Hàng không sẽ phải xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế kịch bản đối phó với dịch bệnh

27/05/2020 10:46 770

Ngành công nghiệp hàng không đã phải mất tới gần một thập kỷ để khôi phục với hàng loạt những thay đổi về công nghệ, củng cố về an ninh.

Dịch COVID-19 khiến vận tải hàng không gặp nhiều khó khăn hơn cả kịch bản dự báo. Hơn 90% máy bay trên toàn cầu phải nằm đất do đóng cửa biên giới và lệnh cấm bay. Kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang giờ là những quy định bắt buộc trước khi lên máy bay. Hàng loạt hãng hàng không báo lỗ, thậm chí đối diện nguy cơ phá sản. Ảnh hưởng lớn tới như vậy, có lẽ nhiều người đã không thể ngờ tới.

Dennis Tajer, một phi công với hơn 30 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Kể từ sau vụ khủng bố 11/9 tại New York, tôi chưa từng thấy sự kiện nào có ảnh hưởng lớn tới ngành hàng không như vậy. Dịch Covid-19 thực sự là cú shock lớn với rất nhiều người”.

Để giải quyết được vấn đề này, hàng không cần lấy lại sự tin tưởng của hành khách. Nhưng việc này không hề đơn giản khi giãn cách xã hội và khẩu trang vẫn là thứ không thể thiếu kể cả khi hàng không được phép hoạt động bình thường trở lại. Vaccine điều trị Covid-19 có lẽ là thứ hiệu quả nhất để giảm tâm lý lo sợ của người dân, nhưng theo các chuyên gia, chúng ta sẽ phải đợi tới ít nhất là nửa đầu năm 2021. Từ giờ tới lúc đó, những quy định an toàn nghiêm ngặt cùng cập nhật diễn biến, thông tin về dịch bệnh kịp thời sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo cảm giác an toàn với hành khách, giúp họ nhận thấy sự quy củ trong công tác phòng chống dịch bệnh của hàng không.

Việc tạo niềm tin ở hành khách không chỉ đem lại lợi ích cho ngành hàng không, mà thậm chí có thể vực dậy nền kinh tế. Khi người dân cảm thấy an toàn, đủ tự tin để đi máy bay, họ sẽ có tự tin để đi lại, mua sắm, thậm chí là đi du lịch, từ đó ngành du lịch, kinh doanh v.v… cũng được hưởng lợi.

Josh Earnest, người phát ngôn của hãng hàng không United Airlines, Mỹ cho biết: “Hãng United Airlines đã loại bỏ hàng ghế giữa của các chuyến bay để giãn xã hội luôn được đảm bảo. Chúng tôi cũng mua về hơn 750 máy khử khuẩn điện tử chuyên dụng để khử trùng mọi chuyến bay cho vài tháng sắp tới. Ngoài ra, nếu hành khách không cảm thấy an tâm, họ có thể đổi lịch chuyến bay mà không phải chịu thêm bất cứ khoản phí nào”. 

Điều thứ hai mà ngành hàng không cần hiện tại, đó là tạo ra các thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Tờ Forbes trích dẫn nghiên cứu của một số chuyên gia, cho biết thang đo này có thể dựa trên Hệ thống Cảnh báo an ninh nội địa Mỹ được nước này áp dụng vào năm 2002, 1 năm sau sự kiện 11/9.

Máy bay nằm "đắp chiếu" tại một sân bay. Ảnh: Shutterstock

Cụ thể, đây sẽ là hệ thống các quy ước về màu sắc với 5 cấp độ khác nhau để cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các dịch bệnh. Mỗi cấp độ được đưa ra sẽ tác động đến cách hành động của liên bang, tiểu bang hay chính quyền địa phương cho phù hợp với tình hình. Khác với Hệ thống Cảnh báo an ninh, hệ thống này cần có sự minh bạch về thông tin cũng như cụ thể hơn về các quy trình an toàn đi kèm mỗi cấp độ. 

Ví dụ với Covid-19, dịch bệnh này có thể đưa vào mức độ 4, báo động đỏ. Ở cấp độ này, chính phủ sẽ tuyên bố Tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ, người dân được yêu cầu không rời khỏi nơi cư trú. Hàng không sẽ tạm ngừng hoạt động, chỉ mở 1 số đường bay hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, vận chuyển nhân viên y tế v.v…, hành khách lên máy bay sẽ phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đồng thời chuyến bay sẽ không cung cấp dịch vụ ăn uống.

Và cuối cùng, đó là việc rút kinh nghiệm từ những sự kiện trước. Đây không phải lần đầu chúng ta chứng kiện một dịch bệnh bùng phát ở diện rộng. Thế giới đã trải qua dịch SARS năm 2003, H1N1 năm 2009 và Ebola năm 2014. Công nghệ vận tải càng hiện đại, càng kết nối con người gần nhau cũng đồng nghĩa với việc một dịch bệnh có thể lây lan mạnh hơn, nhanh hơn. 

Có thể thấy trong dịch bệnh Covid-19 lần này, dù các quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam đã thành công khi nhanh chóng phong tỏa để hạn chế sự lây lan, nhưng sự chủ quan, chủ trương thiếu thống nhất của nhiều nước khác phần nào là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu. Tờ Forbes nhận định, với những dịch bệnh nguy hiểm như thế này, cần tập trung vào sự phối hợp, dập tắt dịch bệnh cả trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia vận tải hàng không cũng nhận định rằng, tới đây, ngành hàng không toàn cầu, cần phải ngồi lại với nhau, để xây dựng các tiêu chuẩn, lên kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong tương lai. Bởi hiện nay, nhiều quốc gia đang rất đau đầu với nguồn lây nhiễm có liên quan tới vận tải hàng không.