Nâng tuổi lái xe, nhưng phải kiểm tra y tế chặt chẽ

04/06/2020 09:25 450

Kinh nghiệm sau hàng chục năm lái xe, các tài xế cao tuổi thường nắm rất rõ luật giao thông cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện

Kinh nghiệm sau hàng chục năm lái xe, các tài xế cao tuổi thường nắm rất rõ luật giao thông cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, ở tuổi xế chiều sức khỏe của những lái xe này có đáp ứng được yêu cầu an toàn khi tham gia giao thông.

Dân số già hóa nhanh dẫn đến việc ngày càng nhiều tài xế cao tuổi lái xe trên đường

Mỗi buổi sáng, Puran Advani đều lái xe đi gặp bạn bè chơi tennis, sau đó trở về nhà thay quần áo rồi lại tự lái xe đi làm. Doanh nhân 71 tuổi này cho hay, có bằng lái từ năm 17 tuổi và hiện vẫn rất thoải mái mỗi khi ngồi sau vô lăng.

Giống như những người trên 65 tuổi khác tại Singapore, Advani phải trải qua kiểm tra y tế bắt buộc để đánh giá có đủ sức khỏe tiếp tục lái xe hay không. Những cuộc kiểm tra như vậy được lặp lại 3 năm một lần.

Puran Advani cho biết: “Các bác sĩ kiểm tra thị lực, mẫu máu của tôi và thấy rằng chúng vẫn ổn. Nhưng tôi biết một số người phải dừng lái xe vì gặp vấn đề về mắt và thính giác”

Dân số già hóa nhanh dẫn đến việc ngày càng nhiều tài xế cao tuổi lái xe trên đường. Thống kê của cảnh sát giao thông Singapore cho thấy, năm 2014, có khoảng 234.000 người trên 65 tuổi sở hữu giấy phép lái xe. Cuối năm 2020, con số này dự báo lên đến nửa triệu người.

Theo các chuyên gia, ở độ tuổi trên 65, sức khỏe của hầu hết mọi người đều kém đi và việc lái xe trở nên khó khăn hơn. Do đó, câu hỏi đặt ra, liệu các tài xế cao tuổi lái xe có an toàn, đặc biệt khi điều khiển những phương tiện hạng nặng như xe tải hay xe buýt công cộng.

Bác sĩ lão khoa Carol Tan, Chủ tịch Trung tâm chăm sóc sức khỏe Good Life chia sẻ, có một thực tế, tuổi càng cao phản xạ sẽ càng chậm. Thị lực, thính giác giảm sút cũng khiến khả năng điều khiển xe gặp nhiều hạn chế. Một số tài xế cao tuổi thậm chí không thể nghe được tiếng còi xe trên đường.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, tài xế có thâm niên càng cao, lái xe càng an toàn. Bên cạnh đó, sự điềm đạm khi xử lý các tình huống giao thông cũng là thế mạnh của những lái xe cao tuổi.

Tài xế Lim Yew Huat, 65 tuổi, người có 41 năm gắn bó với hãng vận tải SBS

Bằng chứng cho thấy, từ nhiều năm nay, đơn vị điều hành xe buýt lớn nhất Singapore SMRT luôn khuyến khích tài xế tiếp tục cộng tác sau khi nghỉ hưu ở tuổi 62. Nếu muốn, họ thậm chí có thể làm việc tới năm 69 tuổi, vẫn hưởng lương và chế độ phúc lợi tương đương các đồng nghiệp trẻ hơn.

Đại điện SMRT cho hay, điều này cho phép các nhân viên kỳ cựu tiếp tục ‘đóng góp ý nghĩa’ cho ngành giao thông công cộng.

Ông Walter Theseira, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học SIM cho rằng, giải pháp của SMRT là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh ngành giao thông công cộng đang khủng hoảng trầm trọng về nhân sự: “Độ tuổi các tài xế xe buýt đang có xu hướng ngày càng tăng bởi những người trẻ dường như không hứng thú với công việc này”

Theo ông Theseira, do đặc thù công việc, ở thời điểm hiện tại, rất khó có thể tuyển dụng lái xe buýt nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc để các tài xế vẫn đủ sức khỏe nghỉ hưu là vô cùng lãng phí.

Đồng quan điểm trên, Lim Yew Huat, 65 tuổi, người có 41 năm gắn bó với hãng vận tải SBS cho hay, mình vẫn hoàn toàn khỏe mạnh để đảm đương công việc. Tài xế này khẳng định sẽ tiếp tục lái xe cho tới năm 69 tuổi, thậm chí hơn nếu công ty yêu cầu.

Còn tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, những người từ 27 tuổi mới được cấp GPLX trên 30 chỗ ngồi (hạng E) và đến 55 tuổi không được hành nghề với GPLX hạng này nữa. Theo đó, tuổi lao động của bằng hạng E chỉ kéo dài 28 năm, thấp hơn nhiều so với các hạng GPLX khác (được hành nghề trong khoảng từ 18 - 60 tuổi).

Mới đây, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đề xuất nâng tuổi lái xe hạng E lên đến 60, với lý do người càng có thâm niên cao lái càng an toàn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội cho biết, hàng năm đơn vị buộc phải cho những lái xe hạng E đến tuổi 55 nghỉ làm theo quy định. Tuy nhiên, thực tế khi đi kiểm tra, sức khỏe nhiều lái xe vẫn rất tốt, việc họ phải nghỉ rất lãng phí.

Theo dự luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT có quy định điều chỉnh tăng tuổi lao động của lái xe trên 30 chỗ ngồi (bằng E). Theo đó, tài xế lái xe hạng này sẽ được tăng tuổi lao động tối đa lên 62.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, trong bối cảnh độ tuổi lao động Việt Nam đang tăng lên thì việc tăng tuổi tối đa là phù hợp. Điều này giúp các doanh nghiệp vận tải tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm.

Theo quy định hiện nay, người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe. Tài xế phải được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần, riêng người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

https://vovgiaothong.vn/nang-tuoi-lai-xe-nhung-phai-kiem-tra-y-te-chat-che - Nguồn vov.vn