Đô thị vệ tinh của Hà Nội đang ở đâu (Bài 1): Khổ vì “mác” đô thị

16/09/2019 11:00 957

Chính quyền địa phương cần làm gì để tháo gỡ khó khăn cho người dân khi quy hoạch chưa được thực hiện?

Một lô đất được rao bán tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên

Từ khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Thủ đô Hà Nội được quy hoạch theo mô hình chùm đô thị, gồm 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, các đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn đang năm trên… giấy. 

Các đô thị vệ tinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Phú Xuyên, Sóc Sơn, Xuân Mai, Hòa Lạc và Sơn Tây. Vậy, đời sống của người dân ở những nơi được quy hoạch đô thị vệ tinh này như thế nào? \

Chính quyền địa phương cần làm gì để tháo gỡ khó khăn cho người dân khi quy hoạch chưa được thực hiện? Những nội dung này sẽ được phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đề cập trong loạt bài: Đô thị vệ tinh của Hà Nội đang ở đâu?.

Trong bài 1: “Dân khổ vì mác đô thị”, các phóng viên sẽ phản ánh cuộc sống khó khăn của người dân ở huyện Phú Xuyên, nơi được quy hoạch là đô thị vệ tinh hơn 10 năm nay.

10 năm trước, thành phố Hà Nội công bố quy hoạch xã Văn Nhân là vùng “lõi” của đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Biết được tin này, cán bộ và người dân nơi đây rất mừng, vì nếu phát triển thành đô thị thì quê hương mình sẽ giàu đẹp, cuộc sống của người dân sẽ đổi thay.

Tuy nhiên, niềm vui cứ vơi dần theo những năm tháng chờ đợi, để rồi trở thành những nỗi buồn , bởi quy hoạch đã được phê duyệt từ cả chục năm nay, nhưng chưa có dấu hiệu của việc triển khai thực hiện.

Từ một vùng quê yên ả, cuộc sống của người dân xã Văn Nhân bỗng xáo trộn, bắt đầu từ việc nhiều người đổ xô đến mua đất, là cơ hội cho “cò” đất liên thục đẩy giá lên cao.

Đất thổ cư, đất ruộng “phần trăm” và cả đất trồng cây hàng năm đều được giao dịch nhộn nhịp. Đất thổ cư ở các thôn trước đây chỉ vài ba triệu một m2, nay đã tăng lên 10-12 triệu/m2. Thậm chí có nơi còn lên đến 20 triệu/m2. Còn đất nông nghiệp, ở vị trí đẹp có giá lên đến hơn 500 triệu/1 sào 360m2.

Có nhiều lý do để người dân bán đất, nhưng những người mua thì có chung một mục đích là để đầu cơ và chờ đợi đô thị vệ tinh. Anh Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: "Người dân thấy lợi nhuận hay gặp chút khó khăn thì hay bán ruộng để cho những người có nhu cầu cao hơn họ sử dụng. Việc chờ dự án, nếu để đất không sản xuất thì hoang phí, nhưng nếu đầu tư vào thì không biết Nhà nước có lấy lại hay không hoặc lấy lại thì không biết sẽ đền bù cho bà con ra sao".

Tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên đang có một nghịch lý là mặc dù đất nông nghiệp có giá cao như vậy, nhưng ở nhiều nơi, ruộng đang bị bỏ hoang. Một phần dẫn đến tình trạng này là người dân không được dồn điền, đổi thửa, không đầu tư vào sản xuất lâu dài vì không biết đất nhà mình sẽ bị thu hồi lúc nào.

Bà Trần Thị Huyền, một người dân ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên nói: "Hiện nay, nhiều cơ sở chăn nuôi, nhà ở của người dân đã xuống cấp, nhiều nhà xập xệ. Đề nghị được sửa chữa, cơi nới, xây dựng lại thì cấp trên không cho phép. Vấn đề chuyển đổi cây trồng cũng rất khó khăn. Những chỗ cần quy hoạch, chuyển đổi vùng lúa kém hiệu quả sang mô hình khác thì lãnh đạo địa phương nói quy hoạch lõi đô thị vệ tinh rồi nên lãnh đạo không ký".

Sau 12 năm được phê duyệt, cụm công nghiệp Phú Xuyên vẫn chưa được triển khai xây dựng

Ông Nguyễn Văn Vững, Bí thư Đảng ủy xã Văn Nhân cho biết, do điều kiện đất đai chật hẹp, nên người dân xã Văn Nhân phải chuyển sang làm nghề phụ, một bộ phận thì buôn bán ngoài thị trấn Phú Xuyên. Xã Văn Nhân có làng nghề làm gỗ truyền thống, nhưng do nằm trong vùng quy hoạch đô thị vệ tinh nên địa phương không thể đầu tư hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm gỗ của làng nghề theo định hướng trước đây. Vậy là người dân trong xã vẫn phải hít bụi và sống chung với tiếng ồn từ nhiều năm nay. Trong khi đó, mọi hoạt động xây dựng đều bị cấm theo chỉ đạo từ cấp trên.

Ông Nguyễn Văn Vững nói: "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì huyện báo cáo với thành phố chỉ đạo là không được sử dụng đất lâu dài. Phát triển trang trại thì người dân phải có lều lán trông nom hay có cơ sở hạ tầng nhưng thành phố không cho phép xây dựng một cái gì. Một số gia đình họ không cấy, họ cứ cho ruộng, thậm chí còn bỏ ruộng, phải động viên rất nhiều".

Không chỉ tại xã Văn Nhân mà ở nhiều xã khác của huyện Phú Xuyên như Nam Phong, Nam Triều, Đại Thắng, Quang Trung và thị trấn Phú Xuyên, đời sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn. Trong khu vực này có cụm công nghiệp Phú Xuyên và khu đô thị Phú Thịnh được tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 từ năm 1997, giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên, do chồng chéo về quy hoạch nên đến nay, đơn vị này vẫn chưa thể  triển khai dự án.

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên cho biết: "Triển khai thực hiện cụm công nghiệp Phú Xuyên thì sẽ có bước thay đổi diện mạo của thị trấn. Sự phát triển kinh tế, cụm công nghiệp và chuỗi làng nghề, quy hoạch đất đai, quản lý đất đai thì sẽ phát huy được những nguồn lực và tiềm năng sẵn có của thị trấn, thì đời sống của nhân dân sẽ phát triển tốt hơn".

Chưa biết đến bao giờ thì đô thị vệ tinh mới được xây dựng, lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên, Hà Nội không có căn cứ để định hướng phát triển sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Do thiếu việc làm, hàng nghìn lao động ở nhiều xã của huyện Phú Xuyên phải đi làm ăn xa.

Những cử nhân, kỹ sư học xong Cao đẳng, Đại học cũng không thể trở về để cống hiến cho quê hương. Vậy là mặc dù mang cái mác đô thị, nhưng hầu hết các địa phương trong vùng quy hoạch đô thị vệ tinh Phú Xuyên vẫn là các xã thuần nông. Họ vẫn đang sống trong hy vọng sẽ có một ngày được trở thành người đô thị, nhưng ngày đó có lẽ sẽ rất lâu mới tới.