Cần nghiêm trị hành vi quấy rối số điện thoại khẩn cấp
Gọi đến các số điện thoại khẩn cấp để quấy rối ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp nhận, xử lý tin báo của lực lượng làm nhiệm vụ
Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, hệ thống số máy đường dây nóng của UB ATGTQG tiếp nhận hang trăm cuộc gọi, tin nhắn phản ánh của người dân, của hành khách về tình hình trật tự an toàn giao thông, với nhiều thông tin quan trọng.
Tuy nhiên cũng xuất hiện trường hợp một số đối tượng sử dụng sim rác gọi hàng chục cuộc gọi quấy rối, gây khó khăn cho lực lượng chức năng; và việc xác minh, xử lý không hề dễ dàng. Cách nào để ngăn chặn tình trạng này?
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, hầu hết những số máy đường dây nóng của đơn vị này đều bị nháy máy, quấy phá hoặc tiếp nhận những thông tin phản ánh không chính xác.
TSTrần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng UBATGTQG, người trực một số máy đường dây nóng cho biết, tình trạng này đã xuất hiện nhiều năm gần đây, đặc biệt là những ngày cao điểm nghỉ lễ. Có khi là gọi điện, nháy máy, nhưng khi người trực tiếp nhận thì đã tắt máy. Khi gọi lại hoặc xác minh thông tin thì thuê bao đó không nghe hoặc tắt máy. TS Trần Hữu Minh phân tích:
“Thậm chí có tình trạng một số máy lạ cố tình nháy máy, điện lúc nửa đêm. Đây là những hành vi rất tiêu cực, cản trở hoạt động của đường dây nóng về trật tự an toàn giao thông. Có những đợt nó gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đường dây nóng”.
Đại diện UBATGTQG cũng cho biết, sau mỗi kỳ nghỉ lễ đơn vị này đều thống kê các thuê bao có hành vi quấy rối đường dây nóng để kiến nghị các cơ quan chức năng xác minh, xử lý. Song nhiều trường hợp khó xác minh vì thuê bao đã tắt máy.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, người trực tiếp quản lý đường dây nóng của UBATGTQG về hoạt động vận tải cũng cho biết, tình trạng số máy lạ gọi điện, nhắn tin, nháy máy vào ban đêm diễn ra ở hầu hết các kỳ nghỉ lễ. Những thông tin phản ánh qua đường dây nóng đều được chuyển đến Cục CSGT hoặc Sở GTVT các tỉnh, thành phố có phương tiện hoặc địa bàn phương tiện đang lưu thông để xử lý.
“Có trường hợp nháy máy, gửi tin nhắn không đúng, nội dung không đúng. Khi mình hỏi lại có thật hành khách đang đi trên xe hay không hoặc gửi ảnh trên xe hay không thì người ta không gửi được”.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, một số trường hợp thông tin sau khi xác minh không đúng như phản ánh của người dân về số máy đường dây nóng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của đường dây nóng cũng như tâm lý người trực đường dây nóng.
Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an- đơn vị có chức năng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng cũng cho biết, những trường hợp người dân, hành khách trực tiếp gọi điện, nhắn tin đến đường dây nóng của Cục CSGT đều có nội dung đúng sự thật. Song, một số số máy của các cơ quan chức năng trực thuộc Ủy ban lại có thông tin không chính xác.
Do vậy, khi thông tin được chuyển đến các Sở GTVT, lực lượng CSGT các tỉnh hoặc các đội đang túc trực trên đường thì rất khó xác minh hoặc thông tin không đúng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của đường dây nóng.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, những đường dây nóng là phương tiện truyền tin rất quan trọng để xử lý những vấn đề nóng của xã hội liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Việc một số cá nhân có những hành vi gọi điện, tung tin sai sự thật hoặc có tính chất quấy rồi thì đó là vi phạm pháp luật. Với hành vi như vậy thì có thể áp dụng chế tài hành chính theo quy định tại Điểm G, khoản 3, Điều 66 của Nghị định 174 năm 2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông vô tuyến điện.
Cụ thể, với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa dữ liệu, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối hoặc xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị phạt tiên từ 10-20 triệu đồng.
“Trong trường hợp hành vi lặp lại nhiều lần có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồng. Còn khi đã xử phạt rồi mà đối tượng vẫn tiếp tục vi phạm đến mức ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội, cản trở việc tiếp nhận thông tin quan trọng thì hành vi này còn có tính chất gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức nhà nước thì có thể xem xét xử lý hình sự”.
Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường cũng thừa nhận, những đối tượng thường xuyên gọi đến đường dây nóng để quấy rối thì thường sử dụng sim rác hoặc những số máy ít sử dụng và có thể tắt máy. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể căn cứ vào cột sóng tiếp nhận cuộc gọi để khoanh vùng, xác minh qua những cuộc gọi phát sinh từ thuê bao đó để điều tra, xử lý. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp với cơ quan công an và đơn vị phòng chống tội phạm công nghệ cao để xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Về phía người dân, một số ý kiến cũng bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng quấy rối số máy đường dây nóng của cơ quan chức năng:
“Tôi được biết cơ quan chức năng đã công bố những số máy đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của người dân về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên tôi cũng được biết có rất nhiều tin nhắn, gọi đến là để quấy rối, công bố tin giả, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận về TTATGT của đơn vị này. Từ đó việc xử lý thông tin bị chậm. Tôi nghĩ cơ quan liên quan có sự phối hợp chặt chẽ hơn để xử lý nghiêm, ngăn chặn tình trạng này”.
“Theo tôi biết có một số người hay nhắn tin, gọi điện quấy rối đường dây nóng, vì thế rất ảnh hưởng đến người trực đường dây nóng và tiếp nhận thông tin đó. Vì thế chúng ta cần một cơ chế xử lý rất nghiêm khắc, quyết liệt đối với những kẻ quấy rối đường dây nóng”.
Dù chưa thể chứng minh hành vi quấy rối số máy đường dây nóng của UBATGTQG gây ra những thiệt hại trực tiếp, song những thiệt hại gián tiếp do hành vi quấy rối, tung tin giả đến đường dây nóng là có thật. Đó có thể là tâm lý người trực, là tốc độ xử lý thông tin trong trường hợp khẩn cấp… Do vậy, việc điều tra, xử lý nghiêm đối tượng quấy rối các số máy đường dây nóng là rất cấp thiết.
“Cần nghiêm trị hành vi quấy rối số điện thoại khẩn cấp” (Bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc Kênh VOVGT)
Các số điện thoại khẩn cấp bản chất là công cụ để hỗ trợ cộng đồng, là phương thức tiếp nhận trực tiếp các thông tin khẩn cấp, các yêu cầu hỗ trợ của người dân. Vì thế, hành vi gọi điện quấy rối các số điện thoại khẩn cấp này tương đồng với việc ngăn cản hoạt động hỗ trợ cộng đồng, chống lại lợi ích của cộng đồng.
Theo phản ánh của UBATGT Quốc gia, thời gian qua đường dây nóng của cơ quan này đã nhận rất nhiều cuộc gọi quấy rối, lăng mạ, đưa thông tin giả. Đây là hành vi không chỉ cần được lên án, mà còn cần nghiêm trị. Bởi hiện tượng này đã không ít lần xảy ra, và không chỉ với đường dây nóng của UBATGT Quốc gia.
Các số điện thoại đường dây nóng như 115, 114, 113 đều đã từng gặp rất nhiều hình thức gọi quấy rối khác nhau, đặc biệt phổ biến là cung cấp thông tin giả.
Đường dây nóng báo tin giao thông của Kênh VOVGT cũng thường xuyên gặp tình huống này. Hành vi quấy rối số điện thoại khẩn cấp có tác hại như thế nào?
Thứ nhất, gây ức chế cho người trực tổng đài xử lý thông tin, dẫn đến các quyết định sai lầm.
Thứ hai, làm suy giảm nguồn lực hỗ trợ cộng đồng của các cơ quan chức năng vì phải huy động xử lý tin giả.
Thứ ba, tạo nên sự hoài nghi, ảnh hưởng tới tốc độ xử lý tình huống khẩn cấp của các đơn vị có nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng.
Những tác hại này, dù không trực tiếp gây hậu quả đối với những tình huống cụ thể, nhưng gián tiếp tác động tới hiệu quả hỗ trợ cộng đồng của các cơ quan chức năng, khiến nhiều trường hợp người dân không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời.
Mặc dù vậy, cho đến nay, hầu như chưa có trường hợp nào mà kẻ quấy rối bị trừng phạt một cách tương xứng đối với hậu quả gây ra. Chưa có bất cứ kẻ quấy rối nào được đưa ra xét xử và chịu hình phạt. Vì thế, tình trạng cố tình quấy rối do thiếu ý thức, thiếu hiểu biết vẫn diễn ra một cách phổ biến.Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, khẩn trương xác minh và trừng
phạt những người có hành vi quấy rối. Các cơ quan truyền thông cần phối hợp để phổ biến hình phạt để răn đe những kẻ phá hoại đời sống cộng đồng này.