa cần được lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn để từ đó có thời gian thẩm định, đánh giá vào những thời gian phù hợp. Có thể ưu tiên sửa chữa những tuyến phố ít cửa hàng và người dân vào dịp cuối năm, còn dịp trong năm thì sửa chữa các tuyến phố có nhiều hộ kinh doanh để nó hạn chế ảnh hưởng tới người dân”.

Người dân cần một câu trả lời từ phía cơ quan chức năng thành phố, về mục đích thực sự của việc đào hè, sửa đường cấp tập cuối năm là gì?

Chọn thời gian sát Tết để sửa đường, đào bới lát vỉa hè là không hợp lý bởi việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại, sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, vấn đề này cần được nhìn nhận ở góc độ ý thức về tầm quan trọng của công tác chỉnh trang đô thị từ phía các cơ quan quản lý. 

Còn tiền thì sẽ mua gạo

Chuyện đào đường, sửa đường vào dịp cuối năm đã gần như trở thành “điệp khúc” của đô thị. Với cái mác “chỉnh trang đô thị” hoặc cải thiện ùn tắc giao thông, các dự án đào đường, sửa hè được thực hiện tưng bừng trên khắp đường nhỏ đường to.

Sau khi sửa xong, quang cảnh bắt mắt, đường nhẵn mịn, xe đi lại dễ dàng hơn, ùn tắc cũng đỡ hẳn. Sự hài lòng cục bộ dễ khiến người ta quên đi những bức xúc, phiền hà trước đó. Người ta cũng quên luôn một thực tế rất lạ lùng, là các dự án đào đường, sửa hè, nhất định cứ phải đợi đến cuối năm.

Về điều kiện giao thông, cuối năm tuyệt đối không phải là thời điểm phù hợp để đào xới. Bởi từ thời điểm học sinh tựu trường cho đến những tháng giáp Tết luôn là giai đoạn căng thẳng nhất của giao thông. 

Cuối năm, các cơ quan đảm bảo TTATGT và trật tự đô thị bao giờ cũng rốt ráo xử lý, ngăn chặn hành vi gây cản trở, ùn tắc giao thông. Bởi vậy, các dự án đào đường, sửa hè nếu triển khai một cách có dụng ý vào dịp cuối năm, thì có vẻ mâu thuẫn với điều này. 

Về điều kiện thời tiết, cuối năm cũng không hề là thời điểm phù hợp để đào đường, nếu nhìn từ lợi ích của người dân, bởi đây là giai đoạn “cao điểm” hanh khô, ô nhiễm không khi liên tục được cảnh báo. 

Bụi từ mặt đường, bụi từ công trường xây dựng xung quanh đã quá sức chịu đựng của người dân, nay lại thêm bụi cuốn mù mịt từ các vỉa hè được đào xới ngổn ngang, từ các mặt đường đang được cào bóc tứ tung trước khi thảm lại. 

Tất nhiên, thời tiết hanh khô sẽ thuận lợi hơn cho việc thi công. Nhưng các công trình phức tạp hơn vẫn xây dựng được trong cả mùa mưa, chẳng có lý do gì việc lát đá và thảm lại mặt đường lại phải đợi đến lúc trời khô cong khô nẻ.

Về tính kinh tế, ai cũng biết, cuối năm khi nhà nhà sửa sang, người người mua sắm, đương nhiên giá cả vật tư và nhân công đều tăng. Đợi đến cuối năm mới thi nhau lát hè, sửa đường, có lẽ không phải là một phương án tiết kiệm.

Về tính hiệu quả, những dự án kiểu này chưa hẳn đã đạt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và chỉnh trang đô thị. Bởi hôm trước lát đá, hôm sau vỉa hè lại có thể bị đào lên để hạ ngầm, làm cống. Tháng trước xén dải phân cách giữa, tháng sau ùn vẫn hoàn ùn. Dự án xén dải phân cách giữa mở rộng 8km đường vành đai 3 bên dưới của Hà Nội, thi công cách đây đúng 1 năm, là minh chứng hùng hồn.

Loại trừ các lý do trên, chỉ còn 2 yếu tố có thể khiến cho việc sửa đường diễn ra cấp tập cuối năm, đó là tiến độ giải ngân hoặc mức độ ưu tiên dành cho các dự án. Nhưng với trình tự thủ tục giải ngân một dự án duy tu, sữa chữa đường bao lâu nay vẫn thế, hẳn là các chủ đầu tư kinh nghiệm “đầy mình” cũng đã “căn” được độ trễ thời gian để chọn thời điểm trình dự án. 

Vậy cuối cùng, chỉ còn một lý do duy nhất khả dĩ thuyết phục, đó là mức độ ưu tiên của các dự án này. Nếu coi việc sửa đường, sửa hè chỉ để “chỉnh trang”, điều đó cũng giống như các gia đình, cuối năm trả hết nợ nần, còn giư giả sẽ mua hoa kiểng chơi xuân, dù biết rằng ra giêng sẽ vứt.

Còn, nếu coi đảm bảo ATGT, chống ùn tắc là nhiệm vụ thường xuyên, là ưu tiên hàng đầu, và đầu tư cho hạ tầng là đi trước một bước, mà bố trí ngân sách kiểu này, thì chẳng khác nào ông bố bảo các con: để xem son phấn xong, mua quần áo đẹp xong còn thừa bao nhiêu tiền, rồi mới đem… mua gạo.

Tất nhiên, đó là những chuyện rất nực cười. Bởi thế, người dân cần một câu trả lời từ phía cơ quan chức năng thành phố, về mục đích thực sự của việc đào hè, sửa đường cấp tập cuối năm./.