Bất đồng việc hoàn tiền cho khách huỷ chuyến bay vì dịch
35 tỉ USD là con số mà các hãng hàng không đã và đang nợ hành khách vì huỷ chuyến bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19
Thông thường, khi khách huỷ chuyến theo đúng trình tự, hãng hàng không sẽ phải bồi hoàn tiền vé. Tuy nhiên, các hãng chần chừ hoặc tặng voucher thay vì hoàn tiền, để giữ lại tiền tiếp tục duy trì hoạt động.
Nhiều hành khách bức xúc trước việc không được hoàn tiền vé. Ảnh minh họa
Ông Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế cho biết: Với tình hình hiện nay, nếu các hãng bồi hoàn ngay lập tức 35 tỉ USD tiền mặt, đó sẽ là “dấu chấm hết” đối với nhiều hãng, đồng nghĩa, rất nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lệnh giới nghiêm/cách ly xã hội ở nhiều nơi buộc hàng triệu người phải nghỉ việc, bản thân hành khách cũng rất cần tiền và họ có quyền để nhận.
Vậy mới xảy ra việc hành khách bức xúc, phàn nàn nhiều hãng không hoàn trả tiền vé. Nhiều trường hợp đã dẫn đến khởi kiện, như câu chuyện của anh Jacob Rudolph, sĩ quan cảnh sát tại bang Minnesota.
Vào khoảng giữa tháng 1 khi dịch COVID-19 chưa bùng phát mạnh trên đất Mỹ và nhịp sống vẫn bình thường, Rudolph chi hơn 1.500 USD để mua 3 vé của hãng United Airlines, khởi hành đầu tháng Tư. Nhưng, sau khi dịch Covid-19 lan rộng, Jacob Rudolph buộc phải huỷ chuyến. Tuy nhiên, anh không được hoàn tiền mà chỉ được nhận một voucher cho chuyến bay lần sau. Trong đơn kiện lên toà án liên bang, anh Jacob Rudolph chỉ trích “United có cách hành xử không công bằng, phi lý khi từ chối hoàn tiền cho khách huỷ chuyến”.
Phía United Airlines chưa bình luận về sự việc này. Cùng với vụ kiện này, United Airlines đang chứng kiến số lượng hành khách phàn nàn vì không hoàn vé nhiều nhất tại Mỹ.
Trước những bức xúc của hành khách, giới chức hàng không nhiều nước đã ra quyết định bắt buộc các hãng hàng không phải hoàn tiền vé cho hành khách nếu liên quan tới lý do dịch bệnh.
Bộ Giao thông Mỹ nêu rõ: “Trách nhiệm của các hãng hàng không là bồi hoàn bao gồm giá vé và mọi loại phí dịch vụ mà hành khách không được sử dụng”. Hành khách cũng được bảo vệ khi hãng hàng không thay đổi lịch trình và hành khách không chấp nhận sự thay đổi mà hãng đưa ra, Bộ Giao thông Mỹ nêu rõ.
Dịch vụ ế ẩm, khách đòi hoàn tiền, hàng không thế giới đang đứng trước khủng hoảng lớn chưa từng có
Trong khi đó, Uỷ ban Giao thông của Liên minh Châu Âu cũng thông báo tương tự khẳng định, luật EU bắt buộc các hãng phải hoàn tiền cho khách trong vòng 7 ngày.
Uỷ viên Uỷ ban Giao thông Châu Âu Adina Valean giải thích: “Khi hành khách không nhận được dịch vụ đã được thanh toán, họ cần được bồi hoàn. Đó là điều quy định rõ trong luật. Hãng hàng không có thể tặng voucher cho khách thay cho bồi thường tiền mặt nhưng với điều kiện được khách chấp nhận”
Hiểu rõ việc bồi thường cho số lượng lớn hành khách trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ càng đặt thêm gánh nặng tài chính cho hãng hàng không, bà Valean cho biết thêm: “Chúng tôi đang tìm kiếm một số biện pháp có thể giúp các hãng bay đối phó với vấn đề thanh khoản hiện nay, nhưng song song với đó, chúng tôi cũng phải bảo vệ quyền lợi của hành khách”.
Không đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Châu Âu, Hiệp hội các hãng hàng không châu Âu chỉ trích Uỷ ban Giao thông Châu Âu đánh giá chưa đúng mức độ ảnh hưởng từ khủng hoảng này. Hiệp hội cho rằng, quan điểm này có thể gây ra những tác động về tài chính nghiêm trọng cho các hãng hàng không trong thời gian ngắn; và Các cơ quan Thực thi pháp luật và các nước thành viên Châu Âu nên cân nhắc chấp nhận một hệ thống voucher bồi thường thay thế cho hoàn trả tiền mặt ngay lập tức.
Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, số tiền mà các hãng hàng không trên thế giới phải bồi thường cho hành khách vì huỷ chuyến khoảng 35 tỉ USD, riêng các khu vực Châu Âu lên tới 10 tỉ USD tính đến cuối tháng 5.
Thấu hiểu nỗi lo của các hãng hàng không nhưng Chủ tịch Uỷ ban Giao thông của Nghị viện Châu Âu, Karima Delli vẫn cho rằng cần phải tôn trọng quyền lợi của hành khách: “Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm. Mọi quốc gia thành viên nên chuẩn bị các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ cho những đối tượng dễ bị tổn thương, các công ty phải tuân thủ quy định pháp luật và người dân cần phải hạn chế đi lại và ở trong nhà”.
Uỷ viên về các vấn đề Người tiêu dùng Châu Âu Didier Reynders cho biết, các cơ quan chức năng đang phối hợp để “đảm bảo khuyến khích hành khách chấp nhận voucher”, kể cả trong trường hợp do hãng huỷ chuyến, nhằm hỗ trợ các hãng bay trong lúc dịch bệnh.
Nhưng, các hãng phải mở rộng thời hạn voucher lên ít nhất 2 năm để hành khách có thể sử dụng; bởi thực tế nhiều hành khách khiếu nại, một số hãng đưa ra những voucher với thời hạn “phi thực tế” như vào mùa hè này bất chấp virus vẫn đang hoành hành và hệ luỵ có thể kéo dài tới vài tháng nữa và hành khách cũng khó có thể đi lại.