Để xe buýt không còn là “nỗi bất an” trên đường

23/10/2019 11:22 33

Mặc dù những năm gần đây, ý thức tham gia giao thông của tài xế xe buýt đã có nhiều cải thiện thế nhưng vì nhiều lí do như áp lực về thời gian, áp lực về tắc đường.

Hình ảnh những chiếc xe buýt bóp còi inh ỏi, phóng nhanh vượt ẩu, tạt đầu phương tiện khác, tấp vội vào điểm dừng đỗ… vẫn xuất hiện trên đường phố Hà Nội đang khiến nhiều người tham gia giao thông cảm thấy bất an. Trên thực tế, hiện nay, có một bộ phận lái xe, phụ xe có hành vi không chuẩn mực, coi thường pháp luật, thậm chí bạo lực khiến dư luận bức xúc.

Vào tháng 8 vừa qua, một hành khách nữ phản ánh vụ việc lái, phụ xe buýt số 42 lộ trình BX Giáp Bát - Đức Giang thản nhiên vừa ăn, vừa uống bia trên xe gây phản cảm, mất ATGT.

Trước đó, vào cuối tháng 4, mạng xã hội đăng tải hình ảnh kèm thông tin phản ánh của một hành khách đi tuyến xe buýt 32 Giáp Bát - Nhổn (Hà Nội) về việc tài xế vừa lái xe, vừa xem phim, nghe nhạc trong chặng đường từ bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai) đến quận Cầu Giấy.

Đầu năm nay, dư luận cũng xôn xao về clip ghi lại hình ảnh nhiều người đi xe máy bất bình trước việc xe buýt biển số 29B-509.97 đi lấn hoàn toàn sang làn đường ngược chiều tại điểm giao cắt Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Cửa Nam - Nguyễn Khuyến (Hà Nội) nên đã chặn đầu xe không cho tiếp tục di chuyển.

Liên quan đến vấn đề này, một số người dân nêu ý kiến:

“Nhìn chung người ta cứ bảo “hung thần” trên đường là cũng đúng bởi họ đi quá là ẩu, bởi vì họ hay bị âm giờ mà cho nên họ đi nhanh, hay luồn lách nữa nên trên đường mà đi cạnh xe buýt tôi cũng rất sợ”.

“Tôi đã từng gặp những chiếc xe buýt bấm còi liên tục, phóng vèo vèo trên đường, lấn sang làn bên cạnh, xe to mà đi liều”.

“Các bác tài xế tương đối chấp hành luật giao thông, tuy nhiên một số điểm bến các bác thường hay đóng mở cửa rất nhanh và đi qua luôn, chắc để tiết kiệm thời gian”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, toàn thành phố hiện có trên 6.500 lái xe và nhân viên phục vụ, đây là lực lượng có vai trò rất quan trọng với chất lượng phục vụ của mạng lưới trên tuyến. Chính vì thế, công tác đào tạo cần đặc biệt chú trọng.

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận hiện vẫn còn tình trạng tài xế chưa chấp hành tốt luật giao thông với các lỗi phổ biến như  chạy quá tốc độ, không đảm bảo thiết bị giám sát hành trình, lái xe làm việc quá thời gian quy định, không xé vé, niêm yết thông tin chưa đồng bộ... Trong 6 tháng đầu năm 2019, qua công tác kiểm tra giám sát đã phát hiện và lập 582 biên bản vi phạm hợp đồng.

xe buýt

Cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cũng như ứng xử văn minh của tài xế và nhân viên xe buýt, có như vậy mới thu hút được người dân sử dụng xe buýt. Ảnh: Nhân Trần

Chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình nhận định, nguyên nhân dẫn tới việc tài xế xe buýt phải “chạy đua” trên đường là do họ bị khống chế bởi thời gian chạy tuyến nên thường phải cố gắng lái xe thật nhanh để đảm bảo đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, xe buýt hiện đang phải lưu thông cùng các loại phương tiện khác như xe máy, ô tô nên tài xế xe buýt có xu hướng đi “lấn lướt” mới có thể lưu thông qua giữa dòng phương tiện đông đúc.

Thừa nhận thực tế này, tài xế trên tuyến buýt số 90 chia sẻ:

“Mình là lái xe, chở phía sau biết bao tính mạng con người cũng muốn đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách và những người đi ở dưới đường nhưng mà đôi khi cũng rất khó. Vì ý thức người ta kém nên là mình cũng phải lựa theo đường đi với lựa theo tình hình đường xá. Mỗi người phải nhường nhau một tý”.

Để khắc phục tình trạng trên, TS Phan Lê Bình cho rằng các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành xe buýt cần cân nhắc mức độ ưu tiên giữa thời gian chạy lộ trình hay độ an toàn để tránh gây áp lực lên các tài xế. Cùng với đó, về lâu dài, cần xây dựng làn đường riêng cho xe buýt nhằm đảm bảo việc vận hành diễn ra thuận lợi.

TS Phan Lê Bình đề xuất thêm:

“Một mặt chúng ta phải xác định được lái xe buýt có cách lái xe không chuẩn mực để chấn chỉnh, mặt khác cũng nên có thưởng xứng đáng đối với những tài xế, lái xe có thái độ chuẩn mực, hòa nhã, thân thiện với người dân để tạo động lực cho anh em lái xe, phụ xe để họ phấn đấu”.

Được biết, trong thời gian qua, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã triển khai rất nhiều chương trình tuyên truyền và chương trình đào tạo, chuyên đề về phổ biến giáo dục pháp luật, về đảm bảo trật tự ATGT, về kỹ năng lái xe, về kỹ năng giao tiếp cho lực lượng lái xe và nhân viên phục vụ. Tính riêng từ năm 2015 đến nay, thành phố đã mở được 226 lớp đào tạo dành cho đội ngũ lái xe và nhân viên bán vé, đào tạo được 12.000 học viên.

Có thể nói, ngoài việc tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cũng như ứng xử văn minh của tài xế và nhân viên xe buýt, có như vậy mới thu hút được người dân sử dụng xe buýt.