Quản lý việc lái xe của trẻ vị thành niên như thế nào?

07/04/2020 15:36 132

Mới đây, vụ CSGT bị “quái xế” tông trọng thương tại khu vực huyện An Lão, TP Hải Phòng đã thu hút sự chú ý của dư luận

Trưa 9/7 tại Tỉnh lộ 354 qua huyện An Lão, Hải Phòng, khi tổ công tác của đội CSGT Công an huyện An Lão phát hiện và ra tín hiệu dừng một nam thiếu niên điều khiển xe máy với tốc độ hơn 60 km/h, không có mũ bảo hiểm.

Tuy nhiên, thiếu niên này lao thẳng xe vào thượng uý Nguyễn Văn Quý, gây đa chấn thương, chảy máu trong hộp sọ, vỡ cột sống cổ, vỡ xương vùng mặt, tụ máu trong xoang, vỡ mỏm vẹt xương trụ phải, trật khớp khuỷu phải. Đáng chú ý, người gây tai nạn mới chỉ 16 tuổi, chưa đủ tuổi để được cấp bằng lái xe máy.

Sự liều lĩnh là điều thường thấy ở độ tuổi vị thành niên, bao gồm cả trong việc lái xe. Alyssa Lopez, 16 tuổi, sống tại bang Utah, Mỹ, đã ra đi trong một vụ tai nạn khi đang trên đường về nhà. Stephanie Rendon, mẹ của Alyssa kể lại:

“Hôm đó Alyssa đi tới trường cổ vũ cho một trận đấu bóng rổ. Khi trên đường lái xe về nhà, con bé bị một nam sinh cùng trường lái xe đuổi theo, dẫn tới một vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 xe, và con bé thiệt mạng ngay tại hiện trường”.

Theo số liệu thống kê bởi hiệp hội vận tải Mỹ, trong năm 2013, gần 1 triệu thanh thiếu niên Mỹ có liên quan tới tai nạn giao thông, gây nên hơn 373 nghìn ca chấn thương và 2.927 người tử vong. 

Theo Giáo sư Charlie Klauer của Học viện công nghệ giao thông bang Virginia, khoảng thời gian nguy hiểm nhất với thanh thiếu niên chính là 6 tháng kể từ khi có bằng lái. Một nghiên cứu khác cho thấy, tỉ lệ tai nạn sẽ tăng tới 44% khi thanh thiếu niên lái xe cùng người không phải người giám sát. Con số này thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba -  tỉ lệ thuận với số người trên xe.

Dù luật pháp Mỹ có sự khác biệt giữa từng bang, nhưng có khá nhiều tương đồng trong việc cấp bằng lái cho trẻ vị thành niên. 

Cụ thể, từ 14-17 tuổi,  được phép tham gia các khóa đào tạo dạy lái xe và được cấp chứng chỉ lái xe tạm thời. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc được lái xe thoải mái.

Với chứng chỉ lái xe tạm thời, trẻ vị thành niên chỉ được phép lái xe khi có sự giám sát của cha mẹ, người giám hộ hoặc người 21 tuổi trở lên và có bằng lái xe chính thức trên 1 năm. Ngoài người giám sát, không được phép chở thêm bất cứ ai khác trên xe. Thời gian lái xe cũng bị hạn chế, chỉ được lái vào ban ngày; Từ 10 giờ tối tới 5 giờ sáng trẻ bị cấm lái xe. 

Người giám sát (thường là cha mẹ) đóng vai trò quan trọng trong thời gian con mình học lái xe. Ảnh minh họa

John Ulczycki, Chủ tịch Nhóm sáng kiến chiến lược về an toàn lái xe, Ủy ban AT Quốc gia Mỹ cho biết:

“Chứng chỉ lái xe tạm thời là bước chuẩn bị cho trẻ vị thành niên có được những kiến thức cần thiết, cũng như học cách đối phó với các mối nguy có thể xảy ra trước khi chúng thi lấy bằng lái chính thức. Các bậc phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc này”.

Nếu xảy ra tai nạn, cha mẹ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của con mình, phải gánh chịu các phí tổn phát sinh. Trường hợp duy nhất cha mẹ không phải chịu trách nhiệm, là khi họ không có quyền nuôi con. 

Những năm trở lại đây, do tỉ lệ TNGT ở tuổi vị thành niên có xu hướng tăng, một số bang như Nevada (Nê-va-đa), Utah buộc cha mẹ phải kí tên vào chứng chỉ lái xe tạm thời của con, cùng với cam kết không vi phạm luật giao thông trong khoảng thời gian này để tránh trở thành tấm gương xấu cho trẻ. “Song hành cùng các quy định của luật pháp, cha mẹ cũng nên áp dụng các luật lệ riêng đối với con của mình nếu muốn chúng an toàn khi lái xe” – Tiến sĩ Klauer kết luận.

Quay trở lại vụ tai nạn ở Hải Phòng, thiếu niên gây tai nạn không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường cho người bị hại. Vì chưa đủ 18 tuổi, nên người phải chịu trách nhiệm bồi thường chính là cha mẹ.

Do dễ dãi hoặc muốn con trẻ chủ động trong việc đi lại, nhiều phụ huynh đã vô tình phạm luật khi cho phép trẻ tự lái xe. 

Vì lẽ đó, việc quản lý trẻ vị thành niên điều khiển phương tiên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, nhà trường và cơ quan chức năng là điều cần thiết để giảm tỉ lệ TNGT ở lứa tuổi học sinh.