Bị quấy rối tình dục: Đối phó thế nào?

12/05/2022 15:09 851

Khi bị quấy rối tình dục, không phải ai cũng đủ kiến thức, lý trí để tìm được cách xử lý cũng như kêu gọi sự trợ giúp từ người khác. BS Nguyễn Thế Lương ch

Cách đây chưa lâu một nhóm bạn gái trẻ đã tố cáo Ngô Hoàng Anh – người được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh – đã quấy rối tình dục họ trong thời gian dài. Vụ việc này không phải là chuyện hiếm gặp bởi từ trước đến nay, chúng ta từng chứng kiến nhiều người cũng là nạn nhân của những kẻ quấy rối tình dục. Khảo sát do ActionAid và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình và Môi trường trong Phát triển thực hiện cho thấy: Tại Việt Nam, 87% phụ nữ và trẻ em gái được khảo sát từng bị quấy rối nơi công cộng; gần 54% nhân viên văn phòng và khoảng 60% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần.

Theo chuyên gia nam học -bác sĩ Nguyễn Thế Lương, từ trước đến nay, mọi người thường nghĩ nạn nhân của quấy rối tình dục thường là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên trong thực tế không chỉ như vậy. “Nhiều nạn nhân là nam giới khi đến với chúng tôi đã kể lại những câu chuyện họ bị trêu đùa, quấy rối và họ không thể nói ra. Điều đó cho thấy sự yếu ớt và căng thẳng của họ” – BS Lương cho biết.

Hiện nay, nạn quấy rối tình dục không chỉ diễn ra trong thực tế cuộc sống mà còn diễn ra cả trên không gian mạng. Tính ẩn danh hoặc việc trò chuyện bằng tin nhắn, không đối diện trực tiếp đã tạo điều kiện cho kẻ quấy rối dễ thực hiện những hành vi, lời nói có tính chất sàm sỡ, gợi dục. Đồng thời, những tin nhắn cũng sẽ dễ dàng được thu hồi và xóa mất dấu tích khiến nạn nhân khó thu thập chứng cứ nếu muốn tố cáo những hành vi thiếu đứng đắn và vi phạm đạo đức, pháp luật.

Với suy nghĩ “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” nên nhiều người không ý thức được mình đang là nạn nhân của quấy rối tình dục và cho đó chỉ là trêu đùa. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thế Lương, quấy rối tình dục không chỉ là hành vi phô bày thân thể hay những hình ảnh,tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục; những hành động, cử chỉ  cố ý đụng chạm vào cơ thể… Dù chỉ là những lời nói bình phẩm về hình thể hay những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể hoặc có tính chất gợi dục… cũng được coi là quấy rối, vi phạm đạo đức và pháp luật.

Bên cạnh đó, khi bị quấy rối tình dục, phần lớn nạn nhân đều chỉ biết âm thầm chịu đựng. Cũng có người dũng cảm đứng lên tố cáo nhưng thường phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận, thậm chí có khi còn bị phê phán ngược lại rằng “chắc cũng chẳng đứng đắn, chính chuyên gì” hoặc “phải thế nào thì mới bị quấy rối”. Những năm gần đây, vấn nạn quấy rối tình dục đã được cộng đồng, dư luận quan tâm và phản đối mạnh mẽ, dư luận cho rằng cần thiết phải đưa những hành vi thiếu chuẩn mực này ra "ánh sáng". Tuy nhiên, ở một số nơi, một số người thì tính nghiêm trọng của vấn đề cũng chưa được nhìn nhận một cách đúng mức, dù nạn nhân lên tiếng thì người quấy rối cũng không bị xử lý một cách thỏa đáng.  

Khị bị quấy rối tình dục, cần xử lý một cách mềm mỏng nhưng kiên quyết. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, không phải ai cũng đủ kiến thức, lý trí để tìm được cách xử lý cũng như kêu gọi sự trợ giúp từ người khác. Bác sĩ Nguyễn Thế Lương cho biết, không chỉ trẻ em hoặc thanh niên mới lớn – những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống - mà ngay cả người trưởng thành, nếu thiếu hiểu biết về pháp luật, đôi khi cũng chỉ biết giải quyết vấn đề theo bản năng, thậm chí lại trở thành người vi phạm pháp luật.

“Việc xử lý sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể khác nhau nhưng theo tôi là cần phải vừa mềm mỏng nhưng cũng phải kiên quyết, giữ nguyên tắc tránh xâm hại và không cho phép kẻ quấy rối động chạm đến những giá trị mà mình cần bảo tồn. Cần phải gửi đi những thông điệp rất rõ ràng đến thẳng đối phương về việc mong muốn chấm dứt hành vi quấy rối. 

Trong trường hợp cần thiết nữa thì có thể dùng áp lực của dư luận cũng như môi trường xung quanh hoặc báo cáo hành vi đó với người quản lý để chấm dứt” - bác sĩ Nguyễn Thế Lương đưa ra lời khuyên. Đồng thời hướng dẫn, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại, người bị quấy rối có thể dễ dàng lưu lại những hình ảnh, video, đoạn băng ghi âm để đủ bằng chứng tố cáo khi cần đưa vụ việc ra pháp luật.

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Lương, ở nước ta hệ thống pháp luật đã có đầy đủ những quy định về các biện pháp răn đe cũng như xử lý các hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để mọi người nhận diện được những lời nói, hành vi có tính chất gợi dục, quấy rối. Đồng thời, cần tiếp tục khuyến khích nạn nhân lên tiếng và các cơ quan chức năng cần vào cuộc, giải quyết vấn đề một cách tích cực, dứt điểm khi có vụ việc xảy ra.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/chuyen-tham-kin/bi-quay-roi-tinh-duc-doi-pho-the-nao-33654.vov2