Thiết bị đo nồng độ cồn trước khi khởi động: Ngăn chặn hiệu quả người uống rượu bia lái xe

04/02/2020 09:32 674

Mới đây, bang New Jersey ban hành quy định mới, yêu cầu tất cả tài xế bị xử phạt vì hành vi say rượu khi lái xe.

Cơ quan an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ cho biết gần 11.000 người đã thiệt mạng do lái xe trong tình trạng say xỉn trong năm 2017, nghĩa là cứ 48 phút lại có một người trong số này tử vong.

Để ngăn chặn tình trạng, mới đây, bang New Jersey ban hành quy định mới, yêu cầu tất cả tài xế bị xử phạt vì hành vi say rượu khi lái xe, ngay cả lần đầu tiên, đều sẽ phải cài đặt thiết bị khóa liên động đánh lửa trong xe (hay còn gọi là thiết bị đo nồng độ cồn trước khi khởi động xe).

Thiết bị khóa liên động đánh lửa ngăn không cho xe khởi động nếu tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Ảnh: Getty image

Mọi lái xe vi phạm nồng độ cồn đều phải lắp khóa liên động

“Ngày nay với sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe, không có lý do gì mà chúng ta uống rượu và lái xe về nhà cả”.

Đó là chia sẻ của bà Aleida Marroquin ở bang New Jersey, người đã mất đi con gái trong một vụ tai nạn mà nguyên nhân là do tài xế say rượu cách đây 2 năm.  Vào thời điểm ấy, nữ tài xế 23 tuổi đang trong tình trạng say xỉn. Sau đó, phải nhận mức án 8 năm tù.

Bà Marrowquin cho biết thêm:

“Thực tế là cô ấy đã phá hủy nhiều gia đình khi đã uống rượu bia mà vẫn cầm lái. Cô ấy đã phá hủy gia đình tôi, phá hủy gia đình Jenna, và ở một mức độ nào đó, cô ấy cũng phá hủy cuộc sống của chính con gái mình. Mất con gái tôi là điều đau đớn nhất xảy ra với tôi”.

Gia đình các nạn nhân mong muốn chính quyền cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để ngăn cản hành vi lái xe khi say rượu và đưa ra những quy đinh nghiêm khắc hơn để tăng tính răn đe.

Kể từ ngày 01/12/2019, Luật lái xe khi say rượu mới của bang New Jersey chính thức có hiệu lực. Theo đó, bất cứ ai bị xử phạt lái xe trong khi đã uống rượu bia, ngay cả vi phạm lần đầu tiên, đều phải cài đặt thiết bị đo nồng độ cồn trước khi khởi động xe. Thiết bị này hoạt động như một bài kiểm tra hơi thở và sẽ không cho xe khởi động nếu nồng độ cồn trong máu của tài xế sẽ cao hơn 0,05%, mức này thấp hơn giới hạn nồng độ cồn theo quy định là 0,08%.

Vượt qua bước khởi động, thiết bị này tiếp tục yêu cầu người điều khiển phương tiện phải thử nồng độ cồn ngẫu nhiên theo thời gian đã được định sẵn trong thời gian phương tiện đang di chuyển.

Theo luật mới, những người vi phạm lần đầu tiên có giới hạn nồng độ cồn trong máu từ 0,08% đến 0,10% phải cài đặt thiết bị kiểm tra hơi thở trong xe 3 tháng. Còn nếu có nồng độ cồn trong máu trên 0,10 % đến 0,15 % sẽ phải cài đặt thiết bị này từ 7 đến 12 tháng.

Ông Jason Morton, của đội Tuần tra đường cao tốc California ở Redding cho biết: Ngoài tiền mua thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, các tài xế còn phải trả khoảng 3 đô la mỗi ngày cho khoản phí giám sát thiết bị. Chi phí hàng năm để duy trì thiết bị thường là 1.000 USD trở lên.

"Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trước khi khởi động xe rất, rất đắt. Bạn phải tải xuống và cập nhật nó thường xuyên, vì thế mà phải mất một khoản phí không nhỏ. Hi vọng rằng việc này sẽ giúp giảm số lượng người vi phạm lái xe khi say rượu”.

Vượt qua bước khởi động, thiết bị này tiếp tục yêu cầu phải thử nồng độ cồn ngẫu nhiên theo thời gian đã được định sẵn trong thời gian phương tiện đang di chuyển. Ảnh: Michelle Gustafson for The New York Times

Đình chỉ bằng lái không thể "trị tận gốc" hành vi lái xe khi say rượu

Tuy nhiên, trong khi luật mới mở rộng yêu cầu cài đặt thiết bị kiểm tra nồng độ cồn với tất cả những người vi phạm lần đầu, thì nó cũng loại bỏ quy định đình chỉ giấy phép lái xe đối với những người vi phạm lần đầu có nồng độ cồn trong máu chỉ cao hơn giới hạn pháp lý một chút, hoặc từ 0,08 đến 0,10%.

Hội các bà mẹ chống lại các tài xế say rượu và các nhóm vận động khác hoan nghênh luật mới này và xem đây như là một biện pháp thay thế cần thiết cho việc đình chỉ bằng lái.

Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy cho rằng: Mở rộng việc sử dụng các thiết bị đo nồng độ cồn trước khi khởi động xe là lẽ tất yếu. Tịch thu bằng lái là một công cụ không hoàn hảo, điều này không ngăn được việc tài xế vi phạm nồng độ cồn ngồi sau tay lái và có thể ảnh hưởng tới việc mưu sinh của họ.

Chưa kể, dù đã bị treo bằng lái xe, thực tế kiểm tra cho thấy vẫn có đến 3 trong số 4 người bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn vẫn tiếp tục lái xe sau đó; đe dọa an toàn của những người khác trên đường.

Đồng tình quan điểm trên, Thượng nghĩ sĩ Nicolas Scutari cho biết:

"Tôi có thể nói với bạn rằng theo kinh nghiệm của tôi với tư cách là một công tố viên, tôi đã đình chỉ giấy phép lái xe của nhiều người. Thế nhưng, đôi khi, họ vẫn lên xe và lái xe về nhà mà không cần bằng lái, vì vậy chúng tôi không thực sự ngăn chặn được họ”.

Những người ủng hộ cho rằng thiết bị đo nồng độ cồn trước khi khởi động xe có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn người say rượu ngồi sau tay lái, vì thiết bị này có thể vô hiệu hóa chiếc xe. Trong suốt 11 năm qua, các thiết bị đã ngăn chặn gần 74.000 vụ việc lái xe có mức nồng độ cồn trên 0,08% nhưng vẫn muốn lái xe.

Thiết bị đo nồng độ cồn trước khi khởi động xe đã được sử dụng ở New Jersey trong hơn một thập kỷ, nhưng chỉ áp dụng cho những người lái xe trong khi say rượu lần thứ hai trở lên, hoặc áp dụng cho những người vi phạm lần đầu máu có nồng độ cồn trong máu trên 0,15 %. Chi phí lắp đặt là 75 USD và chi phí giám sát hàng tháng 60-100 USD, đều do người vi phạm chi trả.

Kể từ ngày 1/12/2019 vừa qua, New Jersey trở thành bang thứ 34 yêu cầu mọi lái xe vi phạm nồng độ cồn ngay từ lần đầu tiên phải cài đặt thiết bị này.

Joel Harris, một luật sư bào chữa nổi tiếng, cho biết luật mới là một cách tiếp cận hợp lý hơn. Bởi các bản án đối với hành vi say rượu khi lái xe thường rất tốn kém, lên tới hàng ngàn đô la tiền phạt, phụ phí và phí luật sư.

Theo luật cũ, những người vi phạm đầu tiên có nồng độ cồn từ 0,08% đến 0,10% bị tước giấy phép lái xe 3 tháng, cộng với tiền phạt, phụ phí và tham dự bắt buộc tại một Trung tâm lái xe. Những người phạm tội đầu tiên đã thổi trên 0,10% có thể bị mất giấy phép trong 7 tháng đến 1 năm, cùng với tiền phạt, phụ phí và khóa học bắt buộc.

Thiết bị khóa khởi động ô tô của Mỹ

Khuyến nghị thiết bị đo nồng độ cồn là tính năng bắt buộc trên ô tô

Không dừng lại ở việc áp dụng với những người đã vi phạm nồng độ cồn, giới chức Mỹ đang lên kế hoạch để mở rộng lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn trước khi khởi động xe trên toàn bộ ô tô mới sản xuất, coi đây như tính năng an toàn bắt buộc giống túi khí, dây đai an toàn và camera lùi trên xe.

Sở phương tiện Cơ giới của  bang Virginia là nơi đầu tiên sử dụng thiết bị này trên toàn bộ xe của họ từ năm ngoái. Ngoài ra, công ty tư nhân James River Transportation đang thử nghiệm lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn trên xe đa dụng crossover trong điều kiện đường phố thực.

Trong khi đó, tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, chính thức có hiệu lực, nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Cùng với đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn cũng tăng nặng. Sau hơn 1 tuần triển khai, Nghị định 100 đã thực sự tạo ra một sự chuyển biến tích cực trong ý thức của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết nghị định 100 ra đời nhằm xiết chặt, tăng nặng chế tài xử phạt đối với một loạt những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao, trong đó việc sử dụng rượu bia.

“Chúng ta cần phải thực thi quy định pháp luật nghiêm hơn và đặc biệt là những chế tài phải mạnh tay hơn, để đủ sức răn đe. Những chế tài này phải gửi một thông điệp đủ mạnh đến bất kỳ ai để làm sao những người đó thay đổi hành vi”.

Ông Khuất Việt Hùng cũng khẳng định, chế tài nặng không phải mục đích xử phạt người dân mà để cảnh báo cho tất cả mọi người, ngăn chặn những hành vi vi phạm, không xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc.