Nhận diện xe kinh doanh vận tải: Chấm dứt sự nhập nhằng, bắt đầu từ chiếc biển số

03/12/2019 09:30 295

Nhiều ý kiến cho rằng phương án tối ưu nhất là đổi biển số xe thành màu cam. Lợi ích đối với cơ quan quản lý là dễ kiểm soát, chống thất thu thuế.

Nhiều phương án để nhận diện xe kinh doanh vận tải

Bộ GTVT đề xuất phương án nhận diện xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải qua màu biển số đăng ký

Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ 3 phương án phân biệt xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó có phương án nhận diện xe qua màu biển số đăng ký.

Trong khi đó, Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến cho Dự thảo thông tư về đăng ký xe, trong đó đổi biển số hiện nay của các loại xe vận tải hàng hóa, hành khách sang loại biển số mới có màu nền vàng cam, chữ số màu đỏ. Nếu được thông qua, việc cấp biển số màu mới sẽ bắt đầu từ tháng 1 cho đến hết tháng 12/2020.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, việc đổi này để cụ thể hoá theo Nghị quyết 12/2019 của Chính phủ. Với các xe đã có biển số, tài xế không cần mang xe đến trụ sở đăng ký, chỉ cần điền tờ  khai (không phải cà số khung, số máy) và trong 7 ngày, Phòng cảnh sát giao thông sẽ cấp biển số có màu mới. Chi phí đổi màu biển số là 150.000 đồng theo quy định hiện hành, với gần 1 triệu phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải sẽ phát sinh chi phí khoảng 150 tỷ đồng.

Trao đổi với VOV Giao thông, đa số người dân cho rằng, đổi màu biển số xe là phương án hữu hiệu, giúp dễ dàng nhận biết xe. Tuy vậy, cũng có ý kiến băn khoăn việc đổi màu biển số xe sẽ có nhiều khó khăn cho những người kinh doanh dịch vụ vận tải vì mất thời gian, tiền bạc.

"Theo tôi cái này không nhất thiết phải như vậy. Sau này Việt Nam chuyển nhượng xe rất nhiều, có những người làm xe dịch vụ rồi sau họ chuyển thành xe gia đình chẳng hạn mà lại phải thay đổi biển thì nó tốn kém hơn. Về góc độ người sử dụng thì người ta chỉ mong muốn hiệu quả cũng như tiện ích mà người ta thu về".

"Tôi đồng ý với phương án đổi màu biển xe cho nó phù hợp hơn, đẹp hơn. Những xe bây giờ cứ trùng màu nên khó phân biệt, đổi màu biển xe sẽ dễ cho người dân hơn".

"Thay đổi màu biển được thì cũng được, cũng hay, để cho người ta dễ nhận biết. Bình thường nếu đi vào đường cấm thì grab vẫn đi được, không phân biệt được nhưng mà thay đổi cái biển thì có thể là dễ nhận biết hơn".

"Nếu như Bộ chuyển đổi được như thế thì sẽ làm được tốt công tác quản lý, tránh chuyện xe dù bến cóc rồi giải quyết những tình trạng chen lấn, tranh giành khách ở các điểm, bến xe. Cái thứ hai là để cho người dân đi lại người ta xác định được là tôi đi xe này là của doanh nghiệp này, đơn vị này. Muốn đổi được thì cũng cần phải có một cơ chế như thế nào đó để mà điều hành các cơ quan quản lý, sơn rồi màu rồi biển cấp phát như thế nào, tránh tình trạng để cho các doanh nghiệp rồi các nhà xe người ta phải chờ đợi".

Để nhận diện phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải, tạo công bằng, hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất 3 phương án

Với các doanh nghiệp, lợi ích của việc đổi biển số xe kinh doanh thành màu cam là chống cạnh tranh thiếu lành mạnh, bất bình đẳng, giảm thủ tục hành chính

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Đặng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Taxi Thành Lợi cho biết, đã nghiên cứu kỹ 3 phương án mà Bộ GTVT đề xuất để nhận diện xe kinh doanh. Ông Tuấn Anh khẳng định, phương án tối ưu nhất là đổi biển số xe thành màu cam. Lợi ích đối với cơ quan quản lý là dễ kiểm soát, chống thất thu thuế, với các doanh nghiệp là chống cạnh tranh thiếu lành mạnh, bất bình đẳng, giảm thủ tục hành chính.

“Với cá nhân của doanh nghiệp tôi kiến nghị, taxi truyền thống đang bị ràng buộc bởi 13 điều kiện. Nếu đổi được biển số sẽ giảm được 2-3 điều kiện nữa, nhằm cắt bỏ thủ tục hành chính như chính phủ đang kêu gọi”.

Đề cập về chi phí đổi biển, lãnh đạo hãng taxi Thành Lợi cho hay, không tốn kém là bao, và sẵn sàng bỏ tiền ra để đảm bảo các điều kiện kinh doanh, một khi đó là một quy định tốt và làm lành mạnh thị trường vận tải.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh, trong số rất nhiều phương án như đổi màu sơn, bộ nhận diện dán trên kính, thân xe… thì việc đổi màu biển số là đơn giản hơn cả và tiện cho tất cả các bên, cả đơn vị quản lý lẫn doanh nghiệp.

“Giải pháp đó là mọi người, và đặc biệt là cơ quan chức năng rất dễ nhận biết khi mà biển số xe có những màu khác nhau, để có giải pháp quản lý tốt hơn, xử lý tốt hơn, đặc biệt là loại xe công nghệ. Cần rành mạch trong kinh doanh cho nó đường hoàng, không phải lủi lủi, chui chui làm gì cả. Quản lý tốt hơn kể cả về quản lý vận tải lẫn quản lý về tài chính. Và đặc biệt là xử lý các tình huống trên đường rất rõ ràng”

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, người dân không nên lo ngại về thủ tục chuyển đổi biển số giữa xe kinh doanh và không kinh doanh, bởi khi đã triển khai phương án này, cơ quan chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thì chính sách mới đi vào cuộc sống.

“Thủ tục chuyển đổi rất đơn giản. Chi phí thì không đáng kể. Làm một biển số xe là không đáng kể. Các nước người ta cũng chỉ khoảng 200.000 đồng, cả biển số trước biển số sau. Nước ngoài người ta cũng áp dụng vậy, kể cả các nước phát triển lẫn các nước trong khu vực. Nhìn vào biển số xe là biết ngay người ta kinh doanh hay không. Tất nhiên, nó cũng có thời gian chuyển đổi. Cũng như xưa mình tất cả biển xanh sau chuyển sang biển trắng”

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi ba miền đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công an, Bộ GTVT về màu biển số riêng cho xe kinh doanh. Theo đó, hiện tất cả phương tiện thuộc sở hữu doanh nghiệp và cá nhân dù kinh doanh vận tải hay không đều được cấp biển số nền màu trắng. Gần đây, taxi công nghệ xuất hiện, phát triển ồ ạt tại nhiều tỉnh, thành nhưng phương tiện này không khác gì so với xe cá nhân (không có mào, không sơn logo thương hiệu) nên khi đi vào đường cấm taxi, hoạt động trái phép tại sân bay thì cảnh sát giao thông khó phát hiện.

“Nó sẽ mang lại hai lợi ích. Đầu tiên là quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ các loại hình vận tải. Thứ hai, với người tiêu dùng ra ngoài đường có thể nhận biết được đó là xe gì, thuộc doanh nghiệp nào, khi cần thì khiếu nại đến ai. Nếu có bộ nhận diện chuẩn mực sẽ ích nước lợi nhà, đặc biệt về ATGT. Những ai khi kinh doanh, bị nhận diện cụ thể thì sẽ không trốn, lách luật, đi đường cấm, chạy quá tốc độ, lấn làn, người đó hiểu đang bị kiểm soát để chấp hành quy định pháp luật”

Đề cập phương án màu biển số riêng cho xe kinh doanh, ông Ngô Dương - chuyên gia chính sách thuộc Viện Nhà nước và Pháp luật bày tỏ quan điểm ủng hộ. Tuy nhiên, chính sách này được xây dựng nhằm mục tiêu đầu tiên là tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước. Do đó, nhà nước cũng cần tính đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

“Chúng ta ra chính sách này, bản thân cơ quan quản lý nhà nước đã có điều kiện thuận lợi rồi. Liệu có nên tạo thuận lợi cho chủ phương tiện hay không, bằng cách là chuyển đổi, cấp miễn phí cho họ chẳng hạn. Về chủ trương, tôi đồng ý, còn cách thực hiện phải cân nhắc, cần tính đến gánh nặng mà người dân và doanh nghiệp gặp phải, cũng như chi phí của nhà nước”.

Chấm dứt sự nhập nhằng, bắt đầu từ chiếc biển số

Thay màu biển số là một biện pháp tăng khả năng nhận diện, có thể mang lại một chút tác động

Thời gian qua, cơ quan quản lý bộc lộ rõ sự lúng túng trong nhận diện và xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng kinh doanh vận tải hoạt động trá hình tương tự tuyến cố định, một tác nhân gây nên vấn nạn dai dẳng “xe dù, bến cóc”. Bên cạnh đó là những tranh cãi xung quanh việc nhận diện thế nào với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (còn gọi là taxi công nghệ) sau 4 năm thí điểm.

Thực tế, với cách làm như hiện nay, nhận diện xe kinh doanh vận tải thông qua biển hiệu, phù hiệu đã bị nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là lỗi thời, giống như một loại “giấy phép con”, gây khó cho doanh nghiệp. Chất lượng tem kém bền, dễ làm giả khiến chính lực lượng chức năng cũng khó phân biệt. Còn biển hiệu có thể dễ dàng giấu đi, hòng lách luật khi bị kiểm tra.

Đề xuất cấp màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải từng được nhắc đến từ nhiều năm trước. Nhưng có lẽ, do yêu cầu thực tiễn chưa quá cấp bách nên chưa được chú ý. Hiện nay, khi vấn đề mất công bằng giữa các loại hình xe khách tuyến cố định với xe hợp đồng, giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ lên đến đỉnh điểm thì việc đổi màu biển số mới được suy xét nghiêm túc.

Thử hình dung, một tài xế điều khiển chiếc xe mang biển số màu vàng đương nhiên sẽ ý thức được vai trò và nghĩa vụ của mình khác với chính anh ta khi điều khiển xe biển số màu trắng. Anh ta hiểu rằng, bản thân đang được cơ quan quản lý, khách hàng nhận diện đúng vị trí là người phục vụ kinh doanh vận tải, chứ không còn sự nhập nhèm, đen trắng lẫn lộn với xe cá nhân như trước đây.

Trong khi đó, lực lượng chấp pháp cũng sẽ không còn chút nghi ngờ khi dừng xe xử lý một chiếc xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào phố cấm. Còn doanh nghiệp sau khi có giấy phép kinh doanh và đăng ký phương tiện qua phần mềm sẽ không còn cảnh tốn kém chi phí và thời gian để chuẩn bị các loại giấy tờ xin cấp, cấp đổi phù hiệu.

Quản lý bằng biển số cũng được cho là một trong những biện pháp thúc đẩy việc hoàn thiện phần mềm quản lý phương tiện giao thông tiến tới liên thông các thông tin phục vụ tra cứu, giám sát online.

Vấn đề đáng lưu ý là thủ tục và chi phí có nhanh gọn, khuyến khích được doanh nghiệp, chủ xe kinh doanh thay đổi hay không? Việc chuyển đổi giữa biển trắng và biển vàng có thuận tiện? Chi phí đó do nhà nước hay doanh nghiệp lo? Cần biết, khi một chính sách đưa ra mà người dân phải chi tiền để làm đúng luật thì rất cần cân nhắc về cách thức thực hiện.

Thay màu biển số là một biện pháp tăng khả năng nhận diện, có thể mang lại một chút tác động, nhưng để hy vọng điều đó tạo nên sự công bằng cho thị trường vận tải vô cùng đa dạng về hình thức như hiện nay thì có lẽ quá ngây thơ. Bởi người dùng đôi khi không quan tâm mình đi xe biển gì, họ quan tâm đến chất lượng dịch vụ.