Buộc thôi việc CSGT 'vòi' tiền người vi phạm: Ai 'làm hư' cán bộ?

31/03/2020 09:57 592

Thực trạng CSGT nhận tiền người vi phạm đâu đó râm ran trong dư luận

Theo Nghị định 19 của Chính phủ sắp có hiệu lực, buộc thôi việc là hình thức kỷ luật cao nhất đối với công chức, viên chức có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm. Nghị định có hiệu lực từ 31/3/2020, riêng quy định nêu trên và một số điều khoản khác sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Nội dung này nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thính giả Kênh VOV Giao thông, bởi lẽ, việc xử lý vi phạm nói chung và trong lĩnh vực giao thông nói riêng vốn là hoạt động thường xuyên và ảnh hưởng rất nhiều đến người tham gia giao thông.

Năm 2018, Công an Hà Nội đã xử lý 20 CSGT liên quan vụ nhận tiền mãi lộ. Ảnh cắt từ clip.

Đề cập quy định mới, một số thính giả bày tỏ quan điểm:

“Nếu mình sai, cảnh sát giao thông bắt thì phải chấp nhận nộp phạt thôi, như thế là chính xác. Nếu nhà nước đưa ra Nghị định như thế thì sẽ công bằng hơn,mà người tham gia giao thông sẽ đi đúng đường, đúng làn hơn”.

“Nói chung anh em lái xe rất hoan nghênh văn bản này, vừa hợp lý, lại minh bạch. Dần dần xã hội cũng sẽ phải tiến tới như vậy”.   

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, chế tài mới rất cần thiết, mang tính răn đe, qua đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa giao thông, khi mà người thực thi pháp luật thì nghiêm minh, còn người tham gia giao thông thì chấp hành nghiêm chỉnh.

“Nó sẽ làm thức tỉnh những người kiểm soát, giám sát và xử lý phương tiện phải chấn chỉnh hơn về đạo đức hay tính trung thực khi xử lý các vụ việc về vấn đề giao thông. Thứ hai là việc tiếp xúc gần đồng tiền có sự hấp dẫn của nó, và sự hấp dẫn đó không loại trừ ai cả. Chế tài đó làm cho ngành công an nghiêm túc hơn trong vấn đề xử phạt. Thứ ba là với người vi phạm thì họ có một công cụ pháp lý để họ nhìn nhận vấn đề và cũng giảm bớt vấn đề đưa tiền”.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Cán bộ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ngoài những việc có yêu tố nghiệp vụ mà pháp luật quy định, thì người kiểm soát giao thông, cũng như những lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường phải nêu cao ý thức, đạo đức, nghề nghiệp mà luật công an nhân dân đã quy định.

Việc công chức, viên chức nhũng nhiễu, đòi, nhận tiền hoặc tài sản của người vi phạm là một dạng tham nhũng vặt.

Một bộ phận không nhỏ người dân có suy nghĩ “lách luật” bằng cách hối lộ lực lượng chức năng.

Theo Thượng tá Quỹ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong vấn đề xử phạt hành chính đối với vi phạm giao thông là do một bộ phận không nhỏ người dân có suy nghĩ “lách luật” bằng cách hối lộ lực lượng chức năng, nhằm tránh việc bị tịch thu giấy tờ, tịch thu phương tiện hoặc phải nộp mức phạt cao hơn.

“Nếu người dân đảm bảo thượng tôn pháp luật như vậy thì không có cớ gì để CSGT nhũng nhiễu. Nếu Nghị định 19 ra đời từ ngày 1/7 thì đây cũng là vấn đề để nhân dân giám sát được lực lượng chức năng đó, đảm bảo yêu cầu về pháp luật. Một số cá nhân nào đó mà không giữ được phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp thì đấy là một trong những việc để mà gột rửa những hạt sạn còn trong lực lượng CSGT”.

Phân tích sâu hơn về tính pháp lý và tính thực tiễn của Nghị định 19, chuyên gia Ngô Dương, Viện Nhà nước và pháp luật cho hay, hình phạt hay mức độ xử phạt có cao đến đâu, nghiêm khắc đến đâu, nhưng một bộ phận thực thi không nghiêm thì luật đặt ra chỉ để cho vui.

“Một văn bản mới liên quan đến hướng tới hoạt động xử phạt trở nên đúng đắn hơn, nghiêm túc thực hiện hành vi xử phạt của mình hơn sẽ tạo ra hiệu ứng tốt, người ta cũng thấy nhà nước rất cương quyết trong việc này, tránh để những hiện tượng người có nhiệm vụ xử phạt phải trở nên nghiêm túc hơn, không được bỏ qua lỗi, thậm chí thương lượng với người vi phạm theo hình thức khác. Văn bản này tôi nghĩ rất tốt và củng cố hơn cho nên pháp quyền của Việt Nam”.

Theo chuyên gia Ngô Dương, bản thân nghị định 19 năm 2020 thì đối tượng hướng tới không phải là người tham gia giao thông mà hướng tới người thực thi công vụ, là nguời phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, trong đó có ngành giao thông.

Đối tượng hướng tới là các cán bộ, chiến sỹ công an hay thanh tra có thẩm quyền và có nghĩa vụ phải phát hiện và xử lý vi phạm. Tuy không hướng đến trực tiếp hành động, hành vi của người dân những cũng tạo ra niềm tin là nếu như chính người có thẩm quyền xử phạt làm việc không nghiêm túc thì cũng bị bất lợi, thậm chí rất bất lợi, vì hình thức kỷ luật rất cao như buộc thôi việc, cho ra khỏi ngành.

“Người ta phải nhìn nhận thấy việc để nhờn luật đã diễn ra khá lâu, đến mức nhà nước phải ban hành văn bản mạnh tay như thế này, vì vậy hiện tượng xin xỏ, gạ gẫm từ cả 2 phía. Nếu như làm sai thì người ta sẽ được lợi nhiều, nhưng sẽ ảnh hưởng đến pháp quyền, ảnh hưởng đến trật tự pháp luật chung và nhờn luật sẽ tiếp tục diễn ra. Theo tôi người ta phải thực sự thay đổ nhận thức vì luật đặt ra để thực hiện chứ không đặt ra để tìm cách lách hay tìm cách bỏ qua hay thương lượng vi phạm vì tình trạng vi phạm xảy ra cực kỳ nhức nhối đặc biệt là các đô thị lớn”.

Các chuyên gia cũng thống nhất quan điểm, phía lực lượng thực thi công vụ cần nhận thức họ nhận lương để xử phạt nghiêm minh, công bằng. Nếu không sẽ bị ra khỏi ngành, và tệ hơn để lại tiếng xấu cho cá nhân, đơn vị. Còn phía người tham gia giao thông cũng phải thay đổi. Đành rằng nếu không bị phạt sẽ có lợi hơn với không bị phạt, nhưng vi phạm pháp luật là hành động xấu. Nếu vi phạm, hãy dũng cảm nộp phạt, để lần sau rút kinh nghiệm, không nên có sự thương lượng, đàm phán với người thực thi công vụ.

Ai “làm hư” cán bộ?

Năm 2018, Công an Hà Nội đã xử lý 20 CSGT liên quan vụ nhận tiền mãi lộ. Ảnh cắt từ clip.

Việc công chức, viên chức nhũng nhiễu, đòi, nhận tiền hoặc tài sản của người vi phạm là một dạng tham nhũng vặt.

Việc công chức, viên chức nhũng nhiễu, đòi, nhận tiền hoặc tài sản của người vi phạm là một dạng tham nhũng vặt. Hình thức kỷ luật buộc thôi việc với hành vi này được quy định cụ thể trong Nghị định 19 rất kịp thời. Nó góp phần chấn chỉnh tác phong, đạo đức thực thi công vụ, đồng thời có cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý cán bộ, viên chức.

Nhận tiền của người vi phạm để làm sai lệnh kết quả xử lý sẽ bị sa thải, chứ không phải là kiểm điểm nội bộ, thuyên chuyển sang vị trí khác rồi tiếp tục thăng tiến, nếu đủ tuổi. Những hiện tượng “đánh bùn sang ao”, “hòa cả làng” sẽ ít còn đất sống.

Cũng có ý kiến cho rằng, đa số người dân khi vi phạm thì luôn có suy nghĩ đưa tiền cho cán bộ để giảm nhẹ mức phạt tối đa có thể, như thế là “làm hư” cán bộ. Khi người dân ai cũng chấp hành đúng quy định, nộp tiền phạt vào kho bạc nhà nước và giải quyết đúng trình tự thì cán bộ có muốn nhũng nhiễu cũng không được.

Mặc dù vậy, nếu nhìn sâu hơn bản chất vấn đề, lập luận “người vi phạm làm hư cán bộ” chỉ là một cách nói ngụy biện. Bản thân người cán bộ thực thi nhiệm vụ có dễ “tác động” thì người vi phạm mới có nơi bấu víu. Suy đoán người nhận tiền là nạn nhân không có căn cứ, ngược lại, đây là tác nhân chủ đạo và trực tiếp dẫn đến thực trạng đưa và nhận hối lộ.

Còn nhớ, ngành y tế từng thực hiện thành công phong trào “Bệnh viện không phong bì”, kiên quyết đuổi phong bì ra khỏi môi trường y tế. Tương tự là ngành đăng kiểm, tại các trung tâm luôn đề rõ biển cảnh báo “chủ phương tiện không để lại tiền, đồ đạc có giá trị trên xe”, nhằm tránh việc ‘xin vặt’ của nhân viên kỹ thuật.

Điểm chung của những chuyển biến tích cực này là sự kiên quyết của người đứng đầu các đơn vị. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, muốn trong sạch bộ máy, giảm tham nhũng, sách nhiễu trong đội ngũ cán bộ, thủ trưởng cơ quan phải là người làm gương đầu tiên.

Thực trạng CSGT nhận tiền người vi phạm đâu đó râm ran trong dư luận, nhưng chắc chắn, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Muốn những thông tin kiểu này không trở thành hiểu nhầm, định kiến, thậm chí là suy nghĩ mặc định trong đầu người vi phạm, ngành Công an nói chung, CSGT nói riêng cần có một cuộc cải cách về phong cách, thái độ thực thi công vụ.

Hơn nữa, trong thời đại công nghệ phát triển, mạng xã hội bùng nổ,  quyền và lợi ích của người dân khi làm việc với lực lượng chấp pháp ngày càng nâng cao, việc giám sát xã hội với lực lượng CSGT cũng mạnh mẽ hơn, góp phần thúc đẩy đổi mới trong lực lượng này.

Có lẽ, nên thay đổi cách đặt vấn đề “Ai làm hư cán bộ?” bằng câu hỏi “Cán bộ có dễ bị làm hư không?”./.