Đô thị vệ tinh của Hà Nội đang ở đâu (Bài 2): Cần làm gì để tháo gỡ khó khăn?
Đến bao giờ những đô thị vệ tinh mới được xây dựng? Thành phố Hà Nội cần làm gì để tháo gỡ khó khăn cho người dân đang sống trong những vùng quy hoạch?
Quy hoạch đô thị vệ tinh của Hà Nội:
Không được phép xây dựng các công trình, nhà cửa; không được chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang làm ăn lớn; không được thế chấp tài sản để vay vốn làm ăn; không được đào tạo nghề cho lao động nông thôn... là thực trạng đang diễn ra tại những nơi được quy hoạch là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.
Cái mác đô thị đang làm cho đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Những câu hỏi đang được đặt ra là:
"Không biết dự án đó bao giờ mới tiến triển? Đô thị vệ tinh thì tôi chẳng biết mở ở vùng nào và ở vị trí đất nào?"
"Lấy đất từ đâu đến đâu, người dân chúng tôi mong muốn được biết là lấy chỗ nào, còn lại những khu nào để chúng tôi có kế hoạch chuyển đổi cây trồng?".
"Tâm tư của bà con là chấp hành quy hoạch của Nhà nước. Đề nghị Nhà nước có lịch trình cụ thể là 5 năm thu hồi đất hay 7 năm hay 10 năm để người dân biết hướng phát triển sản xuất cho ổn định"..
Về những câu hỏi của người dân, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: Để cụ thể hóa các quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt 4 quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai lập 25 đồ án quy hoạch phân khu tại Sóc Sơn (6 khu), Xuân Mai (3 khu), Phú Xuyên (3 khu) và Sơn Tây (9 khu). Các đồ án này dự kiến sẽ trình duyệt trong giai đoạn 2019-2020.
Do nhiều yếu tố, nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là thiếu nguồn lực phát triển nên việc đầu tư xây dựng và phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều hạn chế. Việc phát triển tại các đô thị vệ tinh với tốc độ đô thị hóa chậm sẽ tạo áp lực về dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu trung tâm.
Tuy nhiên, câu hỏi "đến bao giờ thì những quy hoạch này mới được triển khai thực hiện?" thì lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhất định không trả lời. Có thể, lãnh đạo sở này cũng không biết, bởi quy hoạch là một chuyện, còn việc thực hiện thì lại là vấn đề khác!?.
Trên thực tế, các đô thị vệ tinh của Hà Nội sau 10 năm được quy hoạch, hiện đang nằm ở trong 1 tủ đựng hồ sơ của một sở nào đó. Ở phía Bắc, đô thị Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng cảnh quan núi Sóc, chân núi Tam Đảo.
Tuy nhiên, trung tâm huyện Sóc Sơn đến nay chưa có dấu hiệu hình thành một trục đô thị sầm uất. Còn đô thị Xuân Mai ở phía Tây Nam Hà Nội, được kỳ vọng là khu dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp... Tuy nhiên dấu hiệu chuyển động 10 năm qua là rất nhỏ.
Xây dựng mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tại Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (Hà Nội)
Theo quy hoạch, Đô thị Phú Xuyên có diện tích khoảng 3.982 ha, quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 94.500 người, đến năm 2030 khoảng 127.000 người. Đây sẽ là nơi phát triển công nghiệp, trung chuyển hàng hóa, xây dựng các cụm công nghiệp để di dời nhà máy từ nội đô, hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng.
Quy hoạch cũng tạo ra mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt quan trọng nhằm kết nối các khu vực lân cận với Phú Xuyên. Tuy nhiên, đến nay chỉ được xây dựng một ngôi nhà điều hành và biến thành bãi của các loại xe tải chở hàng, là nơi tập kết vật liệu và gạch đá ngổn ngang.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên nêu ý kiến: "Chúng ta phải tập trung trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch. Tôi mong muốn rằng, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên sớm được thành phố triển khai thực hiện phê duyệt quy hoạch chi tiết. Sau khi có quy hoạch chi tiết thì chúng ta mới thực hiện được các nhiệm vụ phát triển, kinh tế-xã hội của địa phương. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch thì chúng ta sẽ phát triển được kinh tế và đời sống của người dân mới được nâng lên".
Theo Tiến Sỹ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, từ quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, việc triển khai thành các quy hoạch chi tiết của Hà Nội còn lúng túng, vì vậy không thu hút được đầu tư. Tác động lớn nhất là đô thị vệ tinh của Hà Nội có tính chất độc lập tương đối. Mỗi đô thị vệ tinh có một chức năng của trung tâm thành phố Hà Nội. Hiện nay, tại vùng được quy hoạch các đô thị vệ tinh mới có hơn 400.000 dân. Nếu hoàn tất được các chức năng của đô thị như đã đặt ra thì chúng ta sẽ giải quyết được 1,4 triệu dân cho nội thành Hà Nội. Các đô thị vệ tinh này cũng tạo ra quỹ đất lớn phục vụ cho việc khởi nghiệp của Hà Nội nói riêng và của quốc gia nói chung.
Trước đây, chúng ta đã thất bại 1 lần về quy hoạch đô thị vệ tinh từ những năm 1970 của thế kỷ trước, nhưng nay mọi điều kiện đều nằm trong quyền quản lý của Thủ đô, vì vậy, việc chậm triển khai do đâu? Vấn đề chính là cần xem xét công tác quản lý điều hành thực hiện xây dựng theo quy hoạch. Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nên có một cơ quan chỉ đạo đặc thù ở các đô thị vệ tinh đã được xác định ranh giới để thực hiện đồng bộ quy hoạch ngay từ bước đi đầu tiên, không nên để đô thị vệ tinh trực thuộc các huyện. Bên cạnh đó, cần công bố rộng rãi các đô thị vệ tinh để tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
"Phải có mục tiêu rõ ràng, khu vực này để làm gì? Ví dụ như chúng ta đang kêu gọi ẩm thực, nông nghiệp sạch, đang mắc ở khâu chế biến, nhưng chế biến ở đâu? Không phải là chế biến nhỏ lẻ ở từng xã ngoại thành nữa, mà chúng ta sẽ tập trung tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Hoặc là di dời các trường Đại học đi đâu, Sóc Sơn chúng ta có một khu, Xuân Mai chúng ta dành 1 khu, chưa kể khu Đại học Quốc gia cần điều chỉnh, như vậy thì các trường người ta sẽ thấy", Tiến Sỹ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết.
Để tạo động lực cho đô thị vệ tinh phát triển, thành phố Hà Nội cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và giữa đô thị vệ tinh với các khu vực dân cư xung quanh. Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các đô thị vệ tinh, bao gồm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Hà Nội cần nỗ lực liên tục xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm cung cấp các thông tin về chủ đề quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh; có cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh trên địa bàn.
Trước mắt, thành phố cần áp dụng những biện pháp linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho người dân đang sinh sống trong vùng quy hoạch đô thị vệ tinh, những người đã và đang chịu tác động trực tiếp từ việc chậm triển khai xây dựng theo quy hoạch đô thị vệ tinh của Thủ đô.
Có thể bạn thích
-
Nghệ thuật quân sự của chiến dịch Hòa Bình
-
Vụ tai nạn thảm khốc làm 15 người chết: Tài xế không đủ điều kiện điều khiển xe khách 45 chỗ ngồi (26/7/2020)
-
Bốn điều ước diệu kỳ
-
Truyện ngắn "Đỉnh khói": Bi kịch của người phụ nữ vì chiến tranh
-
Trung Quốc cam kết hợp tác an ninh với Kazakhstan