Bất cập hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt

10/10/2019 03:34 339

Có một thực tế là hiện nay hệ thống điểm dừng, nhà chờ đang bộc lộ một số hạn chế, là nguyên nhân khiến nhiều người dân ngại ngần khi lựa chọn xe buýt.

Chỉ có 11%, 385 trong số 3.000 điểm dừng có nhà chờ. Ảnh: Hà Nội mới

Đến thời điểm này, toàn thành phố có 123 tuyến buýt với gần 2.000 phương tiện, bao phủ 100% các quận, huyện, thị xã; 100% các trường học; 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị hiện hữu. Cùng với sự phát triển mạng lưới xe buýt Hà Nội, hệ thống điểm dừng, nhà chờ cũng được xây dựng ngày càng nhiều, nhưng lại đang tồn tại không ít bất cập.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, trên toàn tuyến có khoảng trên 1900 điểm dừng đỗ, tuy nhiên, mật độ phân bố các điểm dừng đỗ tương đối dày, đặc biệt là trong nội thành, gây ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của xe buýt.

“Trong khu vực nội thành, hiện nay, các điểm dừng đỗ xe buýt cách nhau tầm 500-600m trong khi quy định là khoảng 700m. Việc phân bổ các điểm dừng đỗ quá gần nhau mặc dù tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận xe buýt hơn nhưng lại khiến xe buýt phải dừng lại quá nhiều, thời gian chuyến đi bị tăng lên”.

Ngoài việc phân bố mật độ các điểm dừng đỗ cần phải xem xét, rà lại điều chỉnh cho hợp lý hơn, mạng lưới xe buýt Hà Nội hiện nay còn thiếu một loạt các hạ tầng quan trọng. Đơn cử như có một tỷ lệ không nhỏ các điểm đầu cuối nằm trên các đường giao thông không đảm bảo an toàn và ổn định cho các xe buýt hoạt động và người dân tham gia giao thông ở đây.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang bước vào mùa mưa bão, nắng gay gắt và những cơn mưa thất thường xảy ra bất cứ lúc nào trong khi hiện chỉ có 11% điểm dừng dỗ trên toàn thành phố được trang bị mái che. Tình trạng này khiến hành khách cảm thấy ngần ngại khi lựa chọn xe buýt là phương thức di chuyển chính.

Điển hình như trên trục đường đê Nguyễn Khoái kéo dài từ quận Hai Bà Trưng sang quận Hoàng Mai (Hà Nội), có hàng chục điểm dừng xe buýt, nhưng tại các điểm này chỉ có một cọc sắt gắn biển ghi thông tin số hiệu tuyến, lộ trình mà không có mái che. Do vậy, nhiều hành khách phải đứng ngay trên tuyến đường nhỏ hẹp chờ xe rất nguy hiểm.

Chị Trịnh Thu Thủy ở Hoàng Mai cho biết: Chị thường sử dụng xe buýt để tới chỗ làm. Thế nhưng, những ngày mưa gió, giá rét hay nắng nóng, phải đứng đợi xe buýt ở các điểm dừng không có mái che thực sự rất khổ và còn nguy hiểm vì đường bé, lại nhiều xe. Nhiều khi không thể chịu được, chị phải bắt xe ôm hoặc taxi đi cho đỡ vất vả.

Trên thực tế, nội thành đã vậy, những tuyến đường càng xa trung tâm thành phố lại càng khan hiếm những điểm dừng xe buýt có nhà chờ, ghế ngồi, mái che. Tần suất các chuyến xe ít, thời gian chờ đợi lâu trong khi nhiều tuyến đường lại thiếu cây xanh che phủ cho nên hành khách đứng chờ xe buýt rất vất vả.

Việc đợi xe buýt ở các điểm dừng không mái che khiến hành khách mệt mỏi

Nói về thực tế này, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Transerco cho biết:

“Trong số liệu mà Sở GTVT đưa ra thì hiện nay trong các điểm dừng và nhà chờ xe buýt thì chúng ta chỉ có 11%, 385 trong số 3.000 điểm dừng có nhà chờ. Với điều kiện giao thông ở Hà Nội như hiện nay thì chắc chắn rằng sự thiếu hụt các điểm dừng có nhà chờ cho hành khách là một sự bất tiện rất lớn. Vấn đề này Sở GTVT và Tp.Hà Nội cũng đã có chỉ đạo là tăng số nhà chờ để đảm bảo tiện ích cho hành khách”.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, việc phát triển nhà chờ hiện cũng gặp phải nhiều trở ngại, bất cập. Ở khu vực nội thành, hạ tầng để phát triển nhà chờ rất khó khăn, vỉa hè hẹp không cho phép, đặc biệt là thường gặp phải sự không ủng hộ của những người dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán và các đơn vị ở trên vỉa hè, lề đường được chọn để xây dựng điểm dừng và nhà chờ.

Trong khi đó, ở ngoại thành, hạ tầng chưa phát triển, nhiều vị trí chưa có vỉa hè, lòng đường, lề đường ổn định để bố trí các nhà chờ, do đó việc phát triển nhà chờ ở ngoại thành rất kém, tỷ lệ nhà chờ rất thấp.

Nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi để hàng hóa, đẩy người đứng đợi xe phải xuống lòng đường. Ảnh: Tiền Phong

Một vấn đề nữa là tình trạng chiếm dụng, xâm phạm các vị trí hạ tầng của xe buýt. Tại nhiều điểm dừng xuất hiện các xe ô tô, xe máy, thậm chí xe rác dừng đỗ ở lòng đường gây cản trở. Một số điểm dừng có nhà chờ, các điểm trung chuyển thì có hàng rong chiếm dụng. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết thêm:

“Mặc dù hiện nay, Sở GTVT đã có chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân chống lấn chiếm nhưng tình trạng tái lấn chiếm thường xuyên xảy ra do đó việc này phải làm thường xuyên thì mới xử lý triệt để được”.

Để tạo thuận lợi cho hành khách đi xe buýt trong lúc chờ, đón xe, các cơ quan chức năng cần cải thiện quản lý hạ tầng bằng cách rà soát, hợp lý hóa các điểm dừng đỗ hiện có; đầu tư xây dựng, quy hoạch, thiết kế hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt có mái che, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành sao cho dễ tiếp cận, an toàn để thu hút người dân đến với loại hình vận tải công cộng thiết yếu này..