Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT: Đừng thêm củi vào lò đang cháy

20/05/2020 10:39 633

Việc Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT trong lúc chưa tìm ra được cách giải quyết thỏa đáng đã vấp phải rất nhiều sự phản đối từ giới chuyên gia

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay có 58/60 dự án BOT đạt doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính. Trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%. Tính đến hết năm 2019, có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo, trong đó có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu hoặc đang tạm dừng thu. Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp BOT gặp khó khăn trong hoạt động, nhất là giảm doanh thu do dịch COVID-19, Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ 2 phương án tăng phí BOT giao thông.

Chia sẻ về đề xuất này, ông Nguyễn Viết Huy - Phó vụ trưởng Vụ đối tác công tư Bộ GTVT cho biết:

"Tôi vẫn biết là việc đề xuất tăng phí là nhạy cảm trong lúc mọi chủ trương chung là làm sao phải giảm được các loại thuế phí. Nhưng mình phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp đầu tư vì họ đang gặp khó khăn. Chính phủ có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn này thì việc tăng phí đó là một giải pháp để các doanh nghiệp BOT đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid".

Theo lý giải của Bộ GTVT, việc đề xuất tăng phí lần này căn cứ vào lộ trình trong hợp đồng BOT đã ký trước đó cũng như dựa trên sự sụt giảm doanh thu thực tế của các dự án vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vì vậy, việc tăng phí để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT là rất cần thiết trong giai đoạn này, bởi dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu phí và trả nợ Ngân hàng. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp vận tải và lái xe cả nước.

"Rất vô lý vì chúng tôi bỏ tiền ra đóng phí nhưng vẫn chưa rõ ràng trong BOT và BT cũng như những tuyến đường đầu tư không đúng mục đích để chúng tôi chui vào những cái rọ thu tiền của BOT"

"Tăng thêm thì nó đắt quá, xe 1 tấn 4 thì 50,000 đồng, xe em thì 35.000 đồng thôi, tăng thêm thì nó đắt quá, xe em chỉ đáng tầm này thôi".

"Phí đường bộ khi đăng kiểm thì mình đã nộp rồi giờ đi đến đâu thì BOT nộp đến đó, giờ mà tăng lên thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong chi tiêu. Xe nhà còn được chứ chở thuê thì chả được bao nhiêu cả".

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: đề xuất này ít nhiều cũng phù hợp với lộ trình cũng như các điều khoản cam kết trong hợp đồng đầu tư BOT, tuy nhiên cũng cần thận trọng khi đưa ra đề xuất này trong bối cảnh nhạy cảm như hiện nay:

"Đề nghị của nhà đầu tư hay Bộ GTVT thì cũng chính đáng thôi, tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế nói chung, ngành vận tải nói riêng đang rất khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid 19. Vì vậy, nên tiếp tục nghiên cứu, nếu có triển khai thì cũng cần thêm một thời gian nữa để hoạt động vận tải ổn định hơn".

Cùng chung quan điểm, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho rằng, khó khăn lúc này là khó khăn chung của cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng của các doanh nghiệp BOT, vì vậy phải rất thận trọng khi đề xuất cũng như triển khai vấn đề này:

"Tôi cho rằng dịch Covid 19 gây khó khăn cho tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ riêng với các doanh nghiệp BOT. Nếu đề xuất tăng giá lúc này thì hơi nhạy cảm, nên để tình hình ổn định hơn nữa rồi tính toán lại thì tốt hơn".

Doanh nghiệp cho rằng việc tăng phí BOT trong bối cảnh doanh nghiệp đang "kiệt quệ" vì dich Covid-19 là không hợp lý. Ảnh; plo.vn

Không đồng tình với đề xuất này của Bộ GTVT, ông Lê Trung Tín - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho rằng: Doanh nghiệp BOT về bản chất cũng là 1 loại hình doanh nghiệp. Và bản chất của doanh nghiệp trong kinh doanh là “lời ăn lỗ chịu”, hà cớ gì Bộ GTVT lại quá sốt sắng tìm cách hỗ trợ các chủ đầu tư BOT đến như vậy?

"Qua đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp/HTX vận tải, đặc biệt là khối vận tải hành khách của chúng tôi đang gặp vô vàn khó khăn, mà các gói kích thích kinh tế của Chính Phủ chưa chạm đến được hoặc chưa thấm đâu vào đâu. Chúng tôi vừa mới kiến nghị là nên cân nhắc giảm chi phí qua các trạm BOT nhằm giúp ngành vận tải sớm phục hồi. Trong khi việc giảm chưa được thực hiện thì Bộ GTVT lại đề nghị tăng phí BOT là một điều mà giới vận tải chúng tôi thấy bất bình. Theo tôi, nếu đề xuất được thông qua là một tai hại cho ngành vận tải".

Theo ông Hoàng Văn Cường - đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, trước khi bàn đến chuyện tăng phí thì Bộ GTVT và các doanh nghiệp cần công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến các dự án BOT giao thông:

"Trước khi thực hiện việc tăng thì thì tôi cho rằng chúng ta cần làm thực sự công khai minh bạch thông tin về các dự án định tăng phí. Trước hết là công bố công khai về phương án tài chính của dự án từ đầu được cam kết như thế nào, thứ hai là trong quá trình vận hành thì các phương tiện qua lại được thống kê ghi chép ra sao để chứng minh rằng nguồn thu có bị thiếu hụt hay không?".

Đừng thêm củi vào lò đang cháy

Liên tục trong những năm qua, BOT giao thông luôn là một chủ đề nóng thu hút được dư luận cả nước bởi những lùm xùm không đáng có. Việc Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT trong lúc chưa tìm ra được cách giải quyết thỏa đáng đã vấp phải rất nhiều sự phản đối từ giới chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải cũng như dư luận cả nước.

Vậy đâu là chìa khóa thích hợp để tháo gỡ nút thắt cũng như đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong câu chuyện BOT giao thông? 

Việc Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT trong lúc chưa tìm ra được cách giải quyết thỏa đáng đã vấp phải rất nhiều sự phản đối.

Trong bối cảnh ngân sách quốc gia hạn hẹp, các nhà tài trợ nước ngoài ngày càng thắt chặt hầu bao, cơ sở hạ tầng yếu kém thì mô hình hợp tác công tư (PPP) nói chung và BOT nói riêng được xem là một chính sách phù hợp, là đòn bẩy quan trọng để sớm có được một mạng lưới giao thông hiện đại, thuận tiện đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế -xã hội.

Tuy nhiên, thực tế triển khai BOT ở nước ta thời gian qua đã đặt ra một câu hỏi lớn về sự công khai, minh bạch. Đó là, nhiều dự án BOT giao thông được đầu tư theo hình thức chỉ định thầu; không qua đấu thầu; nhiều nhà đầu tư được phê duyệt mà chưa qua bước kiểm tra năng lực, phần vốn đầu tư chủ yếu vay từ ngân hàng; một số dự án BOT triển khai trên đường quốc lộ đã có sẵn, không phải làm đường mới. Đó là chưa kể nhiều BOT còn mập mờ trong thu chi; chậm triển khai thu phí tự động không dừng…

Dù là người trực tiếp thụ hưởng và chi trả khi sử dụng BOT giao thông, song các tài xế hay người sử dụng dịch vụ đã không được xem là “thượng đế” trong các giao dịch của mình. Tại nhiều khu vực như trạm Cai Lậy (Tiền Giang) hay trạm trên tuyến quốc lộ 91 Cần Thơ- Long Xuyên, khách hàng không khác gì “cá tự chui đầu vào lưới” khi không có sự lựa chọn nào khác bởi BOT đặt trên quốc lộ ở thế” yết hầu”; đi đường nào thì cũng phải qua trạm và phải đóng phí.

Hậu quả là các trạm này hiện phải tạm đóng cửa. Việc người dân bức xúc và yêu cầu được minh bạch hóa tất cả yếu tố liên quan đến BOT giao thông thời gian qua là có cơ sở.

Như vậy, trong khi nút thắt lớn nhất về công khai, minh bạch thông tin chưa được tháo gỡ thì việc Bộ GTVT mới đây tiếp tục đề xuất tăng phí BOT không khác gì “thêm củi vào lò đang cháy”. Trong khi Chính Phủ đã đặt quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế song song với việc phòng chống dịch COVID-19; đồng thời yêu cầu tất cả các bộ, ngành địa phương phải vào cuộc kịp thời, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để tái lập hoạt động kinh doanh, sản xuất thì đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT có biểu hiện của việc đi ngược với chủ trương lớn của Chính phủ; đồng thời  nguy cơ làm xói mòn niềm tin của người dân lẫn doanh nghiệp vào các chính sách kích cầu tăng trưởng của nhà nước.

Các dự án BOT giao thông thời gian qua ở góc độ nào đó đã để lại nhiều hậu quả xấu, nhất là các BOT chỉ định mà không qua đấu thầu; làm theo kiểu” Lời thì ăn mà lỗ thì kêu nhà nước”. Trong khi theo quy luật thị trường, BOT hay bất cứ hình thức nào vẫn phải tuân theo nguyên tắc kinh doanh” lời ăn lỗ chịu”.

Do vậy, thay vì tích cực phối hợp với các bên để tìm câu trả lời thỏa đáng, Bộ GTVT có thể vì ngại trách nhiệm đã vội vàng đề xuất tăng phí để chiều lòng các doanh nghiệp và đẩy cái khó cho người sử dụng dịch vụ là chưa thỏa đáng. Bởi việc tăng phí hay không đều phải căn cứ vào lộ trình và quy định của pháp luật, cũng như việc cân đối từ các nguồn khác nhau chứ không thể dựa vào các yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, Bộ GTVT cần thận trọng và có một cái nhìn bao quát hơn từ nhiều phía, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng quá lớn như hiện nay đến ngành vận tải. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy trình, sớm kiến nghị sửa đổi luật pháp, kiến tạo các sân chơi bình đẳng; Bộ cùng các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đề nghị các doanh nghiệp chứng minh đầy đủ, minh bạch về sự sụt giảm doanh thu cũng như sớmtriển khai xong việc thu phí tự động không dừng để giải tỏa những nghi vấn thiếu minh bạch thông tin.

Yêu cầu đặt ra lúc này là cần công khai, minh bạch và trả lời 1 cách thấu tình đạt lý với người dân cả nước về câu chuyện BOT giao thông trước khi tính đến chuyện tăng phí. Nếu làm được điều này thì không chỉ xua tan được những ý nghĩ tiêu cực, méo mó về BOT mà còn giúp khôi phục lại niềm tin cho người dân, khuyến khích, tôn trọng các nhà đầu tư BOT chân chính, xa hơn nữa là đảm bảo mục tiêu tốt đẹp của các hình thức hợp tác công tư, tạo tiền đề tích cực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.