Tranh cãi việc bình đẳng trước pháp luật với đề xuất phạt tiền chủ xe hạng sang cao hơn

28/10/2019 15:06 460

Đề xuất tăng mức tiền phạt cao hơn đối với những người lái xe ô tô hạng sang của nghị sĩ Walter Theseira trong Hội thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ ở Singapore .

Mới đây, đề xuất của nghị sĩ Walter Theseira trong Hội thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ ở Singapore gây ra một cuộc tranh luận giữa các nhà chuyên gia giao thông và lái xe. 

Cụ thể, ông Walter Theseira đề xuất tăng mức tiền phạt cao hơn đối với những người lái xe ô tô hạng sang, nhằm tăng cường hiệu quả việc răn đe.

Trong cuộc Hội thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ ở Singapore diễn ra ngày 8/7 vừa qua, nghị sĩ Theseira đưa ra lời đề nghị: cùng một lỗi vi phạm, nhưng tăng mức tiền phạt cao hơn đối với những người lái xe ô tô hạng sang. Ông này tin rằng, việc định giá tiền phạt dựa vào giá trị của chiếc xe là một phương pháp thiết thực.

“Tôi nghĩ thật hợp lý khi để người lái chiếc xe hạng sang có thể trả nhiều tiền hơn người lái chiếc xe tầm trung. Bởi những chiếc xe hạng sang thường được trang bị thiết bị an toàn nhiều hơn so với những chiếc xe tầm trung. Thậm chí còn nhiều lý do khác để tăng mức xử phạt đối với những chiếc xe hạng sang, đây là một biện pháp ngăn chặn những tay lái ẩu”.  

Ông Theseira chỉ ra rằng, mức xử phạt sẽ có giá trị nếu mọi người không thể trả cho lỗi vi phạm của mình; và cũng sẽ không hiệu quả nếu không mang ý nghĩa răn đe. 

Ông Theseira trích dẫn một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Luật và Kinh tế năm 2014, sử dụng dữ liệu giao thông của một số nước như Mỹ và Israel cho thấy, những người lái xe hạng sang có xu hướng vượt đèn đỏ nhiều hơn và hay lái xe quá tốc độ.

Từ những dẫn chứng này, ông cho rằng biện pháp của ông sẽ ngăn cản việc các lái xe không an toàn và có hiệu quả răn đe. Tuy nhiên, các chuyên gia và lái xe hầu hết không đồng ý với đề xuất này, họ cho rằng đây là hành động phân biệt đối xử. Một số người còn cho rằng, nếu biện pháp này được thông qua, nó sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các lĩnh vực khác.

Ông Gopinath Menon – Chuyên gia tư vấn vận tải cho rằng, nếu có ý định răn đe các tài xế thì thật không công bằng khi đưa ra hình phạt khác nhau cho cùng một lỗi vi phạm.

“Nếu bạn phạm tội, bạn sẽ phải chịu hình phạt tương xứng, bất kể bạn là ai. Tại sao lại phải phân biệt đối xử?” 

Ông Menon nói thêm, người lái một chiếc xe hạng sang dính lỗi vi phạm chưa hẳn đã là người có thu nhập cao hoặc có khả năng trả tiền phạt lớn hơn.

Tai nạn giao thông có liên quan đến hành vi của tài xế và nhiều yếu tố khác liên quan đến hạ tầng giao thông, chứ không phải cứ tăng mức xử phạt

Tiến sĩ Lee Der-Horng – Nhà nghiên cứu GTVT từ Đại học Quốc gia Singapore đồng tình quan điểm, không một ai nên bị phân biệt đối xử nhất là trong luật pháp. Ông cũng chỉ ra rằng, tai nạn giao thông có liên quan đến hành vi của tài xế và nhiều yếu tố khác liên quan đến hạ tầng giao thông, chứ không phải cứ tăng mức xử phạt là giải quyết được.  

“Bản tính và kinh nghiệm của lái xe là các yếu tố dẫn đến tai nạn giao thông và vi phạm. Nhưng đôi khi, tai nạn hay vi phạm lại liên quan đến thiết kế cầu đường, tắc nghẽn, tầm nhìn và thời tiết”.

Luật sư Edward Tay cho rằng, là một người lái xe, việc tăng tiền phạt bằng giá lăn bánh của một chiếc ô tô là bất bình đẳng cho cùng 1 hành vi vi phạm. (“Giá lăn bánh” bao gồm giá xe, phí bảo hiểm, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, giấy phép sử dụng xe…) 

Ông tin rằng, hình phạt trực tiếp hiệu quả nhất đối với người lái xe đó là bằng lái: “Ngay cả khi bạn là một tỷ phú, bị tịch thu giấy phép lái xe, bạn cũng không thể lái chiếc siêu xe của mình”.

Rất nhiều lái xe đều cảm thấy bất bình với đề xuất này, họ cho rằng, tiền phạt không phải là thuế, không nên dựa trên giá trị của chiếc xe để đưa ra mức phạt. 

Đề xuất “tăng mức xử phạt bằng giá lăn bánh của một chiếc ô tô với những chiếc xe sang" tại Singapore vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Một số nước cũng từng áp dụng phải ngừng lại do “bất bình đẳng trước pháp luật”. 

Tại Việt Nam, mới đây, Bộ GTVT đề xuất tăng nặng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 46.

Ví dụ, hàng loạt hành vi liên quan đến nồng độ cồn sẽ bị tăng mức xử phạt, mức cao nhất lên đến 30 triệu đồng; ngoài ra, còn có những hành vi bị phạt gấp 20 lần so với quy định cũ.  Tuy nhiên, Luật Phòng chống tác hại rượu bia vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực  từ ngày 01/01/2020 quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông. 

Do đó, mức quy định về nồng độ cồn trong dự thảo sửa đổi Nghị định 46 cũng cần được xem xét lại cho phù hợp.