Giới trẻ với văn hóa truyền thống
Với đam mê và sáng tạo của những người trẻ, nhiều loại hình văn hóa truyền thống của Việt Nam đang từng bước hồi sinh, chuyển mình cùng đời sống đương đại....
Thời gian gần đây, nhiều hoạt động giới thiệu, đưa các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng được thực hiện bởi chính những bạn trẻ với đầy tâm huyết, nhiệt thành.
Trong khi nhiều bạn trẻ có xu hướng quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống thì với không ít người, nghệ thuật truyền thống vẫn có sức cuốn hút mạnh mẽ và đang âm ỉ cháy, nếu được khơi thông sẽ phát triển không ngừng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Nguyễn Đức Lộc - chàng trai thế hệ 9X là một trong số những người trẻ đó. Bằng tình yêu đặc biệt với trang phục cổ, Nguyễn Đức Lộc đã dành nhiều tâm sức để phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Một số cổ phục mà Nguyễn Đức Lộc phỏng dựng
Văn hóa ngoại đang du nhập vào nước ta một cách ồ ạt. Và người tiếp nhận làn sóng này một cách nhanh nhất, không ai khác chính là giới trẻ. Thế nên không khó khi chúng ta nghe được những câu trách móc kiểu: “giới trẻ am tường nhạc Tây hơn nhạc Việt”, “nhớ ngày kỷ niệm của quốc tế hơn những ngày lễ cổ truyền”, “chủ động tìm hiểu văn hóa nước ngoài nhưng lại ngại tiếp xúc văn hóa truyền thống”…
Nhưng, với quan điểm của một người trẻ, Nguyễn Đức Lộc cho rằng lỗi không hoàn toàn do người trẻ bởi hiện có rất nhiều yếu tố tác động: quan niệm xưa cũ, sự thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống.
“Nếu như thế hệ cha mẹ chúng ta trước đây còn phải lo đến việc ăn no, mặc ấm, gán cho văn hóa những định kiến: cổ hủ, lạc hậu… thì thế hệ trẻ ngày nay lại khác, không trải qua thời kỳ chiến tranh, bao cấp, cũng không phải lo ăn no, mặc ấm mà tìm đến những điều tốt đẹp hơn. Điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa ngoại lai rất nhiều nên người trẻ có tư duy cởi mở hơn, thoáng hơn, không bị những định kiến trói buộc như thế hệ trước”.
Sách Họa Sắc Việt - dự án số hóa tranh dân gian Hàng Trống của các bạn trẻ nhóm S-River
Bên cạnh đó, Nguyễn Đức Lộc cũng cho rằng: toàn cầu hóa vừa là thời cơ nhưng cũng đồng thời là thách thức không nhỏ đối với việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, quốc gia trong bối cảnh và đặc điểm mới của thế giới hiện đại.
“Việc tiếp xúc với nhiều nền văn hóa du nhập vào Việt Nam giúp giới trẻ có cơ hội bước ra và hội nhập với thế giới nhanh hơn. Các công cụ như Internet, mạng xã hội... cũng giúp người trẻ đưa văn hóa truyền thống Việt Nam đến với thế giới tốt hơn, rõ nét hơn. Tuy nhiên, thách thức mà toàn cầu hóa, hội nhập mang lại cũng không ít, đó là phải phân định được thế nào là văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của Việt Nam, thế nào là sự giao thoa, kế thừa… thì giới trẻ cũng cần tỉnh táo để nhận thức được điều đó. Bởi thực tế cho thấy, càng có điều kiện hòa mình vào thế giới văn minh của nhân loại, tuổi trẻ càng dễ trở nên bị mất phương hướng nếu không có bản lĩnh, trình độ văn hóa cần thiết, thậm chí có thể tự đánh mất mình nếu không được hưởng thụ dưỡng chất văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại”.
Vì thế, Nguyễn Đức Lộc cho rằng, người trẻ cần phải có một nền tảng giáo dục văn hóa cơ bản, vững chắc để tránh được những sai lầm, ngộ nhận không đáng có từ những cái gọi là “na ná” văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế nhận định là một trong số không nhiều quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời và có truyền thống văn hiến, bản sắc văn hóa độc đáo. Nhưng niềm tự hào chân chính đó chỉ có giá trị khi người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ - với tư cách là người nối tiếp các thế hệ cha ông không đứng ngoài cuộc.
Hãy đam mê hơn nữa, dấn thân hơn nữa vào công cuộc bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã, đang có sức quyến rũ, say lòng bao bạn bè quốc tế.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/gioi-tre-voi-van-hoa-truyen-thong-23839.vov2