Kẽ hở để lọt phi công sử dụng ‘bằng giả’

06/07/2020 15:07 569

Mới đây, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Pakistan cho biết 30% số phi công tại nước này không có đủ khả năng lái máy bay

Điều này đã dấy lên sự lo ngại về an toàn bay với những hãng hàng không, quốc gia đang sử dụng phi công Pakistan, trong đó có Việt Nam.

Pakistan điều tra hình sự về gian lận bằng lái máy bay. Ảnh: Maza Inside

Những người mê điện ảnh hay fan hâm mộ của Leonardo Dicaprio đều không lạ lẫm gì với bộ phim “Catch me if you can” (Tạm dịch: Hãy bắt tôi nếu có thể) do tài tử này thủ vai chính. Bộ phim được dựa trên câu chuyện có thật về Frank Abagnale, một trong những siêu lừa đảo khét tiếng nước Mỹ.  Vào thập niên 50-60 của thế kỷ 20, khi hệ thống lưu trữ dữ liệu còn thô sơ, thiếu nhất quán, Frank đã dễ dàng tận dụng những lỗ hổng trong ngành hàng không và ngân hàng, từ đó làm giả giấy phép hành nghề phi công để bay hơn 1.6 triệu km, đến hơn 26 quốc gia khác nhau trên 250 chuyến bay trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên, có lẽ Frank Abagnale cũng phải bất ngờ với hàng không Pakistan khi mới đây, có tới 262 trên tổng số 860 phi công thuê người thi hộ, đồng nghĩa với việc họ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn hành nghề.

Ông Richard Quest, chuyên gia hàng không của đài CNN chia sẻ: “Chúng ta từng gặp trường hợp phi công hành nghề hàng chục năm với tấm bằng quá hạn, nhưng điều tra sau đó cho thấy đó là một phi công thực sự giỏi, ông ta chỉ gặp một số vấn đề về giấy tờ. Nhưng vụ việc này hoàn toàn khác, đây có thể gọi là lừa đảo, là lỗ hổng trong ngành hàng không khi những người không có năng lực vẫn đang nhởn nhơ hành nghề.”

Hiện nay, bên cạnh việc tuyển dụng nghiêm ngặt, các hãng hàng không trên thế giới thường tuyển dụng các phi công quân sự nghỉ hưu hay đầu tư vào các chương trình tuyển dụng, thậm chí thành lập các trung tâm đào riêng cũng như trợ cấp chi phí đào tạo cho các học viên phi công.

Nhưng theo David Soucie, chuyên gia an toàn hàng không, thì những phi công “giả” người Pakistan vẫn tham gia các khóa đào tạo, vẫn được tính số giờ huấn luyện; đến kì kiểm tra viết mới thuê người thi hộ.

Lí giải về vấn đề này, ông David cho biết độ khó của kì kiểm tra lý thuyết rất cao. Nhiều người biết chắc sẽ không vượt qua được kì thi, nên chọn phương án “gian lận”.

Thậm chí, theo ông David, vấn đề này có thể tệ hơn rất nhiều: “Vấn đề nghiêm trọng này ở mức hệ thống, bởi cơ quan hàng không dân dụng Pakistan không phát hiện ra một vài cá nhân làm bài thi cho rất nhiều người. Chúng ta đều ngầm hiểu rằng, không ai lại đi thi hộ miễn phí cả. Thậm chí có thể tồn tại cả một đường dây chuyên thi hộ bởi có rất nhiều phi công có liên quan tới vụ việc.”

Pakistan điều tra hình sự về gian lận bằng lái máy bay. (Ảnh: Maza Inside)

Cần siêt chặt công tác đào tạo phi công để tránh xảy ra tiêu cực 

Trong khi vụ việc tại Pakistan vẫn đang trong quá trình điều tra, hãy nhìn lại Ấn Độ vào năm 2011 khi phát hiện ít nhất 14 phi công dùng bằng giả và gian lận trong huấn luyện.

Điều tra cho thấy, các phi công lợi dụng sự thiếu giám sát cũng như phối hợp của Tổng cục Hàng không dân dụng đối với các trung tâm đào tạo để làm bằng giả hoặc gian lận giờ bay. Nhờ đó, một học viên trượt kì thi ở nước ngoài vẫn có thể mang chứng chỉ đào tạo về để hành nghề trong nước, sau khi bỏ ra số tiền khoảng 1 triệu ru-pi (hơn 300 triệu VND). Học viên cũng có thể chi tiền để làm giả số giờ bay huấn luyện. Điều này, giúp họ nhanh chóng vươn tới vị trí cơ phó, hay thậm chí là cơ trưởng. Số tiền này có thể nhanh chóng bù lại chỉ trong vòng 6 tháng tới 1 năm.

Nhưng xét về quy mô, có lẽ vụ việc tại Ấn Độ năm 2011 vẫn còn nhỏ so với vụ việc tại Pakistan mới đây.

Trong khi đó, tại Mỹ, kể từ năm 2013, phi công thương mại cần ít nhất 1.500 giờ huấn luyện thay vì chỉ 250 giờ như trước. Thậm chí, nếu muốn làm việc cho một hãng hàng không lớn, số giờ bay lên tới 3.000 giờ.

Ngoài ra, tất cả các giấy phép có giá trị pháp lý khi phi công vượt qua các đợt kiểm tra thể chất và kiểm tra mắt, các bài thi kỹ năng bay theo yêu cầu của Cục Hàng không Liên bang và hãng hàng không.

Rõ ràng, con đường để trở thành một cơ trưởng đòi hỏi rất nhiều cả về thời gian và công sức. Có thể đó chính là nguyên nhân khiến nhiều học viên chọn “con đường tắt” đầy sai trái.

Trước thông tin về việc hàng không Pakistan phát hiện hơn 262 phi công gian lận trong quá trình đào tạo, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp. Hiện đã có 27 phi công quốc tịch Pakistan bị tạm đình chỉ bay.

Được biết, các hãng hàng không Việt Nam thường ký hợp đồng thuê phi công nước ngoài qua đối tác là các công ty môi giới. Theo hợp đồng, các công ty này phải chịu trách nhiệm xác minh và cung cấp các văn bằng, chứng chỉ của phi công cho các hãng, hãng sẽ xem xét và gửi tới Cục Hàng không. Tuy nhiên, nếu xảy ra gian lận ngay từ khâu thi cử như trường hợp của Pakistan thì rất khó xác định bằng được cấp thật hay giả.

https://vovgiaothong.vn/ke-ho-de-lot-phi-cong-su-dung-%e2%80%98bang-gia%e2%80%99 - Nguồn vov.vn