Thanh toán không tiền mặt trên xe buýt: Xu hướng của tương lai

30/06/2020 09:34 268

Từ đầu tháng 6 này, hành khách đi xe buýt nhanh BRT sẽ không phải chuẩn bị tiền lẻ hoặc thanh toán tiền mặt để mua vé

Từ đầu tháng 6 này, hành khách đi xe buýt nhanh BRT sẽ không phải chuẩn bị tiền lẻ hoặc thanh toán tiền mặt để mua vé mà có thể chi trả tiền qua mã VNPAYQR liên kết với ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng.

hành khách đi xe buýt nhanh BRT sẽ không phải chuẩn bị tiền lẻ hoặc thanh toán tiền mặt để mua vé mà có thể chi trả tiền qua mã VNPAYQR

Việc thanh toán này được áp dụng cho khách hàng mua vé lượt tại các nhà chờ BRT. Ảnh: Hà Nội mới

Đi xe buýt BRT không cần tiền mặt

Đầu năm 2020, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã trở thành đơn vị vận tải hành khách công cộng tiên phong ứng dụng thanh toán VNPAY-QR trên toàn bộ các quầy bán vé tháng xe buýt của Tổng công ty.

Chỉ trong nửa năm triển khai hình thức thanh toán ưu việt này, doanh thu thanh toán không tiền mặt của đơn vị đã tăng lên khoảng 3 tỷ đồng - chiếm tỉ trọng gần 10% doanh thu bán vé tháng của doanh nghiệp.

Với chuyển biến tích cực này, từ ngày 2/6, Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội – Transerco) lần đầu tiên triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua VNPAYQR.

Việc thanh toán này được áp dụng cho khách hàng mua vé lượt tại các nhà chờ BRT. Hình thức này được thực hiện như sau: tại các nhà chờ BRT hành khách sử dụng ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng được cài đặt trên điện thoại di động và quét mã VNPAYQR có ở nhà chờ để thanh toán tiền mua vé lượt. Sau đó, nhân viên phục vụ tại nhà chờ xác nhận việc thanh toán thành công của khách hàng và xé vé lượt giao cho khách.

Tại khu vực nhà chờ BRT Kim Mã, anh Nguyễn Quốc Toản, sinh viên Đại học FPT cho biết anh chỉ sử dụng xe buýt 2 lần/tuần nên không mua vé tháng. Bình thường anh vẫn phải chuẩn bị tiền lẻ để tiết kiệm thời gian lúc xếp hàng mua vé, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Thế nhưng, gần đây, khi Transerco triển khai thanh toán qua mã VNPAYQR, anh thấy rất tiện lợi do tiền được trừ thẳng trong tài khoản thông qua ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng.

“Tôi thấy dùng tiện hơn rất nhiều vì bây giờ tiền lẻ hầu hết mọi người không mang nhiều mà ứng dụng công nghệ bây giờ sử dụng qua các banking nhiều hơn nên hình thức này rất phù hợp”, anh Toản cho biết. 

Mặc dù vậy, nhân viên làm nhiệm vụ bán vé ở nhà chờ BRT Kim Mã cho biết lượng khách sử dụng phương thức thanh toán mới này còn khá khiêm tốn, chủ yếu là người đi làm hay những người không thường xuyên đi xe buýt.

Theo khảo sát của phóng viên, do hình thức thanh toán này mới được triển khai nên nhiều hành khách còn chưa biết đến, bên cạnh đó, nhiều người, đặc biệt là người trung niên chưa thông thạo với việc thanh toán điện tử nên không sử dụng.

Một hành khách mặc dù đã được giới thiệu về hình thức thanh toán VNPAY nhưng vẫn đưa tờ 20.000 đồng để nhân viên trả lại với lí do “thỉnh thoảng lắm mới đi” và không rành thanh toán qua điện thoại.

Còn với chị Hà Lan (ở Nguyễn Thái Học), do dịch vụ còn khá mới mẻ, chị mới biết đến qua banner dán tại điểm dừng chờ nhưng chắc chắn sẽ dùng thử và hi vọng trong tương lai, việc thanh toán điện tử này được mở rộng ra nhiều tuyến buýt hơn nữa: “Tôi nghĩ là nó sẽ theo cái phát triển chung thôi. Bởi vì bây giờ tất cả đều có thể thanh toán điện tử. Với việc thanh toán qua VNPAY cho BRT thì tôi nghĩ là phù hợp và mọi người sẽ sử dụng nhiều trong thời gian tới”.

 Hành khách đi xe buýt nhanh BRT sẽ không phải chuẩn bị tiền lẻ hoặc thanh toán tiền mặt để mua vé mà có thể chi trả tiền qua mã VNPAYQR. Ảnh: Lê Tùng - Thanh Dung

Cần nhân rộng trên toàn mạng lưới xe buýt

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Khải, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội, cho rằng, qua khảo sát bước đầu cho thấy hành khách đi xe BRT khá ủng hộ với loại hình thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, thực tế là người dân biết đến và làm quen với hình thức thanh toán này còn ít. Với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hành khách cần phải sử dụng điện thoại có kết nối internet và có ứng dụng ngân hàng trên điện thoại để giao dịch nên thời gian truy cập vào ứng dụng ngân hàng lâu hơn so với việc đưa tiền mặt mua vé.

Bên cạnh đó, việc kết nối với các ngân hàng hiện còn gặp một số hạn chế. Ông Nguyễn Quang Khải cho biết thêm: “Bây giờ đang vướng là các ngân hàng kết nối cũng chỉ có mấy ngân hàng thôi. Rồi có ngân hàng kết nối được nhưng mức thanh toán tối thiểu phải 10.000 đồng trong khi vé xe buýt BRT là 7.000 đồng”.

Được biết, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nằm trong chiến lược phát triển mở rộng các hình thức thanh toán của Transerco. Sau quá trình thí điểm trên tuyến buýt nhanh BRT, Transerco sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mới này cho hành khách mua vé lượt trên các tuyến xe buýt chất lượng cao số 68 và 86 đi sân bay Nội Bài.

Đánh giá cao sự tiên phong của Transerco, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Tp.Hà Nội cho rằng cần nhân rộng hình thức này trong toàn bộ hệ thống mạng lưới xe buýt của thủ đô và để làm được điều đó, cần có sự chung tay của cơ quan nhà nước.

“Không dùng tiền mặt trong tất cả các dịch vụ trong tương lai thì là phù hợp với quy luật. Hiện nay, Transerco tiên phong như thế là rất tốt nhưng tôi nghĩ rằng áp dụng trên 1, 2 tuyến chưa giải quyết được vấn đề. Cần phải áp dụng đại trà cho toàn bộ Transerco và thậm chí toàn bộ mạng xe buýt. Và quản lý nhà nước cũng phải có bàn tay can thiệp vào để thúc đẩy tất cả các doanh nghiệp cùng làm. Điều này tiện lợi cho khách hàng, tiện lợi cho cả việc quản lý và đảm bảo cho việc chống thất thu rất tốt”, ông Nguyễn Trọng Thông nêu ý kiến.

Mặc dù việc triển khai phương thức thành toán không dùng tiền mặt vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vẫn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, các chuyên gia đánh giá đây là xu thế tất yếu trong thời kỳ công nghệ số và thương mại điện tử sẽ giúp khách hàng giảm nhu cầu thanh toán trao đổi tiền mặt đúng với mục tiêu được Chính phủ đặt ra đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam.

https://vovgiaothong.vn/thanh-toan-khong-tien-mat-tren-xe-buyt-xu-huong-cua-tuong-lai - Nguồn vov.vn