Hệ thống cao tốc phía Nam: Đã ít quy hoạch lại thiếu tầm nhìn 

29/08/2019 02:36 180

Tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường từ Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ về TP.HCM vào dịp lễ tết cho thấy việc phát triển cơ sở hạ tầng bộc lộ nhiều yếu kém .

Tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ chính và đường cao tốc, kết nối từ các tỉnh thành Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ về Tp.HCM trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi vào những dịp lễ tết. Không chỉ thế, ùn tắc giao thông còn ảnh hưởng đến việc giao thương, kêu gọi đầu tư tại nhiều địa phương, do hạ tầng giao thông không có tính kết nối, thuận tiện.

Điều này cho thấy, việc phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ các tỉnh thành phía Nam thời gian qua còn bộc lộ nhiều yếu kém và chưa tương xứng với tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm.

"Trong này thì quá thiếu đường cao tốc, kẹt xe trầm trọng luôn. Ngoài Bắc tất cả đường tránh đều có cao tốc. Đường vào thành phố thì bắt buộc có cao tốc hết thì tốt. Để người ta hạn chế xe vào đường cao tốc".

"Quá thiếu luôn, giờ đường xá thì nhỏ, xe thì đông, lên cao tốc giờ thì chạy rất chậm, lúc mà kẹt xe là đâu có chạy được nữa. Nhà nước mình mà có kinh phí làm cao tốc thì tốt hơn. Mọi người đi lại thì được rút ngắn thời gian hơn".

"Tất nhiên làm đường tránh đường cao tốc thì phát triển hơn. Thứ nhất là thông thương, cực kỳ thông thương luôn. Như các tỉnh ngoài Bắc phát triển là vì thứ nhất người ta cho tất cả các dòng xe đi ngoài không vào thành phố, nên thông thương rất là thông thoáng, xe cộ đi thoải mái. Tất nhiên nó sẽ kéo về một lượng lớn hàng hóa hay là bất cứ một cái gì".

Khu vực Tp.HCM vàcác tỉnh phía Nam có khoảng 5 dự án đường cao tốc đang được quy hoạch và triển khai. Nếu các dự án sớm được hoàn thành theo tiến độ thì việc đầu tư vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có điều kiện phát triển tăng tốc.

Kỳ vọng là thế, song tính đến nay, toàn vùng chỉ có hai tuyến cao tốc là cao tốc Tp.HCM – Trung Lương và cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây không đủ sức để gánh hết toàn bộ lưu lượng giao thông cho cả khu vực. Trong đó, Tp.HCM đóng vai trò đặc biệt trong việc kết nối thương mại, dịch vụ, kinh tế cho khu vực và cả nước.

Nhưng nhiều dự án đường cao tốc còn vướng nhiều khó khăn, chậm phát triển hơn các tỉnh thành phía Bắc. Có dự án dù đã được khởi công cách đây tròn 10 năm nhưng vẫn loay hoay trong việc giải phóng mặt bằng.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – trường đại học Fulbright nhận định, Tp.HCM tuy là đô thị đặc biệt của cả nước nhưng quy hoạch vùng về kinh tế, giao thông, đặc biệt là việc phân bổ ngân sách chưa phù hợp, còn thấp so với những đóng góp kinh tế thành phố mang lại cho cả nước.

"Do chính sách phân bổ không hợp lý thôi. Các đường cao tốc là do trung ương xây hết. Trong khi đó vùng trong Tp.HCM là vùng độc lập phát triển lớn nhất cả nước. Nhưng mà rõ ràng Tp.HCM được giữ lại rất ít nguồn lực để phát triển. Và những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng cho cả vùng thì cũng rất là nhỏ giọt. Cụ thể nhất là đường cao tốc cả nước hơn 800 cây số thì cả khu vực thành phố chỉ có 100 cây, đó là thực tế".

Có thể thấy, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, nhất là dự án đường cao tốc ì ạch hiện nay đã làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh kinh tế không chỉ của Tp.HCM mà cho cả khu vực phía Nam. Trong khi, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tất cả cửa ngõ đều thông thoáng, do hệ thống các tuyến cao tốc, đường vành đai phát triển. Còn ở Tp.HCM và các tỉnh Phía Nam thực tế chưa có đường vành đai nào được hoàn thành trọn vẹn.

Ông Mai Mạnh Hồng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhận định:

"Dự án có rất nhiều khó khăn vướng mắc nhưng mà tôi cho rằng đó chính là sự quyết tâm và sự vào cuộc của các bộ ban ngành, địa phương và các bên liên quan. Đó là trở ngại lớn nhất. Nếu như các bên làm với quyết tâm và thực hiện đúng như chỉ đạo của chính phủ thì dự án sẽ khởi định năm 2020 đúng như chỉ đạo".

Trong bối cảnh nhiều địa phương đang kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế thì việc sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay là hết sức cần thiết.

Ít quy hoạch lại thiếu tầm nhìn (Bình luận của nhà báo Bùi Trọng Điển)

Hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là hệ thống đường cao tốc có vai trò kích thích phát triển nền kinh tế. Vì vậy, những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ ở các tỉnh phía Nam được quan tâm đầu tư, cải tạo.

Tuy nhiên, nhiều tuyến đường ở khu vực này vẫn quá tải do lượng xe lưu thông đã tăng gấp nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề giao thông lẫn sự phát triển kinh tế cho cả khu vực.

Nguyên nhân của thực trạng này do đâu? 

Khu vực phía Nam bao gồm các tỉnh, thành miền Đông và miền Tây Nam bộ là vùng kinh tế năng động bậc nhất của cả nước. Chỉ riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm 8 tỉnh, thành phố hiện chiếm hơn 45% GDP cả nước và đóng góp tới 42% ngân sách quốc gia.

Thế nhưng, nhiều năm qua, có thể khẳng định đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở khu vực Nam bộ có dấu hiệu “lệch pha”, trong đó đặc biệt là đường cao tốc. Nếu như cả nước hiện có hơn 800 km đường cao tốc thì khu vực phía nam chỉ có chưa đầy 100 km.

Hiện cả khu vực mới chỉ có 02 tuyến cao tốc là TP Hồ Chí Minh- Trung Lương và TP Hồ Chí Minh- Long Thành- Giầu Dây đi vào hoạt động. Các tuyến Long Thành- Bến Lức vẫn còn dang dở; phấn đấu đến hết năm 2021 mới được đưa vào sử dụng. Riêng tuyến Trung Lương- Mỹ Thuận sau nhiều năm ì ạch, dậm chân tại chỗ mới được khởi động trở lại. Đó là chưa kể hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường kết nối với cao tốc vẫn rất chậm, nhiều nơi chưa được hình thành, mở rộng;  nhiều tuyến đã có nhưng nhỏ hẹp, xuống cấp. Các cây cầu, bến cảng cũng lâm cảnh tương tự.

Điều đáng nói là tuyến Cao tốc Long Thành- Giầu Dây đi vào hoạt động chưa lâu nhưng luôn trong tình trạng quá tải, ùn ứ nhất là vào các dịp lễ, tết. Tuyến Trung Lương- Mỹ Thuận từ khi xả trạm đến nay trở thành đường hỗn hợp cũng liên tục bị tắc nghẽn.

Rõ ràng trách nhiệm trước tiên thuộc về Bộ Giao thông vận tải trong việc hoạch định chiến lược cho phát triển đường cao tốc cho các tỉnh phía Nam hiện là ít và thiếu tầm nhìn. Trong khi kinh tế ở khu vực phía Nam phát triển vô cùng năng động thì việc đến thời điểm này mới có 02 tuyến đường cao tốc đi vào hoạt động là quá ít; tình trạng xe chờ đường là có thật và điểm nghẽn về giao thông ở đây ngày càng trở nên trầm trọng.

Hiện nay, ở khu vực phía Nam, Bộ Giao thông vận tải cùng với các địa phương đã đưa vào quy hoạch khoảng 10 tuyến cao tốc , trong đó có 8 tuyến kết nối trực tiếp với TP Hồ Chí Minh. Do vậy để khắc phục các vấn đề tồn tại trong phát triển đường cao tốc ở khu vực phía Nam thời gian tới rất cần sự vào cuộc thực sự quyết liệt và cầu thị của các bên.

Theo đó, các bộ, ngành trung ương cần tập trung tối đa nguồn lực tài chính, trong đó có việc bố kinh phí phù hợp với mức đóng góp ngân sách của các địa phương để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc cho từng địa phương và cả vùng.

Thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xử lý nghiêm nếu để xảy ra trường hợp rườm rà, sách nhiễu khiến doanh nghiệp đầu tư BOT cao tốc phải ”bay ra, bay vào” nhiều lần để thực hiện theo kiểu “xin, cho”.

Các địa phương cần bố trí ngân sách, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; nhất là hỗ trợ các bộ, ngành, doanh nghiệp trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công. Thực hiện cam kết bảo vệ các nhà đầu tư chân chính, đàng hoàng.

Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc phát triển đường cao tốc để bỏ vốn đầu tư một cách minh bạch, tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở hài hòa các lợi ích. Đối với các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế cũng phải được thông tin đầy đủ về tính chất của từng dự án một cách công khai, minh bạch; để từ đó sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác khi xây dựng các tuyến cao tốc cũng như quá trình khai thác và sử dụng dịch vụ từ các tuyến cao tốc này. 

Rõ ràng đã đến lúc nút thắt, điểm nghẽn về giao thông, trong đó có đường cao tốc ở khu vực phía Nam phải được nhận diện đầy đủ và các bên cần có những hành động thực chất thay vì chỉ than khó.