Tăng giá vé xe buýt tuyến trợ giá: Có tăng chất lượng? 

29/08/2019 02:35 132

Ngày 17/4/2019, Sở GTVT Tp.HCM tăng giá vé các tuyến xe buýt có trợ giá. Mức tăng lần này được đánh giá là phù hợp.

 "Xe buýt mà em đi là xe buýt mới nên dịch vụ cũng tăng hơn nhiều so với xe buýt cũ, như là ghế mới, máy lạnh mới, đã có thiết bị hiện đại để mình bấm vé không phải đưa vé cho nhân viên xe buýt. Nếu mà tăng giá vé lên thì em hi vọng là chất lượng của nó cũng được tăng lên".

# "Nếu xe buýt tăng giá ở mức phù hợp, có thể chấp nhận được thì mình hoàn toàn đồng tình. Và nó phải kéo theo việc là nhân viên soát vé phục vụ hành khách thân thiện nhiều hơn nữa".

# "Tôi thường sử dụng phương tiện xe buýt để di chuyển, tại vì tôi thấy tiện lợi, tránh mưa tránh nắng và tiết kiệm được một khoản chi phí. Vi vậy, tôi đồng ý với phương án tăng giá vé xe buýt nhưng mà tôi cũng mong thời gian tới chất lượng xe buýt sẽ được tăng hơn nữa".

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM từ năm 2013 đến năm 2016, về mức độ hài lòng của người dân khi đi xe buýt, kết quả trong đó có hơn 57% người dân hài lòng về tiêu chí giá vé rẻ, chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất.

Tiến sĩ Dương Phước Tân – Đại diện Viện nghiên cứu Phát triển Tp.HCM cho biết:

"Chúng tôi ghi nhận, thứ nhất đa số người dân cho rằng giá vé là một trong những yếu tố làm hài lòng nhiều nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất. Thứ hai, tiện nghi trên xe, vừa qua chúng ta cũng đã cải tiến nội thất… thì người dân cũng hài lòng về vấn đề này. Thứ ba, người dân cũng hài lòng thái độ tài xế cải tiến một phần. Như vậy, qua phân tích, giá vé là yếu tố cần được xem xét trong thời gian tới".

Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố, việc điều chỉnh tăng giá vé lần này dựa trên khảo sát của Viện nghiên cứu Phát triển thành phố và trên 2.000 hành khách đi xe buýt, với 80% sự đồng thuận. Cụ thể, kể từ ngày 1/5, giá vé của 51 xe buýt tuyến có trợ giá sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lượt.

Trong đó, nhóm tuyến có cự ly từ 15 km trở xuống, giá vé giữ nguyên 5.000 đồng/lượt/hành khách. Tuyến có cự ly từ 15 km đến dưới 25 km, giá vé điều chỉnh từ 5.000 lên 6.000 đồng/lượt. Tuyến có cự ly từ 25 km trở lên, giá vé là 7.000 đồng/lượt. Riêng đối với học sinh, sinh viên, giá vé đồng hạng là 3.000 đồng/lượt nhưng khi lên xe phải xuất trình thẻ học sinh, sinh viên.

Ông Lê Hoàn – Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Trung tâm quản lý giao thông công cộng Tp.HCM đánh giá:

"Việc tăng giá vé này chúng tôi nhận thấy là cần thiết. Cụ thề việc áp dụng giá vé của Tp.HCM đã được áp dụng từ ngày 1/1/2013 cho đến nay trong khi các yếu tố vận tải biến động rất lớn. Cụ thể, đối với chi phí nhân công so với năm 2012 tăng khoảng 2 lần. Chi phí đầu tư phương tiện dao động từ 2 – 2,5 lần so với thời điểm năm 2012"

Với mức tăng hiện nay với người đi xe buýt là không cao và phù hợp. Song, người dân vẫn lo ngại về chất lượng phục vụ có được nâng cao. Cũng theo Viện nghiên cứu Phát triển thành phố, nguyên nhân chính khiến người dân vẫn chưa hài lòng và gắn bó đi xe buýt là mức độ an toàn an ninh chưa cao, vệ sinh tại trạm và trên xe chưa đảm bảo, thái độ của một số tiếp viên còn chưa tốt.

Về vấn đề này, theo ông Lê Hoàn, việc nâng cao chất lượng phục vụ đã được tiến hành từ năm 2004 không phải mới đây. Việc tăng giá vé cũng nhằm mục đích tiết kiệm ngân sách, tăng doanh thu khoảng 90 tỷ đồng; tạo điều kiện để đầu tư phương tiện mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Lê Hoàn khẳng định:

"Từ năm 2004, chúng tôi đã đưa vào đầu tư phương tiện mới, đến nay có gần 1.200 phương tiện mới, trong đó có khoảng 352 xe buýt sử dụng nhiên liệu tự nhiên là CNC. Sở GTVT và Trung tâm vừa rồi cũng đã tiếp tục kiến nghị UBND TP tiếp tục chương trình đầu tư phương tiện mới này, dự kiến đến 2020 chúng ta sẽ có thêm 816 xe buýt mới, để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Về phát triển hạ tầng, Sở GTVT và Trung tâm đã cải tạo bến xe buýt, tiếp tục có những cơ sở hạ tầng, ứng dụng thẻ thông minh, phục vụ người dân được tốt hơn".

Có tăng chất lượng?

Trước mắt, đa số người dân thành phố ủng hộ việc tăng giá vé xe buýt trên các tuyến xe có trợ giá, đồng nghĩa với việc họ mong muốn nhận được chất lượng phục vụ tốt hơn.

Còn phía cơ quan quản lý nhà nước, việc tăng giá vé cũng có ý nghĩa tạo điều kiện để phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện hơn. Liệu những mong mỏi trên có thực thi thực chất? 

Trong điều kiện, xe buýt là phương tiện công cộng được sử dụng rộng rãi trong mạng lưới giao thông công cộng tại các đô thị hiện nay, việc Sở Giao thông vận tải Tp.HCM ban hành quyết định điều chỉnh tăng giá vé xe buýt tuyến trợ giá, một số người dân đặt câu hỏi: đây có phải là lúc để tăng giá vé trong khi nhiều chi phí khác cũng tăng? Liệu tăng giá vé có tăng thêm chất lượng phục vụ?

Bởi, dù mức giá trước đó khá rẻ, cũng như hệ thống phương tiện đang được đầu tư, thái độ phục vụ của đội ngũ tài xế, tiếp viên cũng đã được cải thiện đáng kể nhưng sản lượng hành khách tham gia đi xe buýt tăng khá chậm, thậm chí có lúc bị bão hòa.

Trong khi đó, thời gian qua, dư luận và hành khách bức xúc trước tình trạng mất an ninh trật tự trên xe buýt, nạn trộm cắp móc túi. Các bác tài thì chạy tốc độ nhanh, dừng đón khách không đúng nơi quy định, không dừng hẳn khi đón trả khách gây mất an toàn.

Một số ít nhân viên xe buýt vẫn có thái độ không được nhã nhặn với hành khách, do môi trường làm việc nhiều rủi ro, đi sớm về trễ, tai nạn, kẹt xe, tiếp xúc với nhiều đối tượng. Nhà chờ, trạm dừng tạm bợ, nhếch nhác do buôn bán hàng rong, xe ôm chèo kéo hành khách.

Chưa kể, hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố vốn đã thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp; nhất là tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay khiến xe buýt chạy không đúng tuyến, trễ giờ hoặc bỏ tuyến. Lượng hành khách đi xe buýt trong những năm qua ví thế mà sụt giảm.

Phải khẳng định rằng, phương tiện công cộng – xe buýt được người dân hết sức ủng hộ và quan tâm. Bởi thực tế đã chứng minh, năm 2017, lượng khách đi xe buýt có dấu hiệu khởi sắc, nhờ phương tiện được đầu tư mới, cải tạo, hiện đại hóa hạ tầng bến bãi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng khách sử dụng phương tiện xe buýt có dấu hiệu chững lại. Quan ngại nhất vẫn là việc Tp.HCM áp dụng mức điều chỉnh tăng giá vé xe buýt tuyến trợ giá có đi đôi với việc tăng chất lượng phục vụ hay không ? Các nhà quản lý nên xem đây là điều kiện tiên quyết phải thực hiện; nếu không thì khó đủ sức thu hút người dân tham gia - thậm chí dễ khiến họ “quay lưng với xe buýt” và trở về sử dụng phương tiện cá nhân.

Để cạnh tranh với các loại hình vận chuyển khác, cũng như có chiến lược phát triển lâu dài, hướng đến xây dựng giao thông đô thị bền vững trong tương lai, nhất thiết hệ thống xe buýt nói riêng và mạng lưới giao thông cộng cộng nói chung phải tiếp tục hoàn thiện cở sở hạ tầng, hiện đại hóa các dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao về chất lượng, thái độ phục vụ; có chính sách kêu gọi đầu tư, tuyên truyền quảng bá thu hút người dân đi xe buýt; có giải pháp phân luồng, bố trí giao thông hợp lý, để đảm bảo tối đa sự an toàn và tiện nghi cho hành khách.

Mặt khác, trong điều kiện, bố trí dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt còn hạn chế, doanh thu từ việc tăng giá vé cần được sử dụng hợp lý và hiệu quả, minh bạch các nguồn đầu tư. Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải xe buýt trong việc đầu tư, cũng như nâng cao công tác quản lý.

Nhất là có chính sách quan tâm, tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho đội ngũ nhân viên lái xe; đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, bởi nguồn lực con người là yếu tố ưu tiên hàng đầu quyết định sự thành công trong việc đổi mới, cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng.