Bệnh 'sai làn' có dễ lây?

30/06/2020 08:01 668

Ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM, mật độ phương tiện vượt quá sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, có một lối mòn suy nghĩ của những người đi xe

Nếu nhìn vào bất cập mang tính khách quan, như sự cố đèn, vạch kẻ đường bị mờ, bố trí luồng tuyến bất hợp lý, vướng công trường thi công, có thể thông cảm cho suy nghĩ đó.

Tuy nhiên, có những tình huống người viết không thể đồng tình với lập luận vừa nêu. Đứng trước một ngã tư ùn ứ phía trước, bạn sẽ lựa chọn nhẫn nại chờ đợi theo đúng hàng lối, hay bắt chước người phía trên, bật xi nhan, lách trái?

Cần nhớ, sự sốt ruột sẽ tăng cấp số nhân theo thời gian chờ đợi. Trong khi những xe bên cạnh đang vô tư lấn làn ngược chiều như thử thách lập trường của bạn. Nếu còn một chút lưỡng lự, có thể những tiếng còi xe chát chúa, tiếng mắng chửi của những người phía sau sẽ thúc giục bạn trở thành “đồng phạm”! 

Chưa có nghiên cứu nào về ổn định tâm lý và sự kiên định của những người tham gia giao thông trong ùn tắc. Nhưng có một điều chắc chắn, họ rất bối rối và sẽ tìm mọi cách để thoát khỏi tình cảnh này một cách nhanh nhất.

Liệu việc lấn làn, chặn dòng xe đi ngược chiều có giúp bạn về nhà nhanh hơn? Câu trả lời là không! Vì bạn và dòng xe ấy vừa biến một điểm ùn ứ thành một điểm ùn tắc.

Vậy “Bệnh” đi sai làn có dễ lây? Có lẽ là rất dễ khi xét theo tâm lý đám đông và những ức chế mà người tham gia giao thông phải đối mặt. Nhưng tôi tin, có một phương thuốc đem lại khả năng đề kháng trước “căn bệnh” này.

Đó là đồng cam cộng khổ, là sự nhường nhịn và sẻ chia.

Chúng ta nhường một phần đường vốn đã rất chật hẹp cho người khác, san sẻ một chút thời gian cho những người cũng đang rất vội về nhà như ta.

Hiểu được lý lẽ ấy, những khó khăn khi cùng gánh vác sẽ vơi bớt đi bao nhiêu.