Đầu tư cho xe đạp – giải pháp giao thông mùa dịch COVID-19
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân cảm thấy ngần ngại khi sử dụng giao thông công cộng vì lo ngại lây nhiễm
Do đó, xe đạp trở thành một phương tiện thay thế an toàn và hiệu quả, đồng thời, nhiều quốc gia đưa ra kế hoạch tạo thêm các làn đường dành riêng cho xe đạp.
John Donohue, một nghệ sĩ ở Brooklyn (Mỹ) vừa mua chiếc xe đạp vào hai tuần trước. Trước đây anh thường sử dụng phương tiện công cộng . Thế nhưng bây giờ anh chuyển sang đi xe đạp vì tâm lý lo sợ lây nhiễm dịch bệnh trên các phương tiện đông đúc.
“Đây là một khoảng thời gian kỳ lạ và thú vị để trở lại với việc đi xe đạp, bởi vì có rất ít phương tiện lưu thông trên đường, bạn biết đấy? Việc di chuyển rất dễ dàng. Như thể bạn đang đi lại ở một trung tâm dạy lái xe hoặc một cái gì đó tương tự vậy", John Donohue cho biết.
Dịch Covid-19 khiến tiêu thụ xe đạp tại Mỹ tăng vọt
Theo một nhà sản xuất lớn và các nhà bán lẻ, đại dịch Covid 19 đã làm gia tăng doanh số bán xe đạp trên khắp nước Mỹ. Bên cạnh đó, xe đạp cũng giúp người dân có thể quay trở lại làm việc mà không buộc phải có mặt trên những chuyến xe buýt và toa tàu đông đúc, nơi có khả năng lây lan cao.
Will Price, 35 tuổi, nhân viên đồ họa ở New York, cho biết: "Tôi thường đạp xe loanh quanh như, đi đến cửa hàng tạp hóa, có thể là một nơi xa hơn một chút, sau đó tập thể dục, như nơi chúng tôi ở đây gần công viên cố gắng và đạp vài vòng. Việc này có thể giúp luyện tập trong thời điểm các phòng gym đều đóng cửa”
Trước thực tế này, ngày 27/4 vừa qua, Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Bill de Blasio cho biết sẽ đóng cửa một số đường phố, mở rộng vỉa hè và mở thêm nhiều làn đường tạm thời cho xe đạp; nhằm cung cấp cho người dân nhiều không gian hơn để di chuyển, tránh tiếp xúc với nhau.
Thị trưởng Bill de Blasio cho biết thêm: "Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ xây dựng tối thiểu là 64 km đường phố mở. Và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng 160 km đường".
Một số thành phố khác ở nước Mỹ như San Francisco và Denver cũng đã đóng cửa một số tuyến đường dành cho ô tô; mở rộng vỉa hè và làn đường xe đạp.
Không chỉ tại Mỹ, tại châu Âu, chính quyền và người dân nhiều thành phố cũng đang tìm đến những chiếc xe đạp thay thế cho các phương tiện vận tải công cộng. Giới chức Paris (Pháp) cho biết có thể sẽ trợ cấp 50 euro (gần 55 USD) cho mỗi người sử dụng xe đạp để di chuyển sau khi dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.
Nhóm đạp xe có tên Club des Villes et Territoires Cyclables cho rằng: Đi xe đạp vừa thân thiện với môi trường vừa phù hợp với tiêu chí giãn cách xã hội. Điều đó đặc biệt quan trọng khi nhiều người e ngại sử dụng giao thông công cộng, ngay cả sau khi kết thúc lệnh giãn cách.
Sự phổ biến của dịch vụ chia sẻ xe đạp và nỗ lực kéo dài suốt nhiều năm nhằm xây dựng các làn đường dành cho xe đạp trên khắp Paris và các thành phố khác của Pháp cũng giúp người dân đi lại dễ dàng hơn khi lựa chọn phương tiện này.
Tuy nhiên, đang có trở ngại thiếu cơ sở hạ tầng an toàn. Do đó, giới chức địa phương đang gấp rút quy hoạch làn đường dành riêng cho xe đạp dọc theo các tuyến đường chính; trong đó có ý tưởng chuyển đổi mục đích sử dụng hạ tầng giao thông bằng vật liệu nhẹ, dễ tháo lắp, không tốn kém và có thể mở rộng hay sửa đổi tuỳ theo tình hình thực tế.
Theo kế hoạch, ngày 11/5 hạ tầng an toàn cho người đi xe đạp hoàn thành.
Trong khi đó, thành phố Milan (Italy) có kế hoạch sửa chữa 35 km đường để giúp những người đi xe đạp và người đi bộ dễ dàng tiếp cận và di chuyển an toàn hơn, tránh việc phải sử dụng giao thông công cộng hay gặp ùn tắc giao thông - một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Xe đạp lên ngôi ở nhiều nước trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1. Người dân đi xe đạp gần Cổng Brandenburger ở Berlin, Đức ngày 28/3/2020. Ảnh: TTXVN
Người dân đi xe đạp gần Cổng Brandenburger ở Berlin, Đức ngày 28/3/2020. Ảnh: TTXVN
Còn bang Baden-Wuerttgl (Đức), tăng gấp đôi số tiền tài trợ cho việc xây dựng các làn đường dành cho người đi xe đạp và đi bộ trong năm nay lên 58 triệu euro (63 triệu đô la). Nhóm hoạt động môi trường Deutsche Umwelthilfe yêu cầu chính quyền hơn 200 thành phố của Đức tăng cường xây dựng các con đường đi xe đạp để giải phóng xe buýt và tàu điện ngầm.
Còn tại Việt Nam, trong bối cảnh này, xe đạp có thể là một phương tiện thay thế hiệu quả, ít nhất là cho việc di chuyển ở các cự ly gần. Ngoài lý do sức khỏe, việc đề xuất các giải pháp di chuyển an toàn là điều cần thiết để nhanh chóng khởi động lại các hoạt động kinh tế.
Trước đó, Thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương “thí điểm đầu tư hệ thống xe đạp điện chia sẻ người dùng qua phần mềm quản lý điện thoại thông minh” tại khu vực quận Hoàn Kiếm; nhằm giúp người dân kết nối với các điểm xe công cộng để đi đến các điểm cơ quan, trường học, bệnh viện.
Có thể bạn thích
-
Pháp bắt đầu vòng 2 quyết định của cuộc bầu cử Quốc hội
-
Dậy thì muộn có đáng lo ngại?
-
Phát triển Công nghiệp Văn hóa: Triển vọng tại các đô thị lớn
-
Thái Lan phát triển hệ thống cửa hàng lưu động phục vụ người dân ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội
-
Hai đại gia gọi xe Đông Nam Á Gojek, Grab đàm phán sáp nhập: Liệu có tạo thế độc quyền?