Trả tiền để người dân đi xe đạp; nhưng đau đầu quản lý số lượng xe đạp nhiều hơn số dân?
Từ lâu, Hà Lan được mệnh danh là Vương quốc xe đạp bởi số lượng cũng như tỷ lệ người sử dụng xe đạp rất cao
Với 17 triệu dân nhưng có tới 23 triệu chiếc xe đạp. Theo thống kê, hơn một phần tư chuyến đi của người Hà Lan được thực hiện bằng xe đạp. Tuy nhiên, chỉ có 25% số chuyến xe đạp đi làm, 37% dã ngoại, còn lại là đi học, mua sắm v.v…
Hơn một nửa dân số Hà Lan sống cách nơi làm việc dưới 15 km. Hơn một nửa số chuyến ô tô di chuyển dưới 7,5 km. Do đó, để cổ vũ nhân viên đi làm bằng xe đạp, chính phủ Hà Lan sẽ thưởng cho người đạp xe thông qua khoản tín dụng thuế là 0,22 USD (tương đương 5 nghìn đồng VN) cho mỗi ki-lô-mét đạp xe đi làm. Mục tiêu là có thêm 200 nghìn người dân đi xe đạp trong 3 năm tới.
Văn hóa xe đạp của người Hà Lan khiến nhiều nước ngưỡng mộ và muốn học hỏi. Boris Johnson, cựu Ngoại trưởng Anh cho biết:
“Văn hóa đi xe đạp ở Hà Lan rất khác biệt. Đó không chỉ là một đoàn người tập trung vào lái xe, cố gắng đi từ A đến B càng nhanh càng tốt. Họ dường như đang hưởng thụ, trải nghiệm việc đi xe đạp vậy. Nếu nước Anh có thể làm được như vậy, điều đó thực sự tốt.”
Tuy nhiên, tăng số người đi xe đạp đồng nghĩa với việc cần thêm cơ sở hạ tầng, biện pháp quản lý. Nếu không, Hà Lan có nguy cơ đối mặt với những vấn đề mà Trung Quốc, quốc gia tỷ dân đang phải trải qua.
Dịch vụ cho thuê xe đạp ban đầu được kỳ vọng sẽ mang lại cuộc cách mạng để giải quyết nạn kẹt xe cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc. Chỉ trong vòng 3 năm, hàng triệu chiếc xe đạp từ các công ty tư nhân đổ vào thị trường.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá nhanh khiến nhiều vấn đề nảy sinh. Hạ tầng và quy chế quản lý không theo kịp. Người dùng dịch vụ chia sẻ xe đạp tùy hứng đỗ xe ở bất cứ đâu, thậm chí là bỏ chúng đi. Xe đạp cho thuê để quá nhiều trên đường phố Trung Quốc dẫn đến cảnh các vỉa hè chật kín, không còn chỗ cho người đi bộ.
Núi rác xe đạp tại Hạ Môn, Trung Quốc
Đồng thời, các công ty Trung Quốc đã không tạo ra được một mô hình quản lý cũng kinh doanh khả thi, khiến ngành công nghiệp cho thuê xe đạp lao đao, phá sản. Giờ chỉ còn lại những bãi rác xe đạp, tiêu biểu trong số đó là núi rác xe đạp ở thành phố Hạ Môn.
Winston, một người Mỹ sống tại Trung Quốc chia sẻ:
“Nếu ở nước ngoài, bạn phải tới các trạm, thuê xe bằng thẻ, lái xe tới trạm khác rồi gửi xe tại đó. Nhưng ở Trung Quốc, các xe đạp cho thuê được gắn chip, bạn chỉ việc dùng ứng dụng trên điện thoại để mở chúng, dùng xong để bất cứ đâu bạn muốn. Điều này tạo nên sự tiện lợi, nhưng đồng thời tạo nên một khung cảnh xấu xí khi xe đạp được vứt bừa bãi ở khắp nơi”.
Những vấn đề đối với xe đạp ở Trung Quốc cũng tồn tại ở Hà Lan; khi xe đạp bỏ hoang chiếm khoảng 20% diện tích bãi đỗ xe đạp.
Trong vài năm trở lại đây, Hà Lan vẫn phải tiếc tục thực hiện việc tháo dỡ, tiêu hủy những chiếc xe bị bỏ lại tại các bãi đỗ. Tuy nhiên, không thể để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Đó là lí do để giới chức dự kiến sẽ đầu tư số tiền 390 triệu đôla Mỹ cho cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp.
Wim Bot, phát ngôn viên của Liên đoàn xe đạp Hà Lan cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với rất nhiều thử thách. Nhiều đường xe đạp cần sửa chữa, xây lại do đã quá cũ; vấn đề đỗ xe, tìm kiếm giải pháp tốt cho cả người đi xe đạp và người đi bộ. Có lẽ chúng tôi cần thiết kế, xây dựng lại cơ sở hạ tầng cho xe đạp”.
Đồng thời, chính phủ Hà Lan cũng tìm kiếm những giải pháp khác để giải bài toán khó về số lượng xe đạp. Dịch vụ chia sẻ xe đạp tương tự như Trung Quốc cũng có thể là giải pháp, nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ đi cùng việc áp dụng các bến đỗ, trạm xe; đi kèm với đó là kết hợp với các loại hình phương tiện công cộng khác.
Với những giải pháp này, chính phủ Hà Lan kỳ vọng sẽ không lặp lại vết xe đổ như bong bóng dịch vụ chia sẻ xe đạp đã xảy ra tại Trung Quốc.