Hai đại gia gọi xe Đông Nam Á Gojek, Grab đàm phán sáp nhập: Liệu có tạo thế độc quyền?

26/03/2020 15:08 440

Theo một số nguồn tin, hai ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á Grab và Gojek đang thảo luận về khả năng sáp nhập

Theo Information, lãnh đạo của Grab và Gojek đã có những cuộc gặp gỡ trong hai năm qua, tuy nhiên, các cuộc thảo luận về việc sáp nhập được bàn tới rõ nét trong vài tháng trở lại đây.

Chủ tịch Grab Ming Maa và Giám đốc điều hành Gojek Andre Soelistyo gặp nhau đầu tháng 2 vừa qua. Cả hai bên vẫn còn vướng mắc về mức định giá và tỷ lệ cổ phần của mỗi bên hậu sáp nhập. Gojek mong muốn tỉ lệ ngang bằng 50-50; còn Grab muốn nắm tỷ lệ chi phối.

Trả lời báo giới, người phát ngôn của Gojek cho biết “không có bất kỳ kế hoạch sáp nhập nào”. Trong khi đó, Grab từ chối bình luận về thông tin trên.

Tạp chí Tech in Asia ước tính: Hậu sáp nhập, có thể tạo ra 16,7 tỷ USD doanh thu hàng năm và được định giá 72 tỷ USD vào năm 2025,  giúp gia tăng triển vọng IPO (chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu).

Tuy nhiên, nếu sáp nhập, Đông Nam Á chỉ còn lại một cái tên duy nhất chi phối thị trường gọi xe. Điều này có thể sẽ vấp phải sự phản đối của các nhà chức trách và khi đó sẽ phải trải qua các cuộc điều tra về chống độc quyền. Tương tự như vụ việc Uber bán lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab vào năm 2018.

Vào thời điểm đó, người dân bày tỏ lo lắng: “Người đi xe nói chung, trong đó có tôi, tất nhiên, cảm thấy lo lắng bởi vì như vậy là chỉ còn một người chơi trên thị trường gọi xe.Phản ứng đầu tiên của người dân sẽ là “Chúa ơi, vậy giá cước sẽ tăng lên! Và sẽ không có các chương trình khuyến mại giảm giá nào nữa”. Còn lái xe thì băn khoăn không biết là thu nhập sẽ tăng lên hay giảm đi nữa”.

Sau thương vụ nói trên, Philippines phạt 16 triệu peso, tương đương 297.000 USD (khoảng 6,8 tỷ VNĐ) với Grab và Uber. Đây là mức phạt nhỏ hơn rất nhiều so với mức phạt Singapore đưa ra là 9,5 triệu USD (221.3 tỷ đồng) với lý do sau khi Grab thâu tóm Uber, mức độ cạnh tranh trên thị trường gọi xe tại Singapore giảm đi rõ rệt.

Các chuyên gia nhận định việc sáp nhập sẽ làm “biến đổi” thị trường gọi xe và giao đồ ăn của Đông Nam Á

Cả Grab và Gojek đang tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ cho khuyến mãi, thu hút tài xế và người dùng. Ông Asad Hussain, nhà phân tích tại PitchBook, một đơn vị cung cấp dữ liệu, nhận định: “Cả Grab và Gojek mắc kẹt trong cuộc chiến giá cả để giành giật người dùng mới, điều này khiến cả hai phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư về việc làm thế nào để có lợi nhuận”.

Ông Hussain nghĩ rằng việc sáp nhập sẽ làm “biến đổi” thị trường gọi xe và giao đồ ăn của Đông Nam Á, cho ra đời doanh nghiệp gọi xe lớn thứ ba thứ ba thế giới, chỉ sau Uber và Didi Chuxing.

Mặc dù các công ty này hiện không cạnh tranh trực tiếp với Uber nhưng thương vụ sáp nhập Grab-Gojek có khả năng tạo ra một đối thủ toàn cầu đáng gờm trong tương lai với Uber khi nó tìm cách mở rộng thị trường ra ngoài Đông Nam Á, hướng tới các thị trường cốt lõi của Uber.

Hiện cả Grab và Gojek đều là những công ty công nghệ siêu kỳ lân tại Đông Nam Á được định giá hơn 10 tỷ USD. Danh sách nhà đầu tư của cả hai lên tới hàng chục cái tên bao gồm những ông lớn như SoftBank, Microsoft, Toyota, Honda phía Grab hay Google, Temasek, Mitsubishi, Samsung phía Gojek. Duy nhất Visa là nhà đầu tư của cả hai.

Một số nhà đầu tư của Grab và Gojek được cho rằng cũng cởi mở với thương vụ sáp nhập.

Từ lĩnh vực gọi xe ban đầu, hiện Grab và Gojek đều trở thành những siêu ứng dụng tại Đông Nam Á, cung cấp thêm nhiều dịch vụ như giao nhận, giao đồ ăn, thanh toán điện tử.

việc sáp nhập sẽ làm “biến đổi” thị trường gọi xe và giao đồ ăn của Đông Nam Á

Hiện Grab và Gojek đều trở thành những siêu ứng dụng tại Đông Nam Á, cung cấp thêm nhiều dịch vụ như giao nhận, giao đồ ăn, thanh toán điện tử

Liên quan đến thông tin về khả năng sáp nhập của Grab và Gojek, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ quan điểm:  “Việc một số hãng taxi công nghệ như Grab, Gojek sáp nhập không nên cho rằng nhằm mục đích tạo thế độc quyền bởi; vì nếu chúng ta coi thị trường taxi là tổng thể của nhiều hãng taxi cạnh tranh mà không phân biệt là taxi công nghệ hay taxi truyền thống thì rõ ràng đây là một thị trường cạnh tranh khốc liệt với nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường taxi. Và chắc chắn tới đây sẽ còn thêm nhiều doanh nghiệp như vậy nữa. Do đó, việc sáp nhập không vi phạm các quy định liên quan đến cạnh tranh và chống độc quyền ở Việt Nam hiện nay”.

Mới đây, Bộ GTVT quyết định dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Grab, Go-Viet, FastGo…) để thực hiện theo Nghị định số 10/2020, có hiệu lực từ ngày 1/4 tới đây.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng về cơ bản Nghị định 10 sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc hiện tại cho các hãng taxi công nghệ, thông qua đó có tác động tích cực đến người tiêu dùng.