Thế giới khuyến khích người dân đi xe đạp như thế nào?
Trước áp lực giao thông lớn ở các đô thị, xe đạp được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán ùn tắc và ô nhiễm không khí.
Được mệnh danh “vương quốc của xe đạp”, xe đạp như một phần cuộc sống của người dân Hà Lan. Số xe đạp tại Hà Lan lên tới 23 triệu chiếc trên tổng số 17 triệu dân. Lượng xe đạp lưu thông tại các thành phố luôn chiếm hơn 70% phương tiện.
Có được thành tựu này là nhờ những chính sách hợp lý, sự nỗ lực không mệt mỏi và trên hết là tình yêu với xe đạp cũng như ý thức, tinh thần của người dân Hà Lan.
Còn tại Anh, Cựu thủ tướng David Cameron từng cho biết nước này sẽ đầu tư số tiền khoảng 94 triệu bảng Anh vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện ATGT để thu hút thêm người dân đi xe đạp:
“Số tiền 94 triệu bảng Anh sẽ làm được rất nhiều điều để người dân được an toàn hơn khi đi xe đạp. Hiện đã có nhiều người dân muốn được sử dụng xe đạp nhiều hơn, và chúng ta sẽ hỗ trợ việc đó.”
Một trong những phương pháp phổ biến được nhiều nơi áp dụng, đó là cung cấp xe đạp miễn phí. Như tại thành phố Adelaide của nước Úc, xe đạp cho thuê miễn phí luôn sẵn sàng tại nhiều nơi để người dân hay khách du lịch có thể sử dụng.
Còn thành phố Birmingham ở Anh lại tặng xe đạp cho những người có thu nhập thấp nếu họ đồng ý sử dụng. Người dân thành phố Gothenburg, Thụy Điển nếu cam kết sử dụng ô tô cá nhân ít hơn sẽ được chính quyền thành phố cấp xe đạp miễn phí.
Nhưng tăng số lượng xe và người dùng xe đạp là chưa đủ, cần phải có cơ sở hạ tầng giao thông cũng như các chính sách hoạch định, khuyến khích dùng xe đạp. Như thành phố New York, Mỹ, nhờ những chính sách đầu tư cho hạ tầng trong vài năm trở lại đây, những người yêu xe đạp có thể đạp xe liên tục trong vòng 25 dặm mà không gặp sự cản trở nào.
Dave Abraham, một người dân New York chia sẻ:
“Cầu Manhattan tại quận Brooklyn là một trong những biểu tượng của New York; nhưng hàng thập kỷ trước, người đi xe đạp không thể đi qua đó. Nhưng vào năm 2004, chính quyền thành phố cho làm đường riêng cho xe đạp. Và giờ mỗi ngày có hơn 7 nghìn người đạp xe qua cầu Manhattan”.
Một trong những chính sách phổ biến khác là hạn chế tốc độ, và nước Anh đang áp dụng khá hiệu quả. Cụ thể, tại thành phố Portmouths, 94% đường bộ ở thành phố này chỉ cho phép phương tiện giao thông chạy tốc độ tối đa 20 dặm/giờ, tương đương khoảng 32 km/h.
Thành phố Bristol cũng áp dụng quy định tương tự trên một số tuyến đường chính. Việc hạn chế tốc độ sẽ khiến việc lưu thông trên các tuyến đường trở nên an toàn hơn, thuận lợi cho việc đạp xe và cả đi bộ.
Người dân đi xe đạp trong ngày cấm xe ở Paris, Pháp
Một quy định khác cũng được người dân ủng hộ, đó là các ngày cấm ô tô, hay còn gọi là car-free day. Trước đây, mỗi năm tại thủ đô Paris, Pháp, người dân sẽ có 1 ngày mà đoạn đường kéo dài 5 dặm từ Khải Hoàn Môn đến quảng trường Nation sẽ cấm hoàn toàn ô tô để người dân có thể đi bộ hoặc đạp xe.
Nhiều thắc mắc được đặt ra rằng liệu 1 năm chỉ có 1 ngày cấm xe thì làm sao có thể giúp khuyến khích người dân đạp xe. Thực tế cho thấy, những trải nghiệm trong ngày cấm xe đã khiến người dân Paris thích thú và yêu cầu có nhiều ngày cấm xe hơn. Và hiện Paris đã có ngày cấm xe mỗi tháng 1 lần.
Anna Hildago, cựu phó thị trưởng Paris chia sẻ:
“Ngày cấm xe là sự kiện để người dân có thể tách ra khỏi ô tô và trải nghiệm những loại hình di chuyển khác. Đây là xu hướng hiện đại, hợp pháp lại vừa giúp giảm ô nhiễm không khí ở Paris”.
Còn tại Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia đã từng khởi động chương trình Khuyến khích đi xe đạp vào năm 2016; hay sự kiện Vietnam Cycle được tổ chức thường niên tại Tp.HCM.
Và mới đây Sở GTVT Đà Nẵng cho biết sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Dự kiến giai đoạn đầu sẽ đầu tư khoảng 30-40 điểm đặt xe đạp, mỗi điểm đặt 5-10 xe. Việc quản lý được thông qua ứng dụng. Người dùng sau khi tải ứng dụng về sẽ quét mã QR code để mở khóa xe đạp để sử dụng. Cước phí thanh toán tương ứng với thời gian sử dụng (tính theo giờ, theo ngày hoặc theo tháng).
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn những sự đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng như chính sách khuyến khích để việc thúc đẩy sử dụng xe đạp trở nên phổ biến.
Có thể bạn thích
-
Học sinh tốt nghiệp THCS hệ song bằng: biết 'đi đâu, về đâu?
-
Công tác bảo vệ môi trường chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế
-
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số
-
Lần đầu tiên phụ nữ được tham gia Lễ hội lửa lớn nhất châu Âu
-
Bệnh 'sai làn' có dễ lây?