Sử dụng thiết bị rảnh tay để gọi điện khi lái xe có an toàn?
Điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại lại tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.
Quy định có, chế tài xử phạt có, nhưng hình ảnh con người vừa một tay lái xe, một tay dùng điện thoại vẫn là điều chúng ta thấy hàng ngày.
Sử dụng điện thoại khi lái xe, hình ảnh quen thuộc chúng ta vẫn thấy
Mới đây, bang New South Wales của Úc đã đưa vào sử dụng camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe. Người đứng đầu Cục đường bộ của bang New South Wales cho biết, công nghệ mà bang này áp dụng là loại công nghệ tối tân, lần đầu xuất hiện trên thế giới.
Theo đó, các camera giao thông sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra hình ảnh phương tiện được ghi lại, xác định xem tài xế có sử dụng điện thoại khi đang lái xe hay không. Nếu có, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Dự kiến, trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi áp dụng chính thức, các tài xế bị phát hiện vi phạm bởi các camera này sẽ nhận được thư cảnh cáo. Nếu tiếp tục tái phạm, họ sẽ đối mặt với mức phạt 344 đô-la Úc, hoặc 457 đô-la Úc nếu vi phạm trong khu vực gần trường học, đi kèm với điểm phạt trong bằng lái.
Thống kê của hãng tin Reuters cho thấy, trong năm 2019 bang New South Wales có 329 người thiệt mạng vì sử dụng điện thoại khi lái xe. Còn trên thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 100 nghìn người thiệt mạng vì lí do tương tự. Nhà chức trách bang New South Wales hi vọng, hệ thống camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần vào mục tiêu giảm 30% số người chết do tai nạn giao thông vào năm 2021.
Ông Sanjay Gupta, bác sĩ, nhà báo người Mỹ cho rằng, hiện vẫn còn nhiều người chủ quan với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe, cho rằng nó vô hại, thực tế lại không như vậy: “Sử dụng điện thoại khi lái xe đồng nghĩa với với việc khả năng phản xạ với tình huống giảm, độ tập trung cũng giảm. Chúng nguy hiểm không khác gì việc lái xe sau khi uống rượu bia”.
Tại bang New South Wales, việc gọi và nghe điện thoại khi đang lái xe được chính quyền công nhận là hợp pháp chỉ khi tài xế sử dụng các thiết bị rảnh tay. Mọi cách sử dụng, chức năng khác như gọi video, chụp ảnh, nghe nhạc khi lái xe chỉ được coi là hợp pháp nếu tài xế sử dụng chúng khi đang đỗ xe.
Trong khi đó nước Anh nghiêm khắc hơn trong vấn đề này rất nhiều. Việc sử dụng điện thoại khi lái xe ở nước này đã bị coi là vi phạm luật giao thông từ năm 2003. Thiết bị rảnh tay tuy chỉ bị cấm với tài xế mô-tô, nhưng cảnh sát hoàn toàn có thể ra lệnh dừng phương tiện nếu thấy tài xế bị sao lãng khi sử dụng.
Thiết bị rảnh tay chưa chắc đã là an toàn
Một nghiên cứu thực hiện bởi đại học Sussex chỉ ra rằng, khi dùng thiết bị rảnh tay, sẽ có khả năng tài xế tập trung vào cuộc trao đổi, tưởng tượng ra bối cảnh, nội dung cuộc gọi; thậm chí mắt nhìn đường mà không có phản ứng với tình huống xảy ra trên đường. Điều đó, tăng khả năng xảy ra TNGT.
Rob Heard, một sĩ quan tuần tra chia sẻ: “Sử dụng điện thoại khi lái xe là 1 trong 4 nguyên nhân lớn gây ra TNGT. Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Chỉ một khoảnh khắc sao lãng khi lái xe là bạn đã mạo hiểm tính mạng của chính mình và những người tham gia giao thông khác”.
Dù nghiêm ngặt, nhưng trong các quy định về vấn đề này tại Anh vẫn có những lỗ hổng. Một số luật sư cho rằng thân chủ chỉ dùng điện thoại để lướt web, đọc báo, quay phim hay chụp ảnh; không phải là hành vi gọi điện hay nhắn tin, nên không sai luật.
Chính phủ Anh thừa nhận đây là một lỗ hổng lớn trong luật giao thông và sắp tới, luật sẽ được sửa đổi để không còn những lỗ hổng tương tự. Theo đó, mọi hành vi sử dụng điện thoại, dù là nghe gọi, nhắn tin, lướt web, đọc báo... đều bị coi là vi phạm luật giao thông và phải chịu phạt.
Hiện mức phạt sử dụng điện thoại khi lái xe tại Anh là 200 bảng hoặc cao hơn và trừ 6 điểm bằng lái. Số điểm phạt này có thể khiến những người mới lấy bằng trong 2 năm trở lại bị tước bằng ngay lập tức.
Tại Việt Nam, Luật Giao thông chỉ cấm người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, còn người điều khiển ô tô không có quy định rõ ràng. Nhưng trong đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đây của Bộ Công an thì sử dụng điện thoại sẽ bị cấm. Đề xuất này được xem là phù hợp với thực tiễn và xu thế trên thế giới.
Tuy nhiên, trong đề nghị của Bộ công an chưa đề cập tới các thiết bị rảnh tay.