Quy định cứu hộ giao thông: Cần minh bạch nhiều điều, không riêng giá cả

06/02/2020 14:49 277

Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu phải kê khai giá dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm.

Thời gian qua, nhiều trường hợp cẩu kéo xe vi phạm trật tự, ATGT với mức giá quá đắt đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng “thông đồng, móc ngoặc” với doanh nghiệp kinh doanh xe cẩu kéo để chia chác tiền phí dịch vụ. Nhiều ý kiến bày tỏ cùng VOV Giao thông băn khoăn về giá cả, chất lượng mà các đơn vị kinh doanh xe cứu hộ giao thông đang cung cấp:

“Giá dịch vụ mà các doanh nghiệp đang kinh doanh đưa ra, có ai thẩm định không? Hay muốn đưa thế nào thì đưa? và khi họ tự ý thu quá giá niêm yết trên mạng, chúng tôi không ai biết phải phản ánh với ai? thắc mắc ở đâu?”

“Hầu hết người tiêu dùng hiện rất ít thông tin về dịch vụ cứu hộ giao thông. Chỉ trong trường hợp bất ngời gặp sự cố mới tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ này nên không có nhiều lựa chọn và thường bị bắt chẹt về giá cả”.

Theo ông Bùi Xuân Duyên, Chi hội trưởng Cứu hộ giao thông Việt Nam, hiện nay, dịch vụ cứu hộ giao thông phụ thuộc vào từng người, từng đơn vị kinh doanh. Có đơn vị kinh doanh làm ăn chộp giật, đưa ra mức giá “chặt chém” gây gây thiệt thòi cho người dân. 

Mặt khác, giá dịch vụ của các đơn vị cứu hộ không chuyên sẽ rẻ hơn so với giá thị trường dẫn đến chất lượng người lao động, phương tiện và dịch vụ không được đảm bảo, tài xế mới chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành... tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí dẫn đến hậu quả tai nạn chết người.

“Cứu hộ giao thông là nghề mới và sự phát triển ở các vùng miền là khác nhau, chất lượng cung cấp dịch vụ có chỗ này chỗ khác, chỗ tốt chỗ xấu. Nếu không may gặp phải những đơn vị kinh doanh làm ăn không đàng hoàng, tranh thủ thì sẽ tạo thành bức xúc và đột biến về mặt giá cả”. 

Ông Bùi Danh Liên - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội khẳng định, với các phương tiện hoạt động cứu hộ giao thông nhưng không đăng ký kinh doanh, trốn thuế là vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn bởi cơ quan chức năng phải bắt quả tang cá nhân, đơn vị đang sử dụng loại xe này để vận chuyển, kinh doanh. 

Ông Bùi Danh Liên phân tích, đặc thù của xe cứu hộ là không có vùng, tuyến và không giống xe taxi hay xe tuyến cố định, đặc biệt đây là loại xe không thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện nên một số đơn vị, cá nhân lách luật để hoạt động trái phép. Vì thế, ông Liên cho rằng, cần đưa loại hình xe này vào danh mục kinh doanh có điều kiện để kiểm soát.    

“Xe cứu hộ có vị trí quan trọng trong việc khắc phục tai nạn và ùn tắc giao thông. Các doanh nghiệp vận tại cần đề nghị bổ sung điều kiện kinh doanh để xây dựng quy chế quản lý và ban hành các điều kiện cần thiết để loại hình này hoạt động. Có như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải và người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ cứu hộ phương tiện”. 

Trước những bất cập của dịch vụ cứu hộ giao thông thời gian qua, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu đề xuất để lấp “khoảng trống” pháp lý trong công tác quản lý loại hình này:

“Chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý đưa loại hình này là loại hình kinh doanh có điều kiện và chúng ta đưa vào đây các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ cũng như giá cả. Điều này không chỉ làm tăng thu ngân sách, chống thất thoát mà còn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân”.

Để tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động của phương tiện cứu hộ, cứu nạn, Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội vừa cho biết, đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, xe cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố, thực hiện nghiêm việc kê khai giá cước.

Trước đó, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành rà soát, thống kê 15 doanh nghiệp hoạt động xe cứu hộ, cứu nạn và xe kéo với 56 phương tiện hoạt động trên địa bàn. Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội khẳng định, với các trường hợp trong quá trình có hoạt động có vi phạm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt nghiêm:

“Đối với các trường kê khai giá không đúng quy định và thu tiền không đúng với giá quy định thì lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý đồng thời kiến nghị Sở Giao thông vận tải có biện pháp xử lý, thu hồi giấy phép với các đơn vị này”.

Một số chuyên gia lĩnh vực cứu hộ giao thông cũng khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi, khách hàng nên thận trọng và có lựa chọn sáng suốt khi gọi dịch vụ cứu hộ, kiểm tra kỹ thông tin về doanh nghiệp xem thủ tục pháp lý có đầy đủ, rõ ràng hay không. Bởi nếu không, một khi xảy ra sự cố, khách hàng chắc chắn nắm phần thiệt, vướng vào những tranh cãi không đáng có.

Cùng với việc quản lý giá, cơ quan chức năng cần làm gì để quản lý, kiểm soát hoạt động của phương tiện này một cách an toàn, hiệu quả?

Trước những bất cập của dịch vụ cứu hộ cứu nạn giao thông thời gian qua, việc kiểm soát giá dịch vụ này là rất cần thiết để lành mạnh thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOVGT, chỉ khi đưa dịch vụ này vào danh mục các loại hình kinh doanh có điều kiện thì những rủi ro, bất cập trên mới có thể được khắc phục một cách hiệu quả nhất.