“Bịt” kẽ hở trong xã hội hóa Trung tâm Đăng kiểm
Kiểm định chất lượng là cách thức để kiểm soát mức độ an toàn phương tiện
Mặc dù, phương tiện đang bị tạm giữ tại tỉnh Lào Cai nhưng 5 xe tải vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tại một Trung tâm đăng kiểm thuộc địa phương khác cách đó hàng trăm cây số.
Sự việc tưởng chừng như “vô lý” này đã bộc lộ những lỗ hổng trong công tác đăng kiểm hiện nay, gây không ít lo lắng cho nhiều người dân khi những phương tiện không đảm bảo chất lượng vẫn được tham gia giao thông trên đường.
Một số lái xe cho biết, câu chuyện những lỗ hổng trong quá trình đăng kiểm phương tiện cơ giới đã diễn ra từ lâu, nhất là tại những Trung tâm đăng kiểm được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Có rất nhiều cách để các tài xế “lách” trong quá trình đăng kiểm phương tiện.
“Bên ngoài các trung tâm đăng kiểm có các dịch vụ cho thuê lốp. Nhiều con xe đi rất hay bị nổ lốp, những xe tải cũ, lúc mà đăng kiểm bên ngoài họ sẽ thuê lốp bên ngoài vào đăng kiểm, đăng kiểm xong họ lại ra trả lắp vào xe”.
“Hầu như xe tải xe nào cũng cơi thành, chở quá trọng tải đấy, nhưng mà đến lúc đi đăng kiểm cắt thành ra một tý , vẫn đăng kiểm bình thường, vẫn chạy hàng ngày bình thường”.
“Đứng ở góc độ người tham gia giao thông, những phương tiện không đảm bảo an toàn vẫn tham gia giao thông thì đương nhiên không an toàn”.
Ông Trần Ngọc Sơn- Chánh văn phòng Ủy ban ATGT tỉnh Lào Cai- đơn vị phát hiện ra sai phạm trong công tác đăng kiểm cho biết, nhờ sự phối hợp của Tổng cục đường bộ, Cục đăng kiểm Việt Nam, qua một thời gian đấu tranh, các đăng kiểm viên tại Trung tâm đăng kiểm 9803D mới thừa nhận, đã sử dụng các phương tiện gần giống, gắn biển số giả để thực hiện quá trình đăng kiểm.
Việc làm này vi phạm nghiêm trọng Thông tư 70 Bộ GTVT quy định quy trình thực hiện đăng kiểm xe cơ giới. Phân tích về “lỗ hổng” trong quá trình đăng kiểm, ông Trần Ngọc Sơn cho rằng, công tác tổ chức quản lý hoạt động đăng kiểm hiện nay còn nhiều bất cập:
“Vì việc đẩy mạnh xã hội hóa mà việc kiểm tra, kiểm soát không được đầy đủ và chính xác dẫn đến tình trạng việc kiểm định thì cứ kiểm định còn cơ quan quản lý thì cứ quản lý.
Việc cơ quan kiểm định không đúng, không trung thực mà cơ quan quản lý không nắm được thì cái đó là do cách quản lý, cách tổ chức của mình. Bản thân XHH không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng như vừa đề cập mà cái đó là do tổ chức quản lý”.
Một số ý kiến cho rằng, xã hội hóa Trung tâm đăng kiểm là một xu hướng đúng đắn trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình này, việc nở rộ các Trung tâm đăng kiểm không đi kèm với các hoạt động thanh tra, kiểm soát hoạt động đăng kiểm tương ứng nên dẫn đến những khó khăn trong quá trình kiểm tra, quản lý.
Ông Nguyễn Văn Hải- Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2903S, ở đường Lê Quang Đạo, Hà Nội cho rằng, với số lượng các Trung tâm đăng kiểm xã hội hóa tăng nhanh như hiện nay, công tác quản lý Nhà nước của Cục đăng kiểm Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nên vai trò chủ động trong công tác giám sát, quản lý hoạt động đăng kiểm phương tiện phải do chủ đầu tư, lãnh đạo các Trung tâm đăng kiểm tự thực hiện.
“Vai trò của lãnh đạo thì phải giám sát chặt, bởi vì quản lý con người là khó nhất, nên là đối với từng trung tâm đăng kiểm thì lãnh đạo phải sát sao hơn trong công tác quản lý cũng như là giám sát đội ngũ cán bộ công nhân viên của mình thôi. Thậm chí là phải giám sát đối tượng khách hàng nữa”.
Theo ông Hải, ngoài việc trang bị hệ thống camera an ninh để phục vụ cho công tác giám sát nội bộ và kết nối trực tuyến để Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam trực tiếp theo dõi, thì lãnh đạo Trung tâm cũng cần có những biện pháp siết chặt quản lý hoạt động của các nhân viên trực tiếp tham gia công tác đăng kiểm phương tiện, để không dám sai phạm.
Ông Trần Anh Quân- Quyền Trưởng phòng cơ giới- Cục đăng kiểm Việt Nam khẳng định, quy trình kiểm định phương tiện tại các đơn vị đăng kiểm đã được quy định rất rõ tại Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, mốt số đăng kiểm viên trong quá trình thực hiện đã không chuyên tâm hoặc có những mục đích khác nhau nên cố tình vi phạm.
Bởi vậy, trách nhiệm tự kiểm tra, giám sát để duy trì chất lượng hoạt động kiểm định là trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị đăng kiểm. Song, theo ông Quân, chất lượng của đội ngũ giám sát, quản lý tại những Trung tâm đăng kiểm xã hội hóa vẫn còn nhiều vấn đề đáng phải bàn:
“Ở đây cũng có một số vấn đề về việc trong quá trình xã hội hóa, cái việc đăng kiểm viên để được đưa vào các vị trí lãnh đạo của các trung tâm đăng kiểm, đặc biệt là các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa mới thành lập thì họ chưa có bề dày về kinh nghiệm trong hoạt động kiểm định.
Do yêu cầu về nhân lực, nhân lực có điều kiện thì các đơn vị đăng kiểm thường bổ nhiệm đăng kiểm viên chỉ mới có 3 năm kinh nghiệm, đáp ứng được tiêu chuẩn theo nghị định 139 chứ chưa kinh qua các vị trí để tích lũy kinh nghiệm các hoạt động này nên cũng có hạn chế xảy ra”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Đỗ Khắc Sơn- Giảng viên trường ĐH GTVT cho biết, quá trình xã hội hóa Trung tâm đăng kiểm có thể xảy ra tình trạng, chạy theo mục tiêu lợi ích hơn là mục tiêu đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường và cả sự thiếu hiểu biết của chủ đầu tư.
“Bản thân có thể người ta có tiền để đầu tư, nhưng người ta không hiểu những quy định chặt chẽ của quy trình quy trình thực hiện đăng kiểm nên dễ bị các nhân viên dưới quyền “lách luật” hoặc cố tình làm sai. Bản thân các Trung tâm đăng kiểm đều phải thuê hết, người đi làm thuê trách nhiệm sẽ khác”.
Để hạn chế những sai phạm trong quá trình đăng kiểm phương tiện, Cục đăng kiểm Việt Nam vừa qua đã sử dụng chế tài rút giấy chứng nhận hoạt động kiểm định của trung tâm, và đình chỉ chức danh đăng kiểm viên đối với 7 đăng kiểm viên của trung tâm đăng kiểm ở Bắc Giang . Đồng thời sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng, các Trung tâm đăng kiểm phải thực hiện nghiêm túc quá trình tự kiểm tra, giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời đối với những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, cũng cần khẩn trương kết nối dữ liệu giữa cơ quan đăng kiểm với các cơ quan xử lý vi phạm như CSGT, Thanh tra giao thông để các đơn vị đăng kiểm phát hiện ra những trường hợp phương tiện vi phạm và từ chối đăng kiểm.
Cần nâng chế tài đối với vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm
Kiểm định chất lượng phương tiện là cách thức để kiểm soát mức độ an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông. Nếu quá trình kiểm định bị buông lỏng, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra. Bởi vậy, việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của đăng kiểm viên, trung tâm đăng kiểm là điều cần thiết nhằm tăng tính răn đe cho các đăng kiểm viên khác.
“Cần nâng chế tài đối với vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến- PGĐ Kênh VOVGT)
Ngày 17/4/2019, trung tâm đăng kiểm 9803D là trung tâm đăng kiểm đầu tiên bị thu hồi giấy phép hoạt động do có 5 lượt đăng kiểm viên bị đình chỉ công tác. Đặc biệt, đơn vị này còn cấp giấy chứng nhận kiểm định khống cho 5 xe tải ở Lào Cai. Đây là một sự việc có nhiều góc nhìn khác nhau.
Một mặt, việc lần đầu tiên có một đơn vị bị thu hồi giấy phép hoạt động do những vi phạm trong hoạt động cho thấy sự mạnh tay của các cơ quan chức năng trong nỗ lực siết chặt hoạt động có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tới an toàn giao thông.
Nhưng, mặt khác, với vi phạm đặc biệt nghiêm trọng là cấp giấy đăng kiểm khống, trung tâm đăng kiểm trên đã vô hiệu hóa khả năng kiểm soát an toàn phương tiện, gián tiếp gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ, bất chấp hậu quả có thể gây nguy hiểm cho hoạt động giao thông của cộng đồng.
Với chế tài thu hồi giấy phép hoạt động, đơn vị này chỉ bị xử lý hành chính bởi sai phạm có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng. Điều đó là không thỏa đáng, và không có nhiều tác dụng răn đe dành cho nhân viên kiểm định và các cơ sở đăng kiểm.
Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra bởi nguyên nhân là sự mất an toàn của phương tiện, đặc biệt là các vụ xe mất lái. Tuy nhiên, những đơn vị, cá nhân gián tiếp gây ra những vụ tai nạn đó khi bỏ qua các quy trình, nguyên tắc kiểm định thì không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Đó chính là cơ chế thúc đẩy sự vô trách nhiệm của các kiểm định viên, cũng như các cơ sở đăng kiểm.
Xử phạt hành chính, đó là hậu quả mà người vi phạm chỉ phải trả giá bằng tiền. Sự trừng phạt đó là vô nghĩa khi mà người ta vẫn có cơ hội tìm được những lợi ích bằng tiền, thường là lớn hơn so với cái giá phải trả khi bị phát hiện.
Bởi thế, để nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân viên kiểm định, và các cơ sở đăng kiểm, thì các chế tài xử phạt cần có tính răn đe cao hơn. Để người vi phạm không thể chỉ phải trả giá bằng tiền.
Đã đến lúc, cần nâng chế tài, theo đó, người có trách nhiệm trong lĩnh vực đăng kiểm cần phải được xử lý hình sự đối với các sai phạm của mình, cho dù đã gây ra hậu quả nghiêm trọng hay không. Nhân viên kiểm định thiếu trách nhiệm hoàn toàn có khả năng dẫn đến những tai nạn giao thông chết người.
Vì thế, cần phải bị khởi tố hình sự đối với những hành vi vi phạm quy trình đăng kiểm. Chỉ khi phải trả giá bằng sự mất tự do, mất quyền công dân, người ta mới có thể từ chối những lợi ích bằng tiền mà vi phạm có khả năng mang lại.
Có thể bạn thích
-
Phải làm sao khi con gái không thân thiết với mẹ
-
Bộ Văn Hóa-Thể Thao Và Du Lịch Phát Động Tặng Sách Cho Đồng Bào Dân Tộc Và Học Sinh Tỉnh Hòa Bình
-
Ngư Phong Ngô Quang Bích: Vị thủ lĩnh miền Thao - Đà
-
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc: Thiết lập giới hạn cạnh tranh
-
Sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm giả có thể bị xử lý hình sự