COVID-19: Trốn trong thùng xe, nhà vệ sinh để về nhà

15/05/2020 10:28 622

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19, chính phủ Indonesia đã áp dụng lệnh cấm về quê

Thế nhưng, nhiều người vẫn tìm mọi cách trở về nhà bằng cách trốn trong các thùng chứa xe tải hoặc khoang hành lý xe buýt để vượt qua các trạm kiểm soát.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid 19, chính phủ Indonesia đã áp dụng lệnh cấm về quê. Ảnh: Reuters

Lo ngại việc hàng triệu người Hồi giáo tại Indonesia hồi hương về quê nhà theo tập quán sau khi tháng lễ Ramadan kết thúc vào tháng 5, thường được gọi là "mudik", có thể đẩy nhanh sự lây lan của COVID-19, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ban hành lệnh cấm về quê.

Về lí do đưa ra quyết định này này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “Dựa vào cuộc khảo sát của Bộ Giao thông vận tải, 68% người dân cho biết sẽ không trở về quê, 24% vẫn khẳng định sẽ tham gia cuộc di cư truyền thống sau tháng Ramadan. Điều này có nghĩa là số lượng người sẽ trở về quê vẫn rất lớn”.

Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm của chính phủ, nhiều người tìm cách né các trạm kiểm soát bằng cách trốn trong các thùng chứa xe tải hoặc khoang hành lý xe buýt, tránh các con đường thu phí với an ninh nghiêm ngặt hay nằm dưới ghế hành khách để trở về nhà.

Vào sáng 1/5 vừa qua, cảnh sát phát hiện chiếc xe tải chở 8 hành khách trốn bên dưới tấm bạt thùng xe để về nhà. Chỉ từ ngày 24/4 đến 1/5, cảnh sát thủ đô Jakatar bắt giữ hơn 8.700 xe vi phạm lệnh cấm.  

Người đứng đầu Cảnh sát giao thông quốc gia Comr. Benyamin cho biết: Vì biết rằng cảnh sát ưu tiên kiểm tra các phương tiện cá nhân, xe buýt và xe buýt nhỏ, nên nhiều người trốn trong các container hoặc các thùng xe tải. Bởi, xe chở hàng vẫn được phép hoạt động để không ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Nhiều người vẫn tìm mọi cách trở về nhà bằng cách trốn trong các thùng chứa xe tải hoặc khoang hành lý xe buýt để vượt qua các trạm kiểm soát. Ảnh: en.tempo.co

Ngoài xe tải, cảnh sát còn phát hiện nhiều người trốn trong khoang hành lý xe buýt. Gần đây nhất, vào tối ngày 29/4, cảnh sát giao thông phát hiện ra một nhóm du khách đi đến Trung Java bằng cách đi xe buýt với ghế hành khách ngả ra sau và tắt đèn bên trong xe để không bị nhìn thấy từ bên ngoài. Cảnh sát cũng tìm thấy hành khách trốn trong nhà vệ sinh của xe buýt. Điều tra cho thấy các hành khách đã trả 450.000 Rp (khoảng hơn 700.000 đồng) mỗi người để lên xe.

Lí giải việc tìm mọi cách để trở về nhà, anh Edi Wibomo, một công nhân thu nhập thấp cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, công ty mà anh bị phá sản, anh cũng mất việc vì thế anh không đủ khả năng để trả tiền thuê nhà ở Jakarta: "Dịch Covid 19 xuất hiện khiến tháng Ramanda năm nay thực sự khác biệt so với những năm trước. Tôi mất việc. Tôi rất buồn. Tôi không thể sống ở Jakarta mà không có việc làm vì thế tôi phải trở về quê”.

Đáng chú ý, giới chức đã bắt giữ 15 tổ chức tìm cách vận chuyển trái phép 113 người đến Tây Java, Trung Java và Đông Java. Các tổ chức này quảng bá dịch vụ trên Facebook và các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp. Những người có nhu cầu về quê phải trả từ 300.000 IDR đến 500.000 IDR (khoảng 470.000 đến 780.000 đồng).  

Các phương tiện vận chuyển người trái phép thậm chí còn dùng biển kiểm soát dân sự và dán phù hiệu của một tổ chức chính phủ để đánh lừa các trạm kiểm soát.

Tổ chức Người tiêu dùng Indonesia (YLKI) cũng cảnh báo người dân không nên chơi trò “mèo vờn chuột” với cảnh sát vì việc trở về nhà lúc này có thể gây nguy hiểm cho người khác, gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Như trường hợp ở Cilacap, 7 người tìm mọi cách trở về nhà, đã có kết quả dương tính với Covid-19.

Được biết, Indonesia áp dụng kiểm soát hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ ngày 24/4 đến 7/5 và giai đoạn 2 từ 7/5 đến 31/5. Giai đoạn 1, chỉ nhắc nhở và yêu cầu quay trở lại nơi xuất phát, nhưng sau ngày 7/5, những ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 100 triệu IDR (khoảng 156 triệu đồng).