Tại sao London lại cấm Uber?
Cơ quan quản lý giao thông London (TfL), Anh thông báo từ chối gia hạn giấy phép hoạt động cho công ty cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ Uber
London lần đầu tiên cấm Uber dưới quyền của giám đốc điều hành sáng lập, Travis Kalanick - và bây giờ là lần thứ hai dưới quyền của người kế nhiệm Kalanick, Dara Khosrowshahi, một người lão luyện trong ngành.
Dù lệnh cấm không phải là quyết định hợp lòng người dân London và nhiều người sẽ gọi nó là bất công, nhưng nó cho thấy Uber có nhiều vấn đề lớn hơn so với không khí cạnh tranh giữa các nhà quản lý cấp cao.
Vào tháng 9/2017, Cơ quan quản lý giao thông London (Transport for London -TfL) đã từ chối cấp giấy phép cho công ty gọi xe Uber hoạt động tại London, một trong nhóm năm thành phố chiếm 24 % doanh thu của nó.
Cơ quan này chỉ ra hàng loạt vấn đề: Việc thiếu kiểm tra lý lịch thích hợp cho các tài xế, công ty miễn cưỡng báo cáo các hành vi phạm tội được cho là của những tài xế đó và việc sử dụng phần mềm từ chối đi xe đối với những người được xác định là nhân viên thuộc chính phủ hoặc cơ quan thực thi pháp luật.
Uber đã phải hầu tòa, nhưng đồng thời Khosrowshahi, người giữ chức Giám đốc điều hành chưa đầy một tháng, đã kêu gọi chính quyền thành phố London hãy hợp tác với Uber, hãng có 40.000 tài xế và 3,5 triệu dân sử dụng dịch vụ.
Cả kháng cáo pháp lý và mong muốn được nêu ra để làm việc với các nhà quản lý thay vì chống đối họ, như cách Kalanick đã làm, đã mang lại những tác động tích cực. Tháng 9 vừa qua, Uber đã được gia hạn giấy phép thêm 2 tháng sau khi giấy phép trước có hiệu lực trong 15 tháng đã hết hạn, với điều kiện cần cải thiện nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách. Thông báo mới từ TfL vào ngày 25/11 đã ca ngợi công ty này vì đã tương tác với cơ quan vận tải “một cách minh bạch và hiệu quả”.
Tuy nhiên, TfL cho biết cơ quan này đã phát hiện một số sai phạm của Uber, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách sử dụng dịch vụ taxi này. Theo đó, có nhiều trường hợp tài xế không được cấp phép hoạt động những vẫn đón khách thông qua việc sử dụng tài khoản của tài xế khác. Bên cạnh đó, có tài xế Uber bị sa thải và đình chỉ nhưng vẫn có thể tạo tài khoản khác để hoạt động. Những sai phạm này xảy ra ít nhất 14.000 lần, gây rủi ro cho hành khách do bảo hiểm không có hiệu lực trong trường hợp này.
Dưới thời Khosrowshahi, Uber không còn giữ thái độ không hợp tác và coi các nhà quản lý là kẻ chuyên vận động hành lang cho taxi truyền thống. Họ đã nỗ lực hợp tác với chính quyền London, bổ sung một khoản phí môi trường vào giá cước và hứa sẽ thúc đẩy các tài xế chuyển sang sử dụng xe điện vào năm 2025. Đồng thời họ cam kết sẽ tiếp tục làm việc với TfL ngay cả khi cơ quan này từ chối gia hạn giấy phép hoạt động. Dịch vụ Uber, cũng vậy, sẽ tiếp tục trong quá trình kháng cáo.
Cáo buộc của TfL lần này là về các lỗi vận hành và lỗi kỹ thuật. Công ty này đã lỗ 5,4 tỷ đô la trong ba năm từ 2016- 2018 và 2,3 tỷ đô la trong ba quý đầu năm nay, dường như vẫn tập trung vào việc giành thị phần thay vì nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc an toàn tối ưu cho khách hàng .
Cùng lúc đó, cước đi Uber đã không còn được ưu đãi như trước nữa do phải đảm bảo doanh thu. Điều này lẽ ra phải được thực hiện nhất quán nếu công ty muốn tiếp tục hướng phát triển vươn ra toàn cầu với tốc độ nhanh nhất có thể. Khosrowshahi đã hứa hẹn đem về lợi nhuận hoạt động cho công ty trước năm 2021, nhưng có vẻ như lộ trình này không được sáng sủa lắm.
Cho dù đơn kiến nghị của Uber lên chính quyền London được chấp thuận, công ty này vẫn phải đối diện với một vấn đề pháp lý khác ở Anh. Đó là việc các tài xế Uber kiện chính công ty này đòi một chính sách với họ như nhân viên chính thức, thay vì là “đối tác” như hiện nay, một danh vị mỹ miều nhưng không có nhiều lợi ích.
Dự kiến, Uber có thể thua kiện khi quyết định của tòa án tối cao Vương quốc Anh sẽ được đưa ra vào đầu năm sau. Và nếu điều này xảy ra, Uber sẽ cần tăng phí để bù đắp khoản thuế, phụ cấp bảo hiểm thất nghiệp đóng cho tài xế. Và như vậy, lợi thế về giá so với taxi truyền thống có thể không còn.
Khosrowshahi ckhông thừa hưởng văn hóa công ty không trung thực từ Kalanick; ông đã được trao một mô hình kinh doanh dựa trên việc chạy càng nhanh và càng xa càng tốt mà không nhìn đúng vào các rủi ro pháp lý và các thách thức công nghệ. Những gì xảy ra ở Anh chỉ là một thách thức địa phương. Nó cũng là một thử nghiệm để xem liệu Uber có thể hoạt động ở những nơi mà các cơ quan quản lý và nhân công khó xoa dịu hơn ở Hoa Kỳ hay không.