Cần xác định lái xe sau khi uống rượu bia là tội ác chống lại loài người

16/09/2019 10:26 852

Để thực sự phòng ngừa tai nạn giao thông do rượu bia, điều quan trọng nhất vẫn là tạo nên các rào cản đồng thời về mặt xã hội, văn hóa, đạo đức và pháp lý.

Lập chốt gần quán nhậu xử lý “ma men” lái xe: Giải quyết phần ngọn?

12h30p trưa, tại nút giao Trường Chinh – Lê Trọng Tấn (Hà Nội), các chiến sỹ thuộc tổ công tác của Đội tuyên truyền, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Chốt kiểm tra nằm cách vị trí một quán bia lớn chừng hơn 300 mét. Có chiến sĩ được cắt cử mật phục trước quán nhậu, khi có khách từ quán đi ra sẽ thông báo để lực lượng trong chốt dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn.

Theo ghi nhận của phóng viên VOVGT, chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, tổ công tác đã kiểm tra nồng độ cồn 15 trường hợp. Trong đó 5 trường hợp có nồng độ cồn vượt mức quy định đã bị lập biên bản xử lý. Nhiều trường hợp nồng độ cồn dưới mức xử phạt, đã được lực lượng CSGT nhắc nhở.

- Tổ công tác kiểm tra qua nồng độ cồn, mời anh chấp hành. Anh thổi 1 hơi đều, dài mạch, đến bao giờ tôi bảo dừng lại thì dừng.

- Mình uống có 1 cốc lúc ăn trưa thôi mà, không phải ngồi nhậu nhẹt gì cả,mấy anh em mới học xong khóa đào tạo nên rủ nhau ra ăn rồi đi làm.

- Cảnh sát giao thông bây giờ đã tuyên truyền rất nhiều về đã uống rượu bia là không lái xe, cũng như bây giờ có rất nhiều phong trào nổi lên dán catalo uống rượu bia là không lái xe rồi, thế mà mình vẫn cố đi uống làm gì? Mà đã uống rồi thì bắt taxi về cho an toàn.

Có những trường hợp thừa nhận tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, nhưng tìm mọi cách nài nỉ, câu giờ để không thực hiện thổi máy đo nồng độ cồn.

- Trưa nay em có sử dụng rượu bia gì không?

- Em có dùng nhưng mà dùng ít.

- Nhà nước quy định có mức độ bị xử phạt, không có mức độ thì chưa, nhưng trước tiên em phải chấp hành đã, đến mức độ nào anh sẽ xử lý mức độ đấy, không có độ cồn mời em đi.

- Có thì chắc chắn em có rồi nhưng anh để tí nữa em chấp hành, em là sinh viên chạy Grab thôi mà…

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Văn Tiến, tổ trưởng tổ công tác Đội tuyên truyền Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, trong các trường hợp bị xử lý, có những người say xỉn không còn kiểm soát được hành vi của mình, sử dụng các mối quan hệ, nhờ sự trợ giúp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.

“Chúng tôi đánh giá ý thức của người tham gia giao thông với việc uống bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông đa phần chưa tự giác chấp hành. Khi người ta uống bia rượu, người ta điều khiển phương tiện thì sự tự chủ cũng không được ổn định, nhiều khi người ta bốc đồng và bất chấp mọi vấn đề về pháp luật. Khi kiểm tra chúng tôi cũng phải rất thận trọng, bởi vì đang lưu thông mà dừng một người đã uống bia rượu nếu không có nghiệp vụ và bản lĩnh thì không thể dừng được, sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và thậm trí nguy hiểm cho chính mình”.

CSGT xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn 

Vừa rồi là phản ánh ngắn tại một chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT. Đây là công tác thực hiện theo chỉ đạo của Cục CSGT và Công an TP Hà Nội về việc thay đổi các phương thức tuần tra kiểm soát và cắm chốt trên tuyến, địa bàn có quán bia, rượu, từ đó tăng cường hiệu quả của công tác xử lý vi phạm với hành vi điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép.

Hoạt động này xuất phát từ thực tế các vụ TNGT liên quan đến việc sử dụng rượu bia ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, gây bức xúc xã hội. Theo số liệu của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 29 vụ TNGT liên quan đến người sử dụng rượu bia, làm 13 người chết, bị thương 20 người, so với cùng kỳ năm 2018, đã tăng 16 vụ và 7 người chết.

Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết:

“Để nâng cao hiệu quả trong tuần tra kiểm soát, Phòng CSGT TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạt số 69, về tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa TNGT trên địa bàn thành phố. Trong đó có hành vi vi phạm tập trung xử lý là điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia. Từ ngày 10/5 đến nay, Phòng CSGT đã xử lý 850 trường hợp người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, tạm giữ 850 phương tiện”.

Đại úy Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, lập chốt gần quán nhậu chỉ là biện pháp của lực lượng CSGT để nâng cao hiệu quả xử lý đối với hành vi vi phạm sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không để việc người vi phạm có thể đi quá xa, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện.

Trong khi đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nhận định, việc lập chốt kiểm tra nồng độ cồn gần các quán nhậu chắc chắn sẽ đem lại kết quả, song chỉ mang tính chất cưỡng chế. Các tài xế say xỉn hoàn toàn có thể đối phó với các chốt kiểm tra của CSGT bằng việc xuống dắt xe đi bộ qua chốt, gửi xe xa quán nhậu, hoặc chờ chốt hết giờ trực mới… rời quán nhậu.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, điều quan trọng là phải làm sao để ý thức người tham gia giao thông thay đổi một cách căn bản, thậm chí là đưa vấn đề này vào trong các tiêu chí hành xử cụ thể của đạo đức xã hội.

“Cái đó chỉ có ý nghĩa cụ thể và tích cực trong trường hợp hành khách uống bia rồi tham gia giao thông nhưng không phải là giải pháp triệt để và căn cơ để xóa bỏ hoặc giảm thiểu đến mức cao nhất hành vi tham gia giao thông của những người sử dụng bia rượu. Bởi lẽ những hành vi đó thuộc về chuyện giải quyết từ khâu nhận thức mà tiến tới ý thức, hành xử phù hợp với chuẩn mực, văn minh thay vì cưỡng chế. Các biện pháp truyền thông thay đổi hành vi vẫn chiếm giữ vai trò quyết định hơn cả”.

Ở một khía cạnh khác, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, việc ràng buộc pháp lý đối với các hàng ăn, quán nhậu trong việc đảm bảo thực khách say xỉn không tham gia giao thông cũng hết sức cần thiết, mặc dù thực tế không dễ thực hiện.

“Chính những chủ quán bia, quán rượu, họ cũng phải có trách nhiệm xã hội đối với câu chuyện này, đòi hỏi những sự ràng buộc nhất định đối với các hàng quán bán bia bán rượu cũng có ý nghĩa quan trọng. Như vậy, sẽ có những bản cam kết trên cơ sở thực hiện quy ước giữa các chủ quán bia rượu với các lực lượng chức năng”.

Đồng quan điểm, TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Cơ quan điều phối liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam nêu ý kiến: Bên cạnh việc tạo các chốt kiểm tra như công an đang làm hiện nay thì cần có truyền thông tại chỗ ở các quán, và một điểm nữa là phải gắn với trách nhiệm của người bán hàng.

“Như các nước vẫn làm, tức là anh phải gắn ngay trách nhiệm của người bán hàng là anh phải chịu trách nhiệm giám sát tình trạng uống rượu bia của khách hàng. Nếu khách hàng uống rượu bia thì anh phải có thông báo rõ ràng là không được điều khiển phương tiện giao thông, thứ 2 là mức độ uống. Chẳng hạn như nước ngoài là người ta quy định nồng độ cồn tiêu chuẩn và khi anh đã đạt đến ngưỡng đó rồi thì không bán thêm nữa”.

TS Trần Tuấn nhắc lại thông tin: Rượu bia làm ảnh hưởng tới 13 trên tổng số 17 các tiêu chí phát triển toàn diện con người, và ông hoàn toàn đồng tình với việc Quốc hội đưa thêm nội dung Cấm sử dụng rượu bia khi lái xe vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ 1/1/2020).

“Khi đã có nồng độ rượu bia, chắc chắn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trong vấn đề hành vi điều khiển, không còn được minh mẫn.  Nó không chỉ tác hại cho người uống , mà nó gây nguy cơ cho toàn bộ trên hành trình đi. Nếu xét theo quan điểm góc độ kinh tế, đạo đức, văn hóa hay bất kể cái gì khác thì không có lý do gì có thể đảm bảo rằng là hãy cho phép tôi uống rượu bia ở một mức độ nhất định thì lúc đấy tôi mới không được điều khiển lái xe”.

Rõ ràng, nhận thức của xã hội, của từng cá nhân về tác hại của việc lái xe sau khi uống rượu bia vẫn là giải pháp mang tính gốc rễ và bền vững trong việc kéo giảm TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia.

Việc xử lý người vi phạm chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bên canh đó, rất cần những biện pháp mang tính đồng bộ và toàn diện, như: Hạn chế khả năng tiếp cận rượu bia theo khung giờ, địa điểm, độ tuổi và bằng cả công cụ thuế; những ràng buộc pháp lý với người, đơn vị cung cấp, bán rượu bia…

Cần xác định lái xe sau khi uống rượu bia là tội ác chống lại loài người (Bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Nhiều thực khách, sau khi sử dụng thức uống có cồn vẫn điều khiển xe máy một mình và không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: CAND

Tuần tra, lập chốt gần các quán nhậu chỉ luôn là giải pháp nóng, tạo hiệu ứng tức thời để hạn chế tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Không thể chỉ dựa vào biện pháp này để mong đợi một kết quả khả quan khi mà người dân vẫn luôn có muôn ngàn cách đối phó với những đợt ra quân cao điểm của lực lượng chức năng.

Việc xử lý nghiêm, một cách thường xuyên đối với hành vi uống rượu khi lái xe luôn là điều cần thiết. Nhưng bên cạnh đó, cần có những hình thức bổ sung. Ví dụ như công khai danh tính người vi phạm lên các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc ban hành các quy định về việc kinh doanh ăn uống có bán bia rượu.

Về mặt hành chính, quy định các điều kiện được phép bán rượu bia không khó, nếu như bỏ qua quyền lực của các lợi ích đen. Theo đó, các quán bán bia rượu uống tại chỗ sẽ không được phép bán đến quá khuya.

Những quán này cũng không được bố trí điểm trông, giữ xe, không được phép tổ chức trông, giữ xe. Khi việc tự lái xe đi uống trở nên phiền toái, ý thức của người dân sẽ dần thay đổi bởi sự thúc đẩy nội tâm.

Chỉ khi người dân tự mình thấy bất tiện đối với việc lái xe đi uống rượu, các biện pháp khác mới thực sự có hiệu quả. Khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát các nhóm đối tượng có nguy cơ cao về việc sử dụng rượu bia khi lái xe. Cùng với việc xử lý nghiêm minh, khiến các đối tượng phải trả giá xứng đáng, chắc chắn tình trạng này sẽ giảm một cách rõ rệt.

Xử phạt không bao giờ nên được coi là biện pháp chủ đạo khi mà thói quen uống rượu bất cần biết quy tắc vẫn được người dân duy trì. Để thực sự phòng ngừa tai nạn giao thông do rượu bia, điều quan trọng nhất vẫn là tạo nên các rào cản đồng thời về mặt xã hội, văn hóa, đạo đức và pháp lý.

Chỉ khi người dân coi việc kiểm soát lạm dụng rượu bia là vì lợi ích, và sự tự trọng của bản thân, chỉ khi hành vi uống rượu bia lái xe được coi là hành vi của những kẻ cố tình gây nguy hiểm cho xã hội, thì chúng ta mới có thể nói đến việc chống lạm dụng rượu bia.

Còn khi lạm dụng rượu bia vẫn còn được số đông dân chúng chấp nhận như một văn hóa, không có bất cứ lực lượng nào có thể chống lại được ý chí của đám đông.