Ánh nắng mặt trời hủy hoại làn da của tài xế như thế nào?

24/03/2020 15:07 299

Tia UVA từ mặt trời có thể dễ dàng xuyên qua kính xe và thậm chí quần áo mỏng

Trong bức ảnh được đăng tải trên Tạp chí Y học New England, khuôn mặt bên trái của ông William (Bill) Edward McElligott, một tài xế xe tải 69 tuổi nhăn nheo, sần sùi, chảy xệ như một cụ già 86 tuổi hoàn toàn trái ngược với bên phải.

Đây là hậu quả sau 28 năm người này ngồi sau tay lái, nửa mặt trên trái nằm ở hướng cửa sổ, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vậy tài xế cần phải làm gì để bảo vệ làm da trong thời tiết nắng nóng?

Ảnh: Tạp chí Y học New England

Ông McElligott cho biết ông làm công việc giao hàng, mỗi ngày ông phải chạy xe ngoài đường từ 6h sáng đến 3 giờ chiều, để chuyển hàng tới 6 – 8 địa điểm. Cánh tay trái của ông luôn rám nắng hơn cánh tay phải.

Phải mất 15 năm, ông McElligott mới nhận ra sự khác biệt ở hai bên khuôn mặt. Thế nhưng ông chần chừ không tới gặp bác sĩ mà phớt lờ tình trạng sức khỏe của bản thân mãi cho tới khi ông liên tục bị các cháu “tra hỏi” về những vết chảy xệ, nhăn nhúm trên nửa khuôn mặt bên trái.

Theo các chuyên gia da liễu, trường hợp của ông McElligott được gọi là thoái hóa da do tiếp xúc một thời gian dài với tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB) của mặt trời– một biểu hiện phổ biến của sự lão hóa, dẫn đến việc da của người này dần dày lên sau hàng chục năm.

Bác sĩ Drew Pinsky – Nguyên trưởng khoa Dịch vụ phụ thuộc hóa chất, bệnh viện Las Encinas ở California cho biết:

“Nhìn vào bức hình bệnh nhân, đây là tình trạng rất nguy hiểm và nó cho thấy sức ảnh hưởng ghê gớm của ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia cực tím. Các tia này không chỉ gây ra lão hóa, nám và nếp nhăn ở mắt nhiều hơn mà còn có thể dẫn đến ung thư da”.

Được biết, tia UVA từ mặt trời có thể dễ dàng xuyên qua kính xe và thậm chí quần áo mỏng. Việc tiếp xúc với tia này có thể dẫn đến sự dày lên của các lớp trên cùng của da, lớp biểu bì và lớp sừng, cũng như phá hủy các sợi đàn hồi của da. Hậu quả dẫn tới sự lão hóa trên da như: các nếp nhăn, mụn, nám, …, thậm chí làm tăng nguy cơ gây ung thư da.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cũng chỉ ra rằng khi đóng kín cửa xe, thì phần cơ thể gần cửa sổ, tiếp nhận lượng ánh sáng gấp 6 lần liều bức xạ cực tím so với vùng không bị nắng. Đa phần kính phía trước ôtô có thể chặn đến 96% tia UV, tuy nhiên, cửa xe 2 bên chỉ ngăn được 71% tia UV; ở một số loại xe, chỉ ngăn được 44%.

Tia UV vẫn có khả năng xuyên qua kính ô tô

Theo một nghiên cứu trên 2.000 lái xe ở Anh, cứ 5 người thì 4 người không quan tâm đến những tổn hại da. 53% không biết rằng việc tổn thương da có thể xảy ra, dù đóng kín cửa sổ, bật điều hòa. Khi kiểm tra vùng da của 2 lái xe lâu năm ở Anh thì thấy: Một người không dùng kem chống nắng, người còn lại sử dụng thì kết quả cho thấy, người không sử dụng kem chống nắng, xuất hiện tế bào tiền ung thư.

Melanie Kingsley, bác sĩ da liễu của Trung tâm y tế I.U cho biết:

“Ở nhiều bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy phần mặt và thân phía bên trái bị lão hóa đáng kể so với bên phải. Bạn hãy tưởng tượng tác hại lớn thế nào nếu ngồi trong xe hơi ngày qua ngày dưới ánh nắng mặt trời còn nguy hiểm hơn là việc bạn đến bể bơi trong vài tiếng. Bạn có thể phòng ngừa các nguy cơ bằng cách rất đơn giản thôi, hãy thay đổi thói quen, tìm cách che bớt hoặc hạn chế ánh nắng lọt qua cửa sổ xe tải, hoặc đừng cho da có cơ hội bị phơi dưới nắng gắt.”.

Tại Việt Nam, trong những ngày qua tại Hà Nội và Tp. HCM liên tục bị cảnh báo chỉ số tia cực tím ở mức cao từ 8-10, thậm chí có ngày lên tới 12 – mức cực kỳ nguy hiểm.

Thế nhưng, nhiều người lại bỏ qua điều này. Anh Văn Huy, Taxi Linh Anh chia sẻ:

“Đi làm nắng tôi chỉ đeo kính đen cho dịu mắt thôi còn tôi không quen mặc áo dài tay, chỉ mặc áo cộc tay thôi. Tôi chỉ thấy là tay bị đen, tay trái thì đen hơn so với tay còn lại. Còn hôm nào mà nắng to, nắng chiếu vào thì cũng gây cháy da đấy”.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyên nên dùng những loại kính, phim cách nhiệt có khả năng lọc tia cực tím hay sử dụng các biện pháp che chắn bảo vệ làn da tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết thêm:

“Chúng ta có thể tránh lái xe vào các giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Ngồi trong xe thì chúng ta có thể sử dụng các phương pháp chống nắng, ví dụ như bôi kem chống nắng ở các vùng da hở như vùng mặt, cổ hoặc tay khi chúng ta tiếp xúc với vô lăng. Thậm chí, chúng ta thấy có nhiều chị em khi lái xe vẫn có thể sử dụng các phương pháp chống nắng vật lý như mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang thậm chí là đội mũ. Đó là những phương pháp khá hữu hiệu để hạn chế các tác hại do tia UV gây ra khi lái xe”.