Taxi truyền thống đang tự thay đổi để thích ứng với xu thế mới thế nào?
Một số hãng taxi truyền thống buộc phải tự thay đổi trước sự cạnh tranh của các ứng dụng gọi xe
Từ khi Uber và Grab xuất hiện tại Việt Nam đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất mạnh mẽ đến các hãng taxi truyền thống. Do vậy, một số hãng taxi truyền thống buộc phải tự thay đổi, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách hàng.
Đầu tháng 11/2017, 3 hãng taxi Ba Sao, Sao Hà Nội và taxi Thành Công đã tiến hành hợp nhất và lấy tên chung là taxi G7. Sau khi sáp nhập, số lượng taxi của G7 lên đến hơn 3.000 xe, trở thành đơn vị có số đầu xe lớn nhất tại Hà Nội vào thời điểm đó. Điều này đã đem lại hiệu quả đáng kể trong việc tăng độ bao phủ của phương tiện nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của hành khách.
Nhờ gia tăng số lượng phương tiện, số cuộc gọi, kết nối của khách đã tăng 20 đến 30% so với trước. Do giảm được chi phí quản lý, điều hành nên giá cước rẻ hơn thị trường.
Về điều này, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc hãng taxi G7 cho biết: "G7 taxi không đặt mục tiêu cạnh tranh với một đối thủ nào hết, chúng tôi hướng đến một thị phần lớn, đặc biệt là cho người dân cảm nhận được chất lượng dịch vụ, về phương tiện, về người lái, đặc biệt là về giá thành. Cái đấy là cái bền vững, còn hôm nay có đơn vị này, ngày mai có đơn vị kia thì việc đấy là hoàn toàn bình thường ở cơ chế thị trường như hiện nay".
Sau thành công của taxi G7, Liên minh taxi Việt cũng được ra đời trên cơ sở hợp nhất của 17 đơn vị với khoảng 12.000 đầu xe, lớn nhất cả nước. Tất cả các hãng gia nhập Liên minh taxi Việt đều được cam kết 2 nội dung: Khách hàng sẽ được kết nối đến với lái xe trong vòng từ 1 đến 2 phút và không tăng giá cước trong giờ cao điểm.
Cùng với việc hợp nhất để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp taxi cũng xây dựng những app riêng để đặt xe, tạo thêm một kênh kết nối khác cho khách hàng. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, ngay cả đơn vị nhỏ nhất của Hiệp hội như taxi Phù Đổng cũng có ứng dụng đặt xe. Đây cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp taxi truyền thống phải đổi mới chính mình: "Khách hàng khi tải phần mềm taxi Hà Nội thì nó sẽ hiển thị tất cả các doanh nghiệp đang có, đang hoạt động trên một cung đường, các phương tiện, loại xe đang đỗ, kể cả về giá thành, đó là cố gắng, quyết tâm, bởi vì tất cả những gì thuộc về công nghệ được đưa vào vì chủ trương giảm thiểu tối đa các chi phí cho doanh nghiệp".
Đầu tháng 11/2017, 3 hãng taxi Ba Sao, Sao Hà Nội và taxi Thành Công đã tiến hành hợp nhất và lấy tên chung là taxi G7
Thậm chí, có đơn vị chọn việc hợp tác với Grab để tiếp tục phát triển. Từ gần 3 năm nay, 500 taxi của hang taxi Nguyên Minh (Hà Nội) luôn kết nối với phần mềm Grab trong hoạt động kinh doanh của mình.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, giám đốc hãng taxi Nguyên Minh, khi hợp tác với Grab, họ phải nâng cao chất lượng xe, nâng cao chất lượng phục vụ: "Tôi rất hài lòng về vấn đề áp dụng tiêu chí về công nghệ trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là đối với taxi. Nó giúp ích cho chính đơn vị quản lý, giúp ích cho tài xế gia tăng lượng khách hàng, không bị km rỗng, hạn chế được rủi ro TNGT, tăng việc minh bạch, rõ ràng, tạo sự uy tín cho khách hàng".
Còn tại TP. HCM, một số hãng taxi cũng tự đổi mới để cạnh tranh, thay vì trả lương theo doanh số như trước bằng hình thức khoán xe. Với một số tiền nhất định phải nộp cho hãng giống như thuê xe, tài xế có thể chủ động về giá, tạo sự cạnh tranh về giá so với Grab. Điều này tạo tâm lý khá thoải mái cho các tài xế: "Chẳng hạn như là cung đường người ta nói người ta đi bằng giá Grab thì mình chấp nhận đi và bù lỗ thì cũng bằng giá Grab".
Còn đối với doanh nghiệp, ngoài thay đổi chính sách khoán xe với tài xế, bản thân bộ máy quản lý cũng được tinh gọn để giảm giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, giám đốc hang taxi Vinasun cho biết: "Thay đổi nhiều lắm, về bộ máy tổ chức của chúng tôi cũng có nhiều thay đổi, hiệu quả hơn, gọn nhẹ hơn. Rồi dịch vụ chúng tôi cũng có sự thay đổi, thêm tính năng báo giá trước cho khách hàng. Chúng tôi còn hơn họ ở chỗ là dùng facebook để gọi xe được. Chúng tôi có nhiều cái khác để tiếp tục phát triển.
Như vậy, với áp lực của taxi công nghệ, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã phải đầu tư công nghệ, tự đổi mới cả về bộ máy quản lý, chất lượng dịch vụ, giá cước… Điều này đem lại lợi ích cho chính các doanh nghiệp vận tải, qua đó người tiêu dùng cũng được hưởng lợi về chất lượng và giá cả dịch vụ".
Có thể bạn thích
-
Chuyện về chiếc chìa khóa vạn năng
-
Việt Nam - đối tác song phương lớn và đối tác quan trọng của EU trong ASEAN
-
Chú ong thợ can đảm trong truyện "Con đường hẹp" của nhà văn Võ Quảng
-
Dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh tại bang Victoria (Australia)
-
Cảnh báo mức độ nguy hiểm của biến thể mới virus Sars-Cov-2