Trải lòng của quái xế giải nghệ: Đua vì những ánh mắt… hâm mộ

18/10/2019 14:13 222

Cứ mỗi tối, sau khi cơm nước xong H. lại xách xe ra đường, sau lưng kẹp cứng cô bạn gái ăn mặc sành điệu.

Thỉnh thoảng H. lại đột ngột kéo thốc ga, theo đó là tiếng nổ xé tai của chiếc pô độ H. kỳ công mua được của 1 gã chuyên độ xe gần nhà.

Tụ tập đua xe trái phép, lạng lách đánh võng… gây ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự xã hội cũng như an toàn tính mạng cho những người tham gia giao thông bình thường và ngay cả với những người đua xe

Hành động này luôn khiến các cơ quan chức năng đau đầu trong việc tìm giải pháp hạn chế, ngăn chặn, nhưng cho đến nay, rất nhiều các giải pháp đưa ra, vẫn không có nhiều thay đổi…

Hơn 10 năm trước, Nguyễn Trung H. – tên bạn bè thường gọi là H. “lùn” – là một “thần tượng”, idol trong đám thanh niên choai choai có chung 1 niềm đam mê là đua xe.

Cứ mỗi tối, sau khi cơm nước xong H. lại xách xe ra đường, sau lưng kẹp cứng là cô bạn gái ăn mặc sành điệu. Chuyến hành trình bắt đầu bằng việc rà rà chạy xe chầm chậm qua các con phố nhỏ, cả 2 mắt liên tục ngó nghênh bên đường, đặc biệt trong những góc khuất, tối xem có đám đông nào tụ tập không?

Thỉnh thoảng H. lại đột ngột kéo thốc ga, theo đó là tiếng nổ xé tai của chiếc pô độ H. đã kỳ công mua được của 1 gã chuyên độ xe ở gần nhà. Tiếng pô nổ như 1 thứ mãnh lực báo hiệu, thu hút, mời gọi đám bạn hay thậm chí là những kẻ xa lạ nhưng có cùng “đam mê” đua xe như H…

Chỉ sau vài lần vê ga, sau xe H. đã có thêm 3-4 chiếc xe được điều khiển bởi những gương mặt non choẹt, thậm chí có đứa vẫn còn mặc nguyên đồng phục đi học. Rồi cả lũ rồng rắn kéo nhau tìm đến những cung đường quen thuộc cho việc đua xe.

Tất nhiên, với H. việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đặc biệt khi đua là 1 sự xỉ nhục đối với cậu, chưa kể sẽ mất uy phong với lũ đàn em: Dấu hiệu nhận biết của dân đua là ra ngoài đường cứ tụ tập đông toàn nam thanh niên, tụ tập thành đoàn, đi rất đông, không đội mũ, vừa đi vừa rú còi lượn lách…

Những thanh niên đầu không đội mũ bảo hiểm, tụ tập thành từng nhóm, chỉ chờ hiệu lệnh là xuất phát

Những con đường đua yêu thích và dễ dàng tránh được cơ động hoặc cảnh sát giao thông bắt phải rộng rãi, nhiều lối thoát, thậm chí khi lượng adrenalin lên cao sau những đoạn vọt ga, bốc đầu, H. và đám bạn còn cố tình tìm những chốt CSGT để phóng qua trêu trọc: Đường đua ngày xưa thời bọn em là cứ tụ tập ở đầu phố Huế, rồi lên đến vòi phun (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – pv), có đoàn đã đợi ở đấy, rồi rú còi cho đoàn theo, xong lại đua về Bà Triệu, “đóng” về Xã Đàn, xong lại ra đua ở các đường như Thi Sách, Bờ Hồ, Hàng Mã, Hàng Bạc, Lương Ngọc Quyến…

Sau 1 cuộc đua với tốc độ cao, lạng lách qua các cung đường khắp phố cổ để trốn cảnh sát cơ động, H. gặp tai nạn tưởng mất mạng: Thực sự em bị tai nạn rất nhiều, em bị chấn thương sọ não, bị dập nát gan… Cuối tháng 10/2010 lúc đó em đang trên đường đua từ Lăng Bác về vườn hoa Con Cóc chỗ Metropol, em bị tai nạn, em nghe người ta nói là em tránh 1 người phụ nữ mang bầu, thế rồi em bị tai nạn, bất tỉnh mất 10 ngày…

Từ đó H. nhận ra rằng, việc đua xe quá vô nghĩa, nó chẳng giúp ích gì cho cuộc đời của mình, cho tương lai của mình cả và hơn hết là khiến cha mẹ, người thân của mình rất đau lòng: Em có lời khuyên cho tất cả các thanh niên, các em, các cháu đang đua xe bây giờ nên dừng lại, tu chí, đang đi học thì nên tu chí học hành, nếu đã đi làm thì nên tập trung làm việc để giúp ích cho gia đình, rồi xã hội. Khi mình đi đua, bị ngã, bị tai nạn thì bố mẹ dứt ruột đẻ ra mình đau xót lắm. Nên các bạn thôi, hãy từ bỏ đi…

Giờ H. đã có vợ con, công việc đàng hoàng – vợ H. bây giờ cũng chính là cô bạn gái ngày xưa vẫn hằng đêm kẹp cứng sau xe H. trên những cung đường đua tử thần.

Ngay cả bản thân vợ H. sau khi chứng kiến người yêu gặp tai nạn thảm khốc tưởng như đã không còn giữ được tính mạng cũng dần hồi tỉnh, tập trung chăm sóc H. cho lành bệnh rồi cả 2 ra lời thề sẽ không bao giờ đua xe nữa.

Nghĩ lại 1 thời nông nổi, đua xe chỉ vì thứ danh hão và những ánh mắt ngưỡng mộ, vài lời tung hô sáo rỗng, vợ chồng H. bùi ngùi: Hồi xưa bọn bạn em hâm mộ chúng em lắm. Các bạn sinh năm 98-99 hâm mộ em lắm, nghe đến tên em trên đường đua là các bạn “kéo” ngay (tham gia đua-pv)

Lực lượng CSGT, 141 phải làm việc rất vất vả để trấn áp những người đua xe trái phép hằng đêm

Tại báo cáo Sơ kết tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch 141 Quý III của CATP cho thấy, lực lượng 141 CATP đã kiểm tra, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm hành chính về TTATGT, tạm giữ 1.104 phương tiện và 1.488 bộ giấy tờ. Thông qua kiểm tra, xử lý đã phát hiện, bắt giữ 248 vụ/288 đối tượng có dấu hiệu phạm tội, bàn giao cho các phòng, đội nghiệp vụ và Công an các phường, đồn, trạm… tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến – Phó Đội trưởng đội Tuần tra dẫn đoàn dù các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng đua xe, cổ vũ đua xe trái phép nhưng vẫn còn rất nhiều đối tượng tỏ ra coi thường pháp luật, đặc biệt còn mở rộng ra những thành phần xã hội khác: Các đối tượng đua xe thường trong độ tuổi từ 15-19-20 tuổi, thậm chí hiện nay còn có sự tham gia của nhiều sinh viên các trường đại học, hoặc 1 số các đối tượng chạy xe ôm công nghệ như Grab, Uber, Be… cũng tham gia cổ vũ, đua xe…

Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến đề xuất: Để quản lý được những đối tượng này thì trước hết phụ thuộc gia đình, lực lượng công an không thể suốt ngày đến nhà để giám sát những đối tượng này. Ngoài lực lượng công an cần phải sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tổ dân phố, mặt trận, hội phụ nữ cũng phải tham gia vào công tác quản lý đối tượng từ cơ sở. Vì thực ra bắt những đối tượng này rất nguy hiểm, trước hết cho bản thân đối tượng, sau đó là nguy hiểm cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Nhiều đối tượng thời gian vừa rồi còn manh động đâm thẳng vào lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ, gần đây có đối tượng đâm thẳng vào người đi đường, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Đua xe chỉ để nhận được những ánh mắt… hâm mộ

Những ánh mắt ngưỡng mộ, những lời tung hô sáo rỗng và cái danh hão,… đó là những thứ mà 1 thanh niên trẻ tuổi sẵn sàng đánh đổi tính mạng, sự an toàn của bản thân và những người xung quanh để tìm cho mình 1 chút cảm giác mạnh trên đường đua.

Hiện nay, việc bố mẹ sẵn sàng mua cho con 1 chiếc xe máy để đi học dù con chưa đủ tuổi được điều khiển là khá phổ biến. Với tâm lý, suy nghĩ hỗ trợ con trong việc đi lại thuận tiện học hành, nhưng vứt 1 chiếc xe gắn máy cho con trẻ khi chúng chưa làm chủ được suy nghĩ bản thân đó là thể hiện thái độ vô trách nhiệm của phụ huynh. 1 ngày các em có từ 7-8 tiếng đồng hồ bên ngoài gia đình, trong đó có vài tiếng ngoài giảng đường, liệu rằng nhiều phụ huynh có nắm được lịch sinh hoạt, học tập, vui chơi của con mình? Hay phó mặc cho nhà trường, cho xã hội?

Chỉ đến khi con gây ra chuyện ở bên ngoài, các bậc phụ huynh mới ngã ngửa, rồi thốt lên 1 câu: Ở nhà cháu nó ngoan lắm! – Câu nói phổ biến tới mức đau lòng, thể hiện sự vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ.

Với những người trẻ, họ cần các thế hệ đi trước hướng dẫn, chỉ bảo để không mắc sai lầm. Thế nhưng, 1 xã hội mà trong đó những người trẻ tuổi chỉ chú ý tới việc ăn mặc sao cho đẹp, hưởng thụ sao cho giống trên phim ảnh, sẵn sàng đòi hỏi những thứ vượt quá tầm của cha mẹ, vượt quá điều kiện của gia đình… hậu quả mang tới sẽ là những con người không có tư duy, suy nghĩ lệch lạc. Việc 1 người trẻ tuổi bất chấp tính mạng, sẵn sàng đua xe tốc độ cao, sẵn sàng vi phạm những quy tắc xã hội, quy định của pháp luật cũng phản ánh 1 nền giáo dục chưa được chuẩn mực.

Con cái là tương lai của cha mẹ, tuổi trẻ là nền tảng của xã hội, khi 1 xã hội không chú trọng tới việc giáo dục đào tạo con người, xã hội đó sẽ mất cân bằng và mãi mãi không phát triển.