Sẵn sàng trả tiền cho “chỗ ngồi” cho hành lý, ký gửi hành lý theo máy bay từ lúc lên tàu

21/02/2020 09:28 855

Nhiều người sẵn sàng trả thêm tiền để hành lý có “chỗ ngồi”.

Lim Kwee Choo, một người dân Singapore chia sẻ: Vài năm trước, khi về hưu, bà bắt đầu sử dụng phương tiện công cộng để tới sân bay Changi, địa điểm khá gần nhà. Theo bà Lim, điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa xe buýt và tàu hỏa ra sân bay ở Singapore và ở HongKong là khu vực để hành lý.

Hiện các tuyến buýt và toa tàu đến sân bay Changi (Singapore) không có khoang hành lý nên valy của hành khách hay bị xô đẩy khi phương tiện di chuyển. Trái lại, trên những chiếc xe buýt hay tàu hỏa ra sân bay ở Hong Kong đều có khoang riêng hoặc giá đỡ hành lý vì thế không xảy ra tình huống trớ trêu này.

Do đó, bà Lim đề xuất Cục Giao thông Đường bộ Singapore nên cải tiến thiết kế của các tuyến xe buýt hay tàu hỏa tiêu chuẩn dành cho những người đi tới sân bay bằng việc bổ sung khu vực để hành lý.

Nhiều người đồng tình với đề xuất này và cho rằng các chuyến tàu hay xe buýt đến và đi từ Sân bay Changi cần phải có điều kiện tốt hơn, để tương xứng với tiêu chuẩn của sân bay Changi, một trong những sân bay tốt nhất thế giới. Thậm chí có người còn cho biết: sẵn sàng trả thêm tiền cho những tiện nghi như giá đỡ hành lý trên xe.

Trong khi đó, tại Hong Kong, để giải quyết bài toán “chỗ ngồi” cho hành lý, ở nhà ga Hong Kong và nhà ga Cửu Long triển khai dịch vụ làm thủ tục hành khách, hành lý ngoài sân bay (in-town check-in), đối với hành khách đi tuyến tàu điện ngầm Airport Express có lộ trình tới sân bay.

Ở nhà ga Hong Kong và nhà ga Cửu Long triển khai dịch vụ làm thủ tục hành khách, hành lý ngoài sân bay (in-town check-in)

Theo đó, hành khách sử dụng dịch vụ Airport Express có thể ký gửi hành lý ngay tại một trong hai nhà ga trên, sau đó đi thẳng đến sân bay, giúp tiết kiệm cả thời gian và sự chờ đợi.

Hành khách JetSet Calvin chia sẻ cảm giác hài lòng với việc không phải mang vác và trông chừng hành lý khi di chuyển trên tàu điện ngầm để ra sân bay ở Hong Kong:

“Tất cả đều sạch bóng, có một chỗ để riêng cho hành lý. Bạn không cần phải kè kè h ành lý bên mình khi ra sân bay. Chúng được chuyển luôn lên đúng chuyến bay của bạn, và bạn chỉ thấy lại hành lý của mình khi về thành phố. Vô cùng tiện lợi”.

Cụ thể, nếu muốn sử dụng dịch vụ “in-town check-in” ở một trong hai nhà ga Hong Kong hoặc Cửu Long, hành khách phải mua vé tuyến Airport Express sau đó làm thủ tục bằng hộ chiếu như ở sân bay. Hiện có khoảng 60 hãng hàng không cung cấp dịch vụ này tại mỗi nhà ga.

Giờ làm việc chung là từ 6 giờ sáng đến nửa đêm, nhưng mỗi hãng hàng không sẽ có giờ mở cửa riêng. Hành khách có thể làm thủ tục ký gửi hành lý muộn nhất là 90 phút trước chuyến bay và sớm nhất là 24 giờ.

Sau đó, hành khách sẽ được cấp thẻ lên máy bay và có thể đi thẳng đến khu vực an ninh khi đi đến sân bay. Thay vì lại phải ký gửi hành lý lại một lần nữa, hành lý sẽ được đưa đến sân bay sau đó chuyển thẳng lên máy bay.

Khoang để hành lý với giá đỡ rất chắc chắn trên tàu điện ngầm Airport Express

Ngoài ra, ở hai bên lối vào của mỗi toa tàu trên tuyến Airport Express cũng bố trí thêm các khoang để hành lý với giá đỡ rất chắc chắn hoặc hành lý cũng có thể được để dưới ghế ngồi.

Nhờ dịch vụ này, Hong Kong không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp giao thông “dễ thở” hơn bởi người dân sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân khi tới sân bay.

Trong khi đó, tại Việt Nam, đầu tháng 6 vừa qua, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đưa vào hoạt động Tuyến buýt số 68 chất lượng cao (Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza Hà Đông - Sân bay Nội Bài). Mỗi xe của tuyến buýt số 68 đều có một khu vực riêng dành cho hành lý có dây chẳng cố định, tránh bị xô đẩy khi xe di chuyển.

Về ưu điểm của tuyến xe buýt mới này, ông Nguyễn Hoàng Hải (Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội) thông tin thêm:

“Ngoài chất lượng dịch vụ ở mức khá cao thì các điểm dừng xe buýt cũng được lựa chọn chủ yếu ở những địa điểm thu hút khách, số điểm dừng cũng ít hơn so với các tuyến buýt thường, do đó, thời gian chuyến đi được rút ngắn, vận chuyển hành khách gần như trực tiếp đến sân bay.  Thứ hai là tạo điều kiện cho những hành khách mang hành lý cồng kềnh có thể sử dụng dịch vụ này”.

Hà Nội kỳ vọng việc cho ra đời những tuyến buýt chất lượng cao sẽ thu hút hành khách đi máy bay, góp phần giảm ùn tắc. Tuy nhiên, các tuyến buýt ra sân bay vẫn chưa có sự liên kết với các hãng hàng không để "tích hợp" luôn việc ký gửi hành lý từ xe buýt ra thẳng máy bay, tạo điều kiện thuận tiện cho hành khách.